Đây là thông tin được đưa ra tại buổi Họp báo Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và công bố giải thưởng du lịch “Tam Đảo – Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới năm 2022" tại thị trấn Tam Đảo chiều ngày 2/12/2022.
Vượt khó khăn, kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc tiếp tục tăng trưởng
Với phương châm lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, dịch vụ du lịch là mũi nhọn và coi nông nghiệp, phát triển nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, cơ chế, chính sách phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn để tạo những bước chuyển mạnh mẽ, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Năm 2022, mặc dù chịu tác động của tình hình suy thoái kinh tế thế giới và dịch bệnh, song với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc đã phục hồi khả quan khi vượt 17/17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách cao, thu hút đầu tư tiếp tục đẩy mạnh; các chính sách an sinh xã hội, an ninh trật tự được bảo đảm, Vĩnh Phúc có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất từ năm 2014 đến nay.
Trong đó, tăng trưởng kinh tế ước năm 2022 tăng 9,2-9,8% so với năm 2021, là mức tăng cao nhất từ năm 2014 đến nay.
Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với Nghị quyết 57 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Ước tính hết năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 35.700 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2021.
Thu hút đầu tư ước đạt 450 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 12.500 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (DDI), vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 đứng thứ 5 cả nước, tăng 24 bậc so với năm 2020. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển mạnh; các chế độ, chính sách xã hội, an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng an ninh được giữ vững. Ước năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 19.730 lao động, trong đó, đưa 781 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Theo thống kê, tính đến hết tháng 9-2022, Vĩnh Phúc có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh với 442 dự án FDI, tổng vốn đăng ký trên 7,3 tỷ USD. Nhiều nhà đầu tư có dự án lớn đang hoạt động hiệu quả và rất thành công tại tỉnh trong các lĩnh vực sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử, sản xuất ô tô, xe máy. Nhằm tiếp tục thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường từ các nhà đầu tư lớn, tập đoàn đa quốc gia, Vĩnh Phúc đã linh hoạt đổi mới, sáng tạo trong hoạt động xúc tiến đầu tư, nhất là các thị trường lớn, trọng điểm. Qua đó, quảng bá hình ảnh, vị thế của tỉnh đối với các nhà đầu tư.
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và những nỗ lực của Chính phủ trong việc ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung lãnh đạo thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, vì vậy, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Tính đến ngày 15-11, toàn tỉnh có 1.238 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 21.148 tỷ đồng, tăng 17,4% về số doanh nghiệp và tăng 86,96% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp được triển khai trực tuyến mức độ 3, 4 trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia được thực hiện và đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp so với việc nộp hồ sơ trực tiếp. Đáng chú ý, tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử tính đến 15-11 trên địa bàn tỉnh đạt hơn 98%.
Trở thành tỉnh công nghiệp phát triển vào năm 2025
Vĩnh Phúc đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, nâng cao hàm lượng khoa học và công nghệ cao; năng lực quản trị; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đồng thời đẩy nhanh ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh nhất là trong lĩnh vực công nghiệp.
Theo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, đến năm 2025 Vĩnh Phúc phấn đấu là tỉnh công nghiệp đồng thời là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 8,5-9,0%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130-135 triệu đồng. Đồng thời, thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 6- 8%/năm.
Để thực hiện mục tiêu này, một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đề ra là: "Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; chuyển mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng tăng năng suất lao động trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo" và 1 trong 3 khâu đột phá được xác định là: "Ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước".
Trên lĩnh vực dịch vụ thương mại, Vĩnh Phúc định hướng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại cùng với hệ thống chợ truyền thống. Trong đó, khuyến khích, xây dựng cơ chế hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ trong các hoạt động tài chính, tín dụng và các dịch vụ thanh toán, thương mại.
Đáng chú ý, địa phương xác định phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Về vấn đề này, địa phương sẽ chú trọng triển khai làm tốt quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển du lịch; xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch gắn các giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc, nhất khi nhiều địa danh của Vĩnh Phúc đón nhận sự quan tâm của các du khách quốc tế.
Trước đó, ngày 11/11, tại lễ trao Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA) lần thứ 29 diễn ra tại Muscat, Vương quốc Oman vào tối 11/11, thị trấn Tam Đảo (thuộc huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) được vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022. Giải thưởng thị trấn du lịch hàng đầu thế giới không chỉ tiếp tục nâng cao vị thế của du lịch Tam Đảo không chỉ trong khu vực mà trên phạm vi toàn cầu, thu hút đông đảo du khách quốc tế đến với vùng đất này trong thời gian tới.
Xác định phát triển sản phẩm du lịch làng nghề đem lại giá trị kinh tế lớn, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, các sản phẩm du lịch, chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại các làng nghề còn yếu kém. Do đó, sắp tới Lãnh đạo Tỉnh cho biết sẽ tập trung cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trong đó, xây dựng đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các khu du lịch trọng điểm của tỉnh.
Đồng thời, tập trung phát triển thị trường, sản phẩm du lịch, khai thác tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh, các di tích, danh thắng và du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch thể thao Golf, du lịch hội nghị - hội thảo.
Vĩnh Phúc thực hiện kêu gọi đầu tư theo hướng xây dựng loại hình nghỉ dưỡng cao cấp, gắn kết với các điểm du lịch hồ Xạ Hương, Làng Hà, thác Bản Long, Ngọc Thanh và vùng phụ cận để tạo ra các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, ưu tiên tập trung các nguồn lực xây dựng các khu vực trọng điểm như: Khu du lịch Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải, Đầm Vạc, Vĩnh Thịnh, Hồ Vân Trục... gắn với du lịch qua các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên và Tây Bắc.