Vĩnh Phúc nỗ lực minh bạch hóa môi trường kinh doanh

(ĐTCK) Xác định Chỉ số Tính minh bạch là một trong những chỉ số quan trọng, giúp doanh nghiệp (DN) xây dựng định hướng, chiến lược sản xuất, kinh doanh (SXKD), khởi nghiệp, quyết định đến việc tăng giảm thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh tập trung xây dựng các giải pháp chung và các giải pháp cụ thể cho từng chỉ số thành phần, nhằm nâng cao thứ hạng các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp và cải thiện các chỉ số có trọng số cao.
Năm 2021, chỉ số PCI của Vĩnh Phúc chứng kiến sự tăng về cả điểm số và thứ hạng. Năm 2021, chỉ số PCI của Vĩnh Phúc chứng kiến sự tăng về cả điểm số và thứ hạng.

Năm 2021, chỉ số PCI của Vĩnh Phúc chứng kiến sự tăng về cả điểm số và thứ hạng với vị trí thứ 5 trong 63 tỉnh thành phố của cả nước, đạt 69,69 điểm, tăng 5,85 điểm và tăng 24 bậc so với năm 2020, vượt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, Chỉ số Tính minh bạch của tỉnh, một trong 10 chỉ số thành phần của chỉ số PCI lại xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố với 5,63 điểm, giảm 0,71 điểm, chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Cụ thể, trong 17 chỉ số thành phần của Chỉ số Tính minh bạch, năm 2021, Vĩnh Phúc có tới 5 chỉ số xếp vị trí cuối hoặc gần cuối bảng, gồm: Tiếp cận tài liệu quy hoạch; tiếp cận tài liệu pháp lý; thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh; thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế giúp DN giảm được số thuế phải nộp; tỷ lệ DN truy cập vào website của tỉnh.

Con số trên cho thấy, việc tiếp cận, tìm kiếm các thông tin liên quan đến quy hoạch, chính sách, pháp lý, văn bản điều hành của tỉnh còn khó khăn; tính minh bạch các khoản thuế phải nộp chưa được cải thiện; việc DN có cơ hội tham gia vào quá trình ban hành chính sách, phản biện và giám sát thực hiện chính sách còn hạn chế.

Nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, xây dựng niềm tin của cộng đồng DN với tỉnh, từ đó lan tỏa tích cực đến việc cải thiện các chỉ số khác, tỉnh đã đề ra các mục tiêu cụ thể về Chỉ số Tính minh bạch của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, để cải thiện Chỉ số Tính minh bạch đứng trong nhóm 15/63 tỉnh thành, Vĩnh Phúc tiếp tục xây dựng các giải pháp chung và các giải pháp cụ thể cho từng chỉ số thành phần; quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội (KT-XH).

Nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính bảo đảm tính khả thi, dễ thực hiện; thường xuyên rà soát, kiểm tra, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ theo quy định.

Vĩnh Phúc nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử.
Vĩnh Phúc nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử.

Đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử khai thác đầy đủ các phần mềm nền tảng; thực hiện triển khai các dịch vụ công (DVC) trực tuyến bảo đảm chất lượng theo chỉ đạo của UBND tỉnh; triển khai ký số, gửi nhận văn bản điện tử liên thông 3 cấp tỉnh - huyện – xã.

Thực hiện công khai, minh bạch, đầy đủ các thủ tục hành chính (TTHC) theo thẩm quyền giải quyết trên Cổng thông tin điện tử; ứng dụng triệt để phần mềm Cổng DVC và Một cửa điện tử trong giải quyết TTHC theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh; tạo sự minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho DN, người dân và giảm thiểu các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, chi phí không chính thức, tạo môi trường đầu tư công khai, minh bạch.

Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh cung cấp đầy đủ nội dung thông tin cung cấp trên trang tin theo quy định về việc cung cấp thông tin và DVC trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, gồm chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, thành phố, huyện và các sở, ngành; các dự án, hạng mục đầu tư, đấu thầu mua sắm công; các kế hoạch đầu tư công; các chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư của tỉnh, thành phố…

Tùy vào chức năng, nhiệm vụ, mỗi sở, ngành, địa phương trong tỉnh sẽ chủ động xác định rõ trách nhiệm, linh hoạt đề ra các giải pháp cụ thể.

Đối với Sở Công thương, Giám đốc sở yêu cầu các phòng chuyên môn, đơn vị trực thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin cho Cổng Thông tin giao tiếp điện tử tỉnh; đăng tải đầy đủ những thông tin phải công khai, minh bạch trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, gồm tài liệu về chiến lược phát triển, quy hoạch ngành, lĩnh vực công thương; phương án phát triển cụm công nghiệp, điện lực, các thông tin về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các chính sách như tiền thuê đất, thuê hạ tầng của các dự án.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện nghiêm việc công khai các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các loại hình dự án, vùng dự án theo quy định; thông tin về dự án, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực.

Công khai đầy đủ tài liệu chi tiết về việc thu, sử dụng ngân sách của ngành; cung cấp thông tin đầy đủ về thông tin mời thầu, đấu thầu liên quan đến các gói thầu do đơn vị làm chủ đầu tư theo quy định.

Công khai xin ý kiến các dự thảo văn bản của cơ quan, đơn vị có liên quan, tác động đến DN; thường xuyên cập nhật các văn bản, thông tin hoạt động chỉ đạo, điều hành, nghiệp vụ, kết quả xử lý vi phạm hành chính; thông tin danh sách các tổ chức cá nhân vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Nam Khánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục