Vĩnh Phúc hỗ trợ hơn 177.000 lao động bị ảnh hưởng vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tin từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, sẽ có hơn 177.000 lao động trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng vì Covid-19 được hỗ trợ trong những ngày tới đây.
Các lao động chịu ảnh hưởng từ Covid-19 ở Vĩnh Phúc sẽ sớm nhận được hỗ trợ từ gói 38.000 tỷ của Chính phủ. Ảnh: Internet. Các lao động chịu ảnh hưởng từ Covid-19 ở Vĩnh Phúc sẽ sớm nhận được hỗ trợ từ gói 38.000 tỷ của Chính phủ. Ảnh: Internet.

Như vậy, sau gần 10 ngày triển khai thực hiện Nghị quyết số 116 của Chính phủ, gói hỗ trợ 38.000 tỷ đã chuẩn bị đến tay những người lao động Vĩnh Phúc.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 116 của Chính phủ và chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ; thành lập Ban chỉ đạo và các tổ truyền thông, tổ rà soát, tổ chi trả; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, từng phòng nghiệp vụ cũng như bảo hiểm xã hội các huyện, thành phố; tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn về nội dung, quy trình thủ tục, hồ sơ và giải đáp những vướng mắc của đơn vị, doanh nghiệp về chính sách hỗ trợ.

Để lan tỏa sâu rộng chính sách hỗ trợ, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tổ chức đợt truyền thông cao điểm bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường, trên loa truyền thanh cơ sở, Zalo, Facebook, các trang fanpage…để đơn vị, doanh nghiệp, người lao động nắm rõ và tiếp cận chính sách một cách nhanh chóng, đầy đủ nhất. Đồng thời, bố trí cán bộ trực đường dây nóng sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; tăng cường cán bộ làm thêm việc ngoài giờ hành chính, làm cả ngày thứ 7, chủ nhật để rà soát dữ liệu, chuyển dữ liệu và thông báo đến các đơn vị sử dụng lao động.

Qua rà soát, toàn tỉnh có 3.370 doanh nghiệp thuộc đối tượng giảm đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp và trên 177.000 người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9 có tên trong danh sách hỗ trợ.

Công tác phòng chống dịch được thực hiện rất nghiêm tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Internet.

Công tác phòng chống dịch được thực hiện rất nghiêm tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Internet.

Tính đến hết ngày 6/10, Bảo hiểm xã hội tỉnh và Bảo hiểm xã hội các huyện, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ của 345 đơn vị, doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ cho trên 2.400 lao động đang làm việc tại doanh nghiệp; 882 hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động đang có thời gian bảo hiểm thất nghiệp bảo lưu.

Quyết tâm hoàn thành việc chi trả hỗ trợ xong trước ngày 31/12/2021, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện việc chi trả hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, nhanh chóng, hiệu quả cho người lao động theo đúng tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ không chi trả hỗ trợ qua người sử dụng lao động mà sẽ trả hỗ trợ trực tiếp cho từng lao động.

Trước đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, ổn định lao động cho các doanh nghiệp, cung cấp kịp thời các thông tin về cung cầu lao động cho doanh nghiệp; khảo sát, nắm bắt cụ thể tình hình về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động ở các doanh nghiệp.

Trong 9 đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 19 phiên giao dịch việc làm (trong đó 02 phiên lưu động), với sự tham gia của 165 lượt doanh nghiệp và 1.026 lao động đăng ký tuyển lao động tại Sàn giao dịch, đã có 750 lao động đạt sơ tuyển tại Sàn.

Ước 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 11.516 lao động đạt 67,7% so với kế hoạch năm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 196 lao động.

Các lĩnh vực giảm nghèo và an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm. Chính sách giảm nghèo và hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời. Các hoạt động bảo trợ xã hội tiếp tục được quan tâm. Người có công, gia đình chính sách được các cấp, các ngành thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách theo quy định.

Thanh Huyền

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục