Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, đến hết tháng 9/2021, tổng số dự án đầu tư thuộc nhóm ngành nghề điện tử đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đạt gần 200 dự án, chiếm 60% tổng số dự án công nghệp đầu tư trong các khu công nghiệp.
Dù vậy, trong giai đoạn 2011-2020, việc thu hút các dự án công nghệ cao trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều hạn chế. Toàn tỉnh mới chỉ có 5 doanh nghiệp FDI được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm linh kiện điện tử, tham gia vào các chuỗi sản xuất an toàn. Hiện chưa có dự án DDI nào trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao.
Thời gian tới, để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025: “Ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước”, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thu hút đầu tư theo hướng “thu hút có chọn lọc”, “thu hút chủ động”, “thu hút dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường”.
Giai đoạn 2021-2030, tỉnh xây dựng chính sách thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao mang tính đột phá để không bỏ lỡ cơ hội thu hút các tập đoàn lớn, các dòng vốn đầu tư chất lượng, các dự án công nghệ cao.
Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ giá thuê hạ tầng khu công nghiệp; hỗ trợ chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao nhằm giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính cho sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo đòn bẩy, sự lan tỏa để thu hút nhà đầu tư quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư dự án sản xuất thuộc lĩnh vực này.