Những năm gần đây, Vĩnh Phúc đã coi công tác cải cách hành chính là một trong những ưu tiên hàng đầu, là khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nỗ lực tạo môi trường, hành lang thông thoáng trong thu hút đầu tư, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Ngay tại Lập Thạch, là huyện miền núi của tỉnh, bám sát chỉ đạo của tỉnh về cải cách hành chính, huyện đã xây dựng, triển khai mô hình một cửa với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, bố trí cán bộ, công chức các phòng, ban chuyên môn trực để tiếp nhận và trả kết quả cho tổ chức, công dân.
Với chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cá nhân vào đầu tư phát triển, Lập Thạch không chỉ tạo điều kiện về thủ tục hành chính mà còn triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để các dự án xây dựng hạ tầng, thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
UBND huyện Lập Thạch thường xuyên yêu cầu các phòng chuyên môn tự kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện các nhiệm vụ về cải thiện môi trường kinh doanh theo chức năng, nhiệm vụ của ngành; định kỳ hằng tháng, có báo cáo kết quả giải quyết các thủ tục hành chính trên địa bàn và thực hiện công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng thông tin giao tiếp điện tử của huyện, kịp thời có biện pháp tháo gỡ, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Huyện cũng tập trung cải thiện và nâng cao chất lượng điều hành kinh tế cấp huyện (chỉ số năng lực cạnh tranh - DDCI) với các giải pháp như: Nâng cao mức độ hài lòng và lòng tin của doanh nghiệp; công khai, minh bạch thông tin; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp… nhất là trong việc đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục về đăng ký thuế, khai thuế, hoàn thuế, miễn thuế; các thủ tục về đầu tư, kinh doanh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy…
Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính được quan tâm thực hiện. Hiện, trên địa bàn huyện đã có 100% đơn vị thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Toàn bộ hệ thống văn bản đi, văn bản đến (trừ văn bản mật) được xử lý trên môi trường mạng. Tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của huyện đạt gần 100%. Toàn huyện có 315 thủ tục hành chính cấp huyện, 146 thủ tục hành chính cấp xã được công khai trên phần mềm một cửa Igate.
Không chỉ ở huyện Lập Thạch, thời gian qua, thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước, các sở, ban, ngành, địa phương đã rà soát, xây dựng quy trình giải quyết đối với từng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã). Các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của các cơ quan, đơn vị đều được niêm yết công khai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và tại Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả của các cơ quan, đơn vị. 100% các thủ tục hành chính được đưa vào giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc |
Đơn cử như, sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã và đang đáp ứng tốt yêu cầu là Bộ phận một cửa hiện đại cấp tỉnh. Trung tâm luôn thực hiện tốt vai trò tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về một cửa, một cửa liên thông, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận và giải quyết thủ hành chính ở một số lĩnh vực thiết yếu, từ ngày 1/4/2023, Trung tâm đã triển khai làm việc vào sáng thứ 7 hằng tuần; người dân và doanh nghiệp có thể đến Trung tâm để thực hiện nộp và nhận kết quả các thủ tục hành chính các lĩnh vực như: Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2; cấp thẻ căn cước công dân; đăng ký cấp điện cho cá nhân, tổ chức… Tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 48.893 hồ sơ mới, trong đó, đã có kết quả trả đúng và trước hạn là 44.436 hồ sơ, đạt 91%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt khoảng 52%.
Với mục tiêu tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, cắt giảm thời gian, tối ưu quy trình giải quyết thủ tục hành chính; đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đang dạng hóa phương thức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, nhất là về đất đai, xây dựng, môi trường… Thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nâng cao tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 3,4; khuyến khích nghiên cứu, phát huy, áp dụng những sáng kiến thiết thực, hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trục lợi cá nhân trong hoạt động hành chính Nhà nước, hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả… Đây cũng chính là sự cam kết, đồng hành của tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư về một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hiệu quả.