Vị trí trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Vĩnh Long có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, nằm ở trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giữa hai trung tâm kinh tế lớn là TP.HCM (cách 136 km) và TP. Cần Thơ (cách khoảng 33 km). Từ Vĩnh Long, có thể kết nối nhanh chóng, thuận tiện với các tỉnh trong vùng qua hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, đường hàng không và đường sắt (trong tương lai). Cùng với Cần Thơ, Vĩnh Long là trung tâm trung chuyển, kết nối giữa các tỉnh trong vùng và các vùng kinh tế khác của cả nước.
Nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, Vĩnh Long có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, tài nguyên nước thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp. Các ngành hàng chủ lực của tỉnh là lúa (sản lượng hàng năm gần 700.000 tấn), trái cây (trên 1,2 triệu tấn), thủy sản (trên 150.000 tấn/năm), chăn nuôi gia súc (chủ yếu là gà, bò và lợn với số lượng hàng năm trên 11 triệu con). Đây là nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú cho ngành công nghiệp chế biến nông - thủy sản, thực phẩm vốn dĩ còn nhiều dư địa phát triển.
Với vị trí địa lý thuận lợi, Vĩnh Long là nơi thích hợp để các doanh nghiệp lựa chọn đặt các nhà máy sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm, trung tâm logistics từ vùng nguyên liệu Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh cũng có vị trí hấp dẫn để các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, đồ uống đặt nhà máy sản xuất hoặc tổng kho phân phối phục vụ thị trường hơn 17 triệu dân trong vùng.
Các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia đang và sắp đầu tư xây dựng trên địa bàn tạo cơ hội cho Vĩnh Long tăng cường liên kết với các địa phương, các hành lang kinh tế, các vùng kinh tế động lực phía Nam và tổ chức lại không gian phát triển mới, phù hợp, hiệu quả hơn, góp phần khai thác các nguồn lực bên ngoài, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống sông rạch chằng chịt trên địa bàn không chỉ thuận lợi kết nối giao thông đường thủy, mà còn giúp Vĩnh Long có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn. Tỉnh cũng có nguồn tài nguyên du lịch phong phú với hơn 800 di tích lịch sử - văn hóa, nhiều làng nghề truyền thống và địa điểm du lịch miệt vườn gắn với cuộc sống thường nhật của người dân, lưu trú trải nghiệm homestay. Đặc biệt, trong tương lai không xa, Di sản đương đại Mang Thít (huyện Mang Thít) và Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (huyện Vũng Liêm) hoàn thành sẽ tạo thêm điểm nhấn cho du lịch của tỉnh.
Cùng với Cần Thơ, Vĩnh Long là nơi tập trung hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề với cơ sở vật chất và kỹ thuật được đầu tư nâng cấp, đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực qua đào tạo dồi dào cho tỉnh và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào hoạt động vào tháng 4/2022 (rút ngắn thời gian đi lại từ Vĩnh Long đến TP.HCM chỉ còn khoảng 1,5 giờ) và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12 năm nay sẽ tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Vĩnh Long nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ (qua tỉnh Vĩnh Long) và Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đình Khao bắc qua sông Cổ Chiên, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre cũng đang được xúc tiến…
Vĩnh Long là nơi thích hợp để doanh nghiệp lựa chọn đặt nhà máy sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm, trung tâm logistics... Trong ảnh: Khu công nghiệp Bình Minh tại tỉnh Vĩnh Long |
Phát huy hiệu quả tiềm năng
Nghị quyết số 139/NQ-HĐND ngày 12/12/2023 của HĐND tỉnh Vĩnh Long thông qua Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, quan điểm phát triển của tỉnh là nhanh và bền vững dựa trên khai thác hiệu quả lợi thế so sánh và phù hợp với vị trí của Vĩnh Long trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long để trở thành tỉnh phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh và bền vững theo hướng tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp tạo nền tảng phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị và công nghiệp chế biến. Trong đó, tập trung phát triển “một trục động lực phát triển, hai hành lang kinh tế, ba đột phá chiến lược, bốn trụ cột tăng trưởng, năm nhiệm vụ trọng tâm”.
Đối với ngành nông nghiệp - thủy sản, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm… Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Cùng với đó, phát triển ngành chăn nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững về môi trường và dịch bệnh…
Với ngành thương mại, dịch vụ, phát triển theo hướng văn minh, hiệu quả, bền vững, chất lượng ngày càng cao đáp ứng nhu cầu cung ứng sản xuất và tiêu dùng. Trong đó, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, đa dạng; ưu tiên phát triển thương mại điện tử, thương mại dựa trên nền tảng số; phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa.
Đặc biệt, chú trọng phát triển dịch vụ logistics để hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử; phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, dịch vụ hỗ trợ sản xuất - kinh doanh.
Về du lịch, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tiếp tục phát triển thương hiệu “Vĩnh Long - Đệ nhất homestay”, trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn trong vùng, cả nước và quốc tế. Bảo tồn, phát triển “vương quốc lò gạch” Mang Thít và xây dựng, hoàn thiện Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành làng nghề và trưng bày, lưu giữ nét văn hóa nông nghiệp đặc trưng của vùng, một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực.
Đồng thời, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử của tỉnh; đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch sinh thái. Kết nối và nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch; liên kết và hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước và quốc tế.
Với ngành công nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp carbon thấp, tiết kiệm tài nguyên, tạo giá trị gia tăng cao; công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông, thủy sản, thực phẩm.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu; tham gia sâu vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu gắn với tăng cường cải tiến quy trình và công nghệ sản xuất; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên công nghiệp chế tạo thiết bị, máy móc phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, dây chuyền máy, thiết bị chế biến nông sản.
Một trục động lực - Hai hành lang kinh tế
Không gian phát triển tỉnh Vĩnh Long được tổ chức hợp lý, hài hòa giữa các tiểu vùng, trục động lực, hành lang kinh tế gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, trục động lực phát triển của tỉnh được xác định là TP. Vĩnh Long - đô thị Phú Quới - thị xã Bình Minh. Trên tục này, tập trung phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Hai hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế dọc sông Hậu - kết nối ngang theo hướng huyện Bình Tân - thị xã Bình Minh - huyện Tam Bình - huyện Trà Ôn, tập trung phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ vui chơi giải trí, nông nghiệp công nghệ cao; Hành lang kinh tế dọc sông Tiền, sông Cổ Chiên - kết nối ngang tỉnh theo hướng TP. Vĩnh Long - huyện Mang Thít - huyện Vũng Liêm, tập trung phát triển đô thị, công nghiệp sạch, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Vĩnh Long tập trung huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, trong đó quan tâm giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực, dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào tỉnh; mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) và hình thức đầu tư khác; tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.