Báo cáo tháng 12 của VHC cho biết, thị trường xuất khẩu lớn khác là Trung Quốc cũng ghi nhận doanh thu giảm 73%, thị trường nội địa giảm 16%. Riêng các thị trường khác và châu Âu có cải thiện so với cùng kỳ.
Theo cơ cấu doanh thu sản phẩm, mảng cá tra sụt giảm 44% về 297 tỷ đồng, ghi nhận tháng thứ hai liên tiếp tăng trưởng âm. Các mảng như sản phẩm phụ, bánh phồng tôm, bánh gạo và bún cũng như các sản phẩm giá trị gia tăng cũng ghi nhận doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ. Điểm tích cực là mảng sản phẩm chăm sóc sức khỏe và mảng sản phẩm hỗn hợp khác ghi nhận tăng trưởng 31% và 18%.
Theo VASEP, 2022 là năm ghi nhận nhiều kỷ lục của ngành thủy sản. Xuất khẩu thủy sản đạt kỷ lục 11 tỷ USD, trong đó ngành tôm kỷ lục với doanh số 4,3 tỷ USD. Xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỷ USD, mức cao kỷ lục và tăng trưởng hàng năm kỷ lục 70%. Cá ngừ cũng lần đầu tiên trở thành ngành hàng giá trị tỷ USD với doanh thu 1 tỷ USD. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 11 tỷ USD đã góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới.
Không chỉ kỷ lục của các ngành hàng mà thủy sản xuất khẩu còn ghi nhận kỷ lục tại hầu hết các thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ về đích với 2,1 tỷ USD.
Thị trường Trung Quốc và Hongkong cũng lần đầu tiên chạm mốc 1,8 tỷ USD về giá trị thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, với mức tăng trưởng 55%. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam.
Tuy nhiên, tháng 12 đã được nhiều doanh nghiệp trong ngành dự báo từ trước về việc đơn hàng lao dốc, thậm chí không có đơn hàng do ảnh hưởng bởi lạm phát ở các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng hóa giảm mạnh. Dự tình trạng này vẫn sẽ kéo dài trong quý 1/2023.