Chưa dừng ở đó, một DN nữa của ngành GTVT là Vinawaco (TCty XD đường thủy) cũng đang phải chịu sự giám sát đặc biệt của Bộ Tài chính, vì mang trên mình một gánh nợ khổng lồ lên tới cả ngàn tỉ đồng mà không có khả năng thanh khoản.
Những năm 1990-2000, Vinawaco là một DN lớn của ngành GTVT, làm ăn hết sức uy tín và luôn có lãi. Thế nhưng ngay sau đó, dưới “triều đại” của ông Dương Chí Dũng (nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Chủ tịch HĐTV Vinalines, hiện đang bị bắt giam để điều tra hành vi vi phạm pháp luật tại Vinalines) đơn vị này đã liên tục xảy ra thua lỗ trầm trọng. Đáng tiếc, sự thay đổi nhân sự liên tục sau đó không làm nợ nần của Vinawaco vơi đi, mà ngày càng chồng chất hơn. Theo kết quả của lần kiểm toán gần nhất (năm 2010), lỗ lũy kế của Vinawaco âm 586,3 tỉ đồng, cao gấp 3 lần vốn điều lệ; hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 14,55 lần, vượt trần 5 lần so với quy định của Bộ Tài chính... Nhìn qua bức tranh tổng thể của Vinawaco có thể thấy DN này đang gần như không có lối thoát trong giải quyết nợ nần và đang đứng trên bờ vực phá sản.
Vinawaco đã tìm cách cứu vãn tình thế bằng cách đề nghị Bộ GTVT sáp nhập một số đơn vị làm ăn có lãi, hoạt động độc lập vào Vinawaco để làm “phao cứu sinh”, giảm lỗ cho Cty mẹ. Thế nhưng, do món nợ quá lớn, cách quản trị DN không hiệu quả,Vinawaco lại đang kéo tất cả “phao cứu sinh” cùng chìm.
Một dẫn chứng rất dễ thấy, đó là việc Cty nạo vét đường biển 1 bị sáp nhập vào Vinawaco và đổi tên thành “chi nhánh TCty XD Đường thủy – Cty nạo vét đường biển 1 – Vinawaco 2”, dù CBCNV Cty này không hề muốn. Trong lá đơn kiến nghị gửi tới Tổng Liên đoàn LĐVN và các cơ quan trung ương mới đây của tập thể ban lãnh đạo Vinawaco 2 đã nêu rõ: Đang là một đơn vị độc lập, tự chủ trong hạch toán kinh doanh, hoạt động có hiệu quả, năm 2007, Cty bị buộc phải sáp nhập vào TCty Xây dựng đường thủy để hình thành Cty mẹ - Cty con. Tại thời điểm đó, tập thể CBCNV của Cty đã có nhiều kiến nghị không đồng ý, phản đối việc sáp nhập này, dù ông Lưu Đình Tiến - lúc đó giữ chức quyền Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ - đã hứa hẹn là việc sáp nhập chỉ là trên danh nghĩa, Cty vẫn giữ thương hiệu...
Và sự thật đúng như lo ngại. Sau sáp nhập, hoạt động của Vinawaco 2 đã xuống dốc không phanh theo TCty mẹ, do phải gánh thêm chi phí quản lý của TCty và thêm một cấp quản lý gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Hơn thế, một số đoàn tàu của Vinawaco 2 đang khai thác hiệu quả như TC81, TC82 lại bị TCty điều chuyển sang đơn vị khác sử dụng không hiệu quả, nay đã trở thành đống sắt vụn khiến Cty đang có nguy cơ chết chìm theo đống nợ nần của Cty mẹ.
Giải thích với báo chí về tình hình này, ông Nguyễn Duy Hiền - Chủ tịch HĐTV Vinawaco - cho rằng, trước khi sáp nhập, Vinawaco 2 đắm chìm trong nợ nần, việc sáp nhập vào TCty cũng là để cứu DN này và không hề có sự “ép buộc” phải sáp nhập. Giải thích này đã gây ra phản ứng trái chiều từ phía Vinawaco 2. Cty này đã đưa ra dẫn chứng luôn phải nhận khoán thi công các công trình mà Vinawaco chỉ định với giá trị thấp hơn từ 10-25% giá trúng thầu, bởi lẽ phải cắt lại từ 10-25% giá trị gói thầu cho Vinawaco.
Cụ thể, tại công trình nạo vét luồng cảng Cái Lân giá trúng thầu là 89.617 đồng/m3, nhưng Vinawaco 2 sau khi thi công xong chỉ được Vinawaco thanh toán với đơn giá 67.221đồng/m3. 25% số tiền còn lại Vinawaco giữ lại chi tiêu. Với khối lượng thi công giao cho Vinawaco thực hiện là 950.000m3, Vinawaco đã thu về số tiền chênh lệch hơn 21 tỉ đồng, bỏ mặc Vinawaco 2 lỗ tới hơn 17 tỉ đồng khi phải thi công công trình này...
Lo ngại sẽ “chết chìm” cùng với Vinawaco, Chủ tịch Công đoàn Vinawaco 2 Nguyễn Mạnh Thái và hàng trăm CBCNV chủ chốt của Vinawaco 2 mới đây đã phải làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng, đề nghị cho phép Vinawaco 2 được tách ra khỏi Vinawaco để bảo toàn vốn của DN, đảm bảo đời sống của hàng trăm lao động của Cty này.