Vinatrans (VIN) làm ăn như thế nào trước khi Tổng giám đốc xin nghỉ vì “môi trường làm việc quá nhiều bất ổn”?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong thời gian bà Lê Hoàng Như Uyên giữ vai trò Tổng giám, hoạt động kinh doanh của CTCP Giao nhận Kho vận Ngoại thương Việt Nam (Vinatrans, mã VIN) diễn ra tương đối ổn định, đặc biệt năm 2022 doanh nghiệp lãi kỷ lục kể từ ngày lên sàn. 
Vinatrans (VIN) làm ăn như thế nào trước khi Tổng giám đốc xin nghỉ vì “môi trường làm việc quá nhiều bất ổn”?

Ngày 13/05, bà Lê Hoàng Như Uyên làm đơn xin nghỉ việc kể từ ngày 17/06/2024. Trong đơn, bà Uyên nêu lý do “môi trường làm việc quá nhiều bất ổn, không còn phù hợp để tôi làm việc và cống hiến thêm sức lực cho Công ty”.

Bà Lê Hoàng Như Uyên sinh năm 1973, nguyên quán TP.HCM, có trình độ cử nhân Kinh tế chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại và cử nhân Khoa học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh. Bà gia nhập Vinatrans từ năm 1996 và gắn bó đến nay hơn 28 năm. Cuối tháng 2/2021, bà Uyên được Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL - mã TVN) (công ty mẹ sở hữu hơn 95% cổ phần Vinatrans) bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vinatrans.

Tại Vinatrans, bà Uyên đại diện TVN sở hữu hơn 7,2 triệu cổ phiếu VIN (tỷ lệ hơn 28%) và sở hữu riêng 6.000 cổ phiếu VIN.

Trong 3 năm bà Uyên điều hành Vinatrans, có hai quý doanh nghiệp báo lỗ là quý IV/2022 và quý IV/2023 với mức lỗ lần lượt là 32 tỷ đồng và 3,75 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do kết quả kinh doanh của một số công ty liên doanh liên kết giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kết quả cả năm trong giai đoạn 2021 – 2023, Công ty vẫn có lãi, đặc biệt, năm 2022, Vinatrans mang về 95,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, mức lãi kỷ lục từ năm lên sàn (2014).

Trong kỳ tài chính mới nhất quý I/2024, Vinatrans ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt hơn 28 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 9,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2024, Công ty lên kế hoạch doanh thu 130,6 tỷ đồng và lãi trước thuế 16,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và 18% so với năm trước. Với lợi nhuận trước thuế đạt 9,9 tỷ đồng, kết thúc quý I, Vinatrans đã thực hiện được 21% chỉ tiêu doanh thu và 60% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Trong khi đó, sức khoẻ tài chính của Vinatrans đang tương đối khoẻ mạnh khi doanh nghiệp không có nợ vay, nguồn vốn đến cuối quý I/2024 là hơn 589 tỷ đồng hầu hết được tài trợ bằng vốn chủ sở hữu. Công ty chỉ có 19,4 tỷ đồng nợ phải trả là các khoản phải trả người bán, phải trả người lao động, thuế,…

Theo kế hoạch tái cơ cấu vốn đầu tư của Vinatrans, trong năm 2024, Công ty sẽ thoái vốn khỏi CTCP Giao nhận Vận tải Ngoại thương và CTCP Giao nhận Vận tải Miền Trung với tỷ lệ nắm giữ lần lượt là 7,56% và 9,68%. Hai đơn vị này đang do bà Như Uyên đại diện phần vốn của Vinatrans.

Công ty Giao nhận Kho vận Ngoại thương Việt Nam (Vinatrans) được cổ phần hoá từ doanh nghiệp nhà nước từ năm 2007, có vốn điều lệ 255 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh chính là logistics (vận tải hàng hóa). Cuối tháng 11/2010, Bộ Công Thương đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước của Vinatrans từ Bộ Công Thương về VNSTEEL quản lý.

Năm 2014, Vinatrans chính thức giao dịch trên UPCoM lấy mã chứng khoán là VIN. Đến nay, VIN giao dịch tương đối ảm đảm, nhiều phiên không có thanh khoản, giá cổ phiếu đang ở mức 21.000 đồng/CP.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục