Vinataba thoái vốn khỏi HNF và HHC: Cổ phiếu bánh kẹo “ngọt” hơn?

(ĐTCK) Sau thông tin Vinataba đăng ký bán hết 51% vốn tại HNF và HHC, 2 cổ phiếu này đồng loạt tăng trần. Giá cổ phiếu tăng mang lại khoản lãi “ngọt ngào” cho cổ đông. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bánh kẹo Việt Nam đã và đang phải đối mặt với không ít thách thức, từ chính sách thuế nhập khẩu 0% kể từ năm 2016.
Vinataba thoái vốn khỏi HNF và HHC: Cổ phiếu bánh kẹo “ngọt” hơn?

Vinataba: thoát hết 51% vốn tại NHF và HHC

Tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, việc thoái vốn của Tổng Công ty Thuốc lá (Vinataba) tại Công ty cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị (HNF) và Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà (HHC) nằm trong định hướng của Tổng công ty năm 2017, đó là tiếp tục thoái vốn đầu tư tại các công ty thực phẩm bánh kẹo, các công ty ngoài ngành kinh doanh chính. Lý do hoàn toàn không phải do 2 công ty bánh kẹo kinh doanh kém hiệu quả.

Ngay sau thông tin Vinataba đăng ký bán hết 51% vốn tại HNF và HHC, 2 cổ phiếu này đồng loạt tăng trần trong 2 phiên 17/3 và 20/3/2017 với thanh khoản tăng vọt và dư mua rất lớn. Với các mức giá hiện tại, Vinataba chắc thu lợi nhuận lớn, bởi từ thời điểm Vinataba nắm lượng cổ phần của HHC (từ năm 2004 khi Bộ Công thương giao quản lý) và HNF (từ năm 2011) đến nay, giá các cổ phiếu này đã tăng mạnh. Chốt phiên ngày 20/3, HNF đóng cửa ở mức 38.400 đồng/CP, còn HHC là 43.700 đồng/CP.

Vinataba thoái vốn khỏi HNF và HHC: Cổ phiếu bánh kẹo “ngọt” hơn? ảnh 1 

Tháng 11/2015, HNF xuất hiện trên sàn UPCoM và được định hình là một trong các doanh nghiệp bánh kẹo hàng đầu tại Việt Nam do hiệu quả kinh doanh tốt. Ngoài phần sở hữu của Vinataba, Chủ tịch Trịnh Trung Hiếu đang nắm giữ 3,27 triệu cổ phiếu, tương đương 16,38% vốn HNF.

Từ năm 2013, doanh thu của HNF luôn đạt trên 1.000 tỷ đồng và tăng trưởng đều đặn qua các năm, lợi nhuận cũng tăng từ 22,2 tỷ đồng năm 2013 lên 31,6 tỷ đồng năm 2016.

Tại HHC - vốn điều lệ 164,25 tỷ đồng, Vinataba nắm 51% vốn, tương đương hơn 8,3 triệu cổ phiếu và Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long nắm 6,61% (hơn 1 triệu cổ phiếu).

Năm 2016, HHC đạt doanh thu 855 tỷ đồng, tăng 61,5 tỷ đồng (+8%), lợi nhuận sau thuế đạt 33,6 tỷ đồng, tăng hơn 7 tỷ đồng (+27%) so với năm 2015. Giai đoạn 2013-2015, hoạt động của HHC ổn định, doanh thu HHC tăng từ 742,2 tỷ đồng lên 790,7 tỷ đồng, lợi nhuận tăng từ 31,7 tỷ đồng lên 34,16 tỷ đồng. HHC đang có dự định di dời nhà máy tại Hà Nội và đầu tư nhà máy mới tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh; nghiên cứu các dòng sản phẩm mới trên hai dây chuyền đầu tư mới, dự kiến lắp đặt trong quý II/2017. 

Nhóm cổ phiếu “hạng sang” và thách thức phía trước

Cùng HNF và HHC, trên 3 sàn chứng khoán, số doanh  nghiệp kinh doanh bánh kẹo không nhiều, chủ yếu là các thương hiệu hàng đầu. Năm 2016, thị trường đón thêm Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS - sở hữu thương hiệu bánh kẹo Biscafun), đồng thời  “chia tay” một thương hiệu lớn là Kinh Đô sau khi Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (KDC - trước đây là Kinh Đô) hoàn tất việc chuyển nhượng 20% mảng bánh kẹo còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài.

Với giá giao dịch ở mức trên 100.000 đồng/CP, cổ phiếu của Bibica và Đường Quảng Ngãi thuộc diện các cổ phiếu “hạng sang”. Sự “sang“ này đến từ thực lực của doanh nghiệp, khi thể hiện kết quả kinh doanh khá vững trong những năm gần đây.

Chẳng hạn, tại Bibica, từ năm 2013 đến nay, doanh thu tăng dần từ 1.059 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng (2016). Công ty có vốn điều lệ 154,2 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Lotte nắm giữ 44% và Công ty cổ phần Thực phẩm PAN nắm giữ 43,73%. Bibica đạt 85,8 tỷ đồng lợi nhuận năm 2015 và 81,5 tỷ đồng lợi nhuận năm 2016.

Đối với QNS, năm 2016, Công ty này đạt 7.000 tỷ đồng doanh thu và 1.542 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (lợi nhuận sau thuế là 1.409 tỷ đồng), trong đó riêng Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy đóng góp 3.700 tỷ doanh thu và 810 tỷ đồng lợi nhuận.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), tiềm năng tiêu thụ bánh kẹo tại thị trường Việt Nam còn rất lớn. Nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước dự báo đến năm 2018 là 40.000 tỷ đồng. Dân số Việt Nam đông và trẻ, mức tiêu thụ bánh kẹo trên đầu người hiện chỉ hơn 2kg/người/năm, còn thấp so với mức trung bình 3kg/người/năm của thế giới và 65% dân số ở nông thôn có mức tiêu thụ bánh kẹo còn rất khiêm tốn so với tiềm năng.

Mặc dù vậy, ngành bánh kẹo cũng gặp không ít thách thức khi thị phần đang dần bị lấn chiếm bởi nhiều thương hiệu ngoại. Theo thống kê của PHS, các tên tuổi nội địa như Bibica, HHCBánh kẹo Hải Hà, Thực phẩm Hữu Nghị… chỉ chiếm khoảng 12% thị phần ở phân khúc cao cấp.  Sản phẩm bánh kẹo ngoại nhập ngày càng gia tăng về chủng loại và số lượng, nếu doanh nghiệp nội không có hướng đi riêng, bám chặt thị trường nội địa thì miếng bánh sẽ dễ nhỏ dần.

Chia sẻ về tương lai, nhiều doanh nghiệp có chung nhận định, ngành bánh kẹo trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với dòng bánh kẹo nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN do thuế nhập khẩu giảm còn 0%. Để giữ thị phần, trong năm nay, các công ty phải tăng chi phí quảng bá hình ảnh, áp dụng quản lý bán hàng thông minh DMS… Áp lực đầu tư lớn cùng với việc phải làm mới sản phẩm để đứng được với hàng ngoại nhập, khiến hôm nay cổ phiếu ngành bánh kẹo nhiều vị ngọt, nhưng tương lai còn ngọt ngào không, lại là một ẩn số.            

Nguyễn Gia

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục