Vinare: Vượt khó khăn để phát triển

(ĐTCK) Năm 2013, dù thị trường bảo hiểm gặp rất nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm sụt giảm mạnh, đặc biệt là ở khối bảo hiểm phi nhân thọ, khối có ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động tái bảo hiểm, nhưng Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare) vẫn hoàn thành kế hoạch doanh thu và tăng trưởng mạnh về lợi nhuận.
 
Ngày 1/11/2013, A.M.Best đã xếp hạng Vinare mức B++ (Tốt) về năng lực tài chính Ngày 1/11/2013, A.M.Best đã xếp hạng Vinare mức B++ (Tốt) về năng lực tài chính

Tăng trưởng trong khó khăn

Theo thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm qua tăng 14% so với năm 2012, mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đặc biệt, khối bảo hiểm phi nhân thọ, vốn có ảnh hưởng lớn nhất đối với hoạt động của Vinare, chỉ tăng trưởng 7% về doanh thu phí bảo hiểm gốc. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của khối này cũng có chuyển biến rất chậm, với 14/29 DN có lãi nghiệp vụ, so với con số 13/29 DN năm 2012). Ở các mức độ khác nhau, năng lực hoạt động của các DN vẫn còn những bất cập nhất định về hệ thống quản trị DN, kiểm soát rủi ro, năng lực cung cấp sản phẩm... Các DN vẫn phải đối mặt với tình trạng gia tăng về cạnh tranh phi kỹ thuật.

Trong bối cảnh ấy, Vinare vẫn đạt được kết quả kinh doanh khá tích cực. Doanh thu phí nhận tái bảo hiểm (chưa bao gồm doanh thu thí điểm bảo hiểm nông nghiệp) năm 2013 đạt 1.425 tỷ đồng, đạt trên 100% kế hoạch; phí giữ lại đạt 500 tỷ đồng, vượt 6,9% so với kế hoạch; chi bồi thường 1.044 tỷ đồng, bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại 232 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần nghiệp vụ đạt 92,7 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với năm 2012. Lợi nhuận trước thuế (chưa bao gồm nghiệp vụ tái bảo hiểm nông nghiệp) đạt 401,8 tỷ đồng, tăng 20,5% so với năm 2012 và đạt 111,6% kế hoạch được giao.

Đối với nghiệp vụ tái bảo hiểm nông nghiệp theo Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ, Vinare đạt doanh thu phí nhận tái bảo hiểm 124,4 tỷ đồng, phí giữ lại đạt 11,7 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực hoạt động đầu tư, dù môi trường đầu tư chưa được thuận lợi, mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, nhưng thu nhập từ hoạt động đầu tư tài chính và hoạt động khác trong năm 2013 của Vinare vẫn đạt 309 tỷ đồng, tăng 4,6% so với năm trước.

Có thể nói, năm 2013 là năm bản lề trong chiến lược phát triển của Vinare, Tổng công ty đã hoàn thành tái cấu trúc bộ máy giai đoạn 2, chính thức đưa vào vận hành hệ thống IT, tăng cường quản trị nội bộ, kiểm soát rủi ro, gia tăng năng lực cung cấp giá trị gia tăng cho thị trường và đặc biệt là hoàn thành việc xếp hạng tín nhiệm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngày 1/11/2013, tổ chức xếp hạng quốc tế A.M.Best đã xếp hạng Vinare mức B++ (Tốt) về năng lực tài chính và mức “bbb” (triển vọng ổn định) đối với năng lực tín dụng của tổ chức phát hành.

Kết quả xếp hạng này thực sự là một mốc son trong quá trình hoạt động của Vinare, khẳng định năng lực cạnh tranh và kỳ vọng sẽ giúp Vinare hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược phát triển, gia tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư.

Phát triển bền vững

Bước sang năm 2014, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và được dự báo sẽ hồi phục với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 5,8%, chỉ số lạm phát dưới 7%. Với những chuyển biến tích cực của tình hình kinh tế - xã hội, thị trường bảo hiểm kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn.

Cùng với việc triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, tăng cường năng lực cung cấp giá trị gia tăng cho khách hàng, Vinare cũng tiếp tục sát cánh cùng thị trường kiểm soát chặt chẽ rủi ro được bảo hiểm, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm, vì một thị trường bảo hiểm phát triển bền vững. Kế hoạch doanh thu phí nhận tái bảo hiểm năm 2014 của Tổng công ty (chưa bao gồm nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp thí điểm) dự kiến đạt 1.510 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 445 tỷ đồng (chưa bao gồm thí điểm nông nghiệp), tăng trưởng 11% so với năm 2013.

Trong năm nay, Vinare sẽ tiếp tục phối hợp cùng các DN bảo hiểm triển khai các nghiệp vụ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm năng lượng hạt nhân, nghiên cứu giải pháp đối phó với thảm họa thiên tai cho toàn ngành…

Tổng công ty cũng rà soát lại danh mục đầu tư theo chiến lược đầu tư an toàn, hiệu quả, bền vững.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Bảo hiểm Việt Nam 2014 với chủ đề "Chọn lối đi riêng", xuất bản ngày 30/5/2014 bởi Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư.

Trong thời gian tới, tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải các bài viết trong Đặc san. Bạn đọc có thể vui lòng theo dõi các bài viết tại đây.

Ông Phạm Công Tứ, Tổng giám đốc Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục