Tàu già “mắc cạn”
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) không đặt nhiều hy vọng vào việc bán sớm tàu Vinalines Star thông qua hình thức đấu giá qua tổ chức đấu giá chuyên nghiệp.
Cụ thể, theo đề xuất vừa được đơn vị chủ tàu gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), nếu việc đấu giá không thành công sau một lần tổ chức bán đấu giá, tàu Vinalines Star sẽ chuyển sang hình thức chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế.
Được biết, “ngôi sao” sắp tàn trọng tải 26.456 DWT và có tuổi 24 năm này dự kiến được Vinalines bán với giá 42,1 tỷ đồng. Nếu trừ chi phí bán tàu (dự kiến khoảng 1,34 tỷ đồng), số phụ tùng, vật tư tồn trên tàu, số tiền mà Vinalines thực thu, nếu có người mua, bằng giá khởi điểm là 38,8 tỷ đồng.
Đây sẽ là khoản lỗ rất lớn, nếu biết rằng Vinalines mua tàu Vinalines Star với giá 378 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sau 10 năm khai thác, giá trị sổ sách của tàu Vinalines Star vẫn còn khoảng 193 tỷ đồng. Như vậy, nếu thương vụ đấu giá tàu Vinalines Star được khớp với giá khởi điểm, ông lớn vận tải biển sẽ lỗ ít nhất 154 tỷ đồng.
Sở dĩ phải dùng từ nếu là bởi, việc bán đấu giá tàu cũ đang gặp rất nhiều khó khăn do lượng tàu nằm bờ trên thế giới là rất lớn. Bản thân Vinalines vẫn đang bị “mắc cạn” trong nỗ lực bất thành bán tháo tàu Vinalines Trader, một trong những tàu hàng rời có trọng tải lớn nhất của Tổng công ty.
Theo Vinalines, trong cả lần chào bán đấu giá ngày 16/6/2017 và chào hàng cạnh tranh trong nước, quốc tế từ 21/6 - 29/6/2017, đã không có bất cứ khách hàng nào trả giá đạt giá khởi điểm 97 tỷ đồng cho tàu Vinalines Trader có trọng tải 70.000 DWT.
Hiện chủ tàu phải thẩm định lại giá khởi điểm để tái tổ chức bán tàu Vinalines Trader. Theo chứng thư của Vinacontrol, tàu Vinalines Trader được định giá 63 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế VAT). Trên cơ sở này, Vinalines định giá khởi điểm của tàu Vinalines Trader là 64,1 tỷ đồng nếu người mua là tổ chức, cá nhân trong nước và 2,825 triệu USD nếu người mua là tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Tàu Vinalines Trader là tàu hàng rời cỡ lớn được đóng tại Nhật Bản năm 1997, được Vinalines mua về khi thị trường vận tải biển thế giới đang ở đỉnh cao với giá 28,98 triệu USD (tương đương 541 tỷ đồng). Sau 7 năm khai thác, giá trị còn lại của tàu Vinalines Trader tại thời điểm 30/6/2017 là 105,8 tỷ đồng.
“Để giảm thiểu thiệt hại do các tàu đang neo đậu chờ bán, Vinalines dự kiến bán tàu Vinalines Trader và Vinalines Star trước ngày 31/8/2017”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết.
Gánh nặng
Có nhiều lý do khiến Vinalines phải cắn răng chịu lỗ để có thể đẩy sớm các tàu già như Vinalines Star, Vinalines Trader.
Đầu tiên là yếu tố thị trường liên tục biến động theo hướng không thuận cho ngành vận tải biển. Hiện chỉ số vận tải BDI trung bình trong 5 - 7 năm qua chỉ giao động quanh mức 1000 - 1500 điểm. Mức này chỉ bằng 1/4 đến 1/3 mức trung bình của năm 2007 (thời điểm lập dự án và triển khai mua tàu Vinalines Star với giá cho thuê trung bình dự kiến cho cả đời vào khoảng 16.000 USD/ngày).
Tuy nhiên, do nguồn cung tàu tăng, trong khi nền kinh tế thế giới mà chủ lực là kinh tế Mỹ suy yếu, kinh tế châu Âu lún sâu vào suy thoái, giá cước trung bình cho cỡ tàu như Vinalines Star (với tàu dưới 10 tuổi) trong các năm qua chỉ đạt trung bình khoảng 4.000 - 5.000USD/ngày, thậm chí, có giai đoạn tàu không có khách hàng thuê, hoặc khách hàng trả giá thuê rất thấp chỉ khoảng 2.000 - 3.000 USD/ngày (thấp hơn cả chi phí hoạt động của tàu).
Mặt khác, do tuổi tàu cao (24 tuổi), thuộc thế hệ tàu cũ, chi phí sửa chữa, vật tư, phụ tùng, dầu nhờn... tăng lên, khiến chi phí duy trì tàu lớn (trung bình những năm qua khoảng 4.000USD/ngày). Tổng cộng chi phí ngày cho tàu Vinalines Star trung bình trong năm qua khoảng 12.000 USD/ngày.
Ngoài các lý do khách quan, lãnh đạo Vinalines thừa nhận, công tác dự báo của Vinalines còn nhiều bất cập, nên việc lập kế hoạch đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh có nóng vội, vượt quá khả năng tài chính, phải đi vay các ngân hàng thương mại với lãi suất cao dẫn đến số nợ mua tàu phải trả ngày càng tăng
Với chi phí ngày tàu cao, trong khi thị trường suy giảm sâu, kéo dài thì việc kinh doanh tàu Vinalines Star không tránh khỏi thua lỗ. Cùng với lý do tương tự, nếu Vinalines Trader tiếp tục được khai thác đến năm 2019, thì chi phí duy tu, bảo dưỡng rất lớn, tàu sẽ không bảo đảm an toàn hàng hải và khai thác. Bên cạnh đó, với kết quả sản xuất - kinh doanh tàu đến hết năm 2016 lỗ 641 tỷ đồng, đặc biệt là việc khai thác tàu không đủ bù đắp chi phí hoạt động, thì càng tiếp tục khai thác tàu, sẽ phát sinh số lỗ càng lớn và không có khả năng trả nợ.
Chính vì vậy, dù không bảo đảm thu hồi vốn đầu tư, lãnh đạo Vinalines nhìn nhận, việc bán/thanh lý tàu cũ như Vinalines Star, Vinalines Trader là cấp thiết, nhằm cắt lỗ, tái cơ cấu đội tàu, giảm gánh nặng tài chính cho Tổng công ty, đặc biệt là khi Vinalines chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần (dự kiến ngày 30/9/2017 công bố giá trị doanh nghiệp).
Theo Vinalines, các hạn chế trong việc đầu tư không hiệu quả dẫn đến việc nhượng bán tài sản không thu hồi vốn đầu tư thuộc trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Vinalines, đứng đầu là Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc và trưởng các ban liên quan của Vinalines (thời kỳ 2005-2010).
Trên cơ sở ý kiến kết luận của Thanh tra Chính phủ, Hội đồng Thành viên, lãnh đạo có liên quan đến đầu tư, quản lý, khai thác tàu Vinalines Star, Vinalines Trader đã nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trước Bộ GTVT, Bộ Nội vụ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Hội đồng Thành viên Vinalines.