Giải thích về dự báo lợi nhuận trên, Vinalines cho biết, thị trường vận tải biển phục hồi chậm những năm đầu giai đoạn 2018 – 2020 nên doanh nghiệp đang tập trung tái cơ cấu đội tàu, bán bớt một số tàu không hiệu quả.
Đồng thời, Vinalines phải xử lý tài chính tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Trong đó, các khoản chênh lệch đánh giá lại vốn đầu tư giảm so với xác định giá trị doanh nghiệp do giảm giá chứng khoán, thua lỗ hoạch toán vào kết quả kinh doanh.
Các khoản cơ cấu nợ qua Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) phải hạch toán tăng ở phần vốn nhà nước. Khi tổng công ty chuyển sang cổ phần mới được hạch toán thu nhập.
Vinalines dự kiến chuyển sang công ty cổ phần từ 30/6. Theo phương án mới được Chính phủ thông qua, hình thức cổ phần hóa công ty mẹ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Theo đó, doanh nghiệp này sẽ bán hơn 207 triệu cổ phần (tương đương 14,8% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư chiến lược, bán ưu đãi cho nhân viên, tổ chức công đoàn hơn 2,7 triệu cổ phần (khoảng 14,8% vốn điều lệ) và đấu giá công khai hơn 280 triệu cổ phần (20% vốn điều lệ).
Sau cổ phần hóa, Nhà nước dự kiến còn nắm giữ gần 913 triệu cổ phần, tương đương 65% vốn điều lệ tại Vinalines.
Với mô hình quản trị mới, Vinalines đặt mục tiêu giữ vững vị trí doanh nghiệp hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam trong lĩnh vực cảng biển, vận tải, logistics và phấn đầu trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực từ năm 2030.