Đấu đi đấu lại
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho phép hạ giá khởi điểm bán tàu VNL Fortuna - một trong 6 chiếc tàu biển nằm trong kế hoạch thanh lý tàu năm 2017. Theo đó, Vinalines muốn hạ giá bán khởi điểm tàu VNL Fortuna từ mức 2,45 triệu USD xuống 2,275 triệu USD.
Tại phiên bán đấu giá rộng rãi trong nước và quốc tế được tổ chức tháng 2/2018, đã không có bất kỳ nhà đầu tư nào quan tâm mua hồ sơ và đặt cọc tàu VNL Fortuna.
Do đó, Vinalines buộc phải chuyển sang hình thức chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế.
Trong lần bán chào hàng cạnh tranh lần thứ nhất được tổ chức vào cuối tháng 3/2018, Vinalines nhận được 10 thư chào giá cho tàu VNL Fortuna, trong đó giá chào cao nhất thuộc về Oceanic Wit Limited, với số tiền là 2,61 triệu USD. Đây cũng là giá chào duy nhất cao hơn giá khởi điểm mà Vinalines đề ra.
Điều đáng nói là, nhà đầu tư này sau đó đã từ chối giao dịch tiếp, buộc đơn vị chủ tàu phải tiếp tục chào bán cạnh tranh tàu VNL Fortuna thêm một vòng nữa.
Trong lần chào hàng được tổ chức vào giữa tháng 4/2018, Vinalines nhận được 8 thư chào giá, trong đó giá chào cao nhất thuộc về Athenai Management là 2,275 triệu USD, thấp hơn khoảng 200.000 USD so với giá khởi điểm.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết, do thị trường mua bán tàu biển đang có xu hướng đi xuống, nên giá mà Athenai chào có thể là giá tốt nhất.
“Việc bán các tàu cũ như VNL Sky, VNL Fortuna là cấp thiết để cắt lỗ, tái cơ cấuđội tàu, giảm gánh nặng tài chính cho Tổng công ty trong thời điểm chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần”, đại diện Vinalines cho biết.
Trường hợp tiếp tục chào bán, khả năng giá chào sẽ còn thấp hơn, khiến Vinalines có thể bỏ lỡ cơ hội cắt lỗ kinh doanh, lại phát sinh thêm chi phí.
Được biết, ngay cả khi bán được với giá khởi điểm 2,45 triệu USD, Vinalines vẫn chịu lỗ lớn, bởi tàu VNL Fortuna được mua với giá 21,7 triệu USD vào năm 2007.
Ngay cả khi tiến hành khấu hao, đánh giá lại tài sản vào thời điểm 31/12/2017, với giá bán 2,45 triệu USD, Vinalines vẫn không thu hồi đủ vốn đầu tư.
Trước đó, cuối tháng 4/2018, Vinalines cũng phải xin hạ giá khởi điểm tàu VNL Sky sau khi liên tục bán đấu giá không thành công con tàu này.
Cụ thể, sau 5 lần bán đấu giá và chào hàng cạnh tranh, tàu VNL Sky chỉ được người mua đưa ra giá cao nhất là 89,595 tỷ đồng, thấp hơn giá khởi điểm 93,48 tỷ đồng.
Tại đợt chào hàng cạnh tranh vào giữa tháng 4/2018, Vinalines nhận được 8 thư chào giá với giá cao nhất do Công ty cổ phần Vật tư Hàng hải H.P.C đưa ra là 89,595 tỷ đồng. Bên mua thông báo đây là mức giá tốt nhất, không thể tăng thêm.
Vì sao bán dưới chi phí vốn?
Trong 6 tàu biển có tuổi cao, khai thác kém, được Bộ GTVT cho phép bán thanh lý trong năm 2017, hiện chỉ còn tàu VNL Green, VNL Ocean chưa tiến hành bán.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vinalines xác nhận, bán tàu VNL Green vào thời điểm này cũng chật vật không khác gì 2 tàu VNL Fortuna và VNL Sky.
Trích dẫn báo cáo của Clarksons - đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới về mua bán tàu biển, Vinalines cho biết, giá bán tàu cũ, tàu giải bản trong vòng 6 tháng qua liên tục lao dốc do cung vượt xa cầu.
Trước đó, năm 2017, Vinalines đã bán thành công 2 tàu có tuổi đời và tình trạng kỹ thuật như VNL Sky, VNL Fortuna, trong đó tàu VNL Star được bán với giá 42,39 tỷ đồng, tàu VNL Trader được bán với giá 3,535 triệu USD. Mặc dù tất cả tàu được bán đều có giá cao hơn giá khởi điểm, nhưng so với chi phí đầu tư, Vinalines đều phải chịu lỗ lớn.
Theo lãnh đạo Vinalines, cũng tàu loại này, nếu đóng mới tại thời điểm này, giá chỉ bằng một phần ba giá thời điểm 2007, chưa kể qua quá trình khai thác, tàu tuổi càng cao, giá càng xuống.
“Vấn đề là bán có minh bạch, công khai hay không? Tàu Vinalines Sky đã được bán 5 lần với các hình thức đấu giá công khai, chào hàng cạnh trạnh quốc tế, nhưng không ai mua với giá Vinalines kỳ vọng. Việc bán tàu thấp hơn giá trị trên sổ sách là bình thường của doanh nghiệp khi mạnh tay cắt lỗ”, ông Tĩnh lý giải.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 27, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, trường hợp phương án nhượng bán tài sản cố định của doanh nghiệp nhà nước không có khả năng thu hồi đủ vốn đã đầu tư, doanh nghiệp phải giải trình rõ nguyên nhân không có khả năng thu hồi vốn báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính cùng cấp trước khi nhượng bán tài sản cố định để thực hiện giám sát.
Lãnh đạo Vinalines cho biết, các hạn chế trong việc đầu tư không hiệu quả dẫn đến việc nhượng bán tài sản là các tàu biển không thu hồi vốn đầu tư thuộc trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Tổng công ty, đứng đầu là Chủ tịch HĐQT (nay là HĐTV), Tổng giám đốc và trưởng các ban tham mưu các thời kỳ từ năm 2005 - 2010.
Trên cơ sở ý kiến kết luận của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, HĐTV, lãnh đạo Vinalines có liên quan đã nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trước Bộ GTVT, Bộ Nội vụ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương và HĐTV.
Cần phải nói thêm rằng, các tàu VNL Sky, VNL Fortuna, VNL Green đều đã gần hết vòng đời khai thác khiến chi phí duy trì hoạt động, tiêu hao nhiên liệu lớn.
Trong khi đó, thị trường cho phân khúc các tàu này rất khó khăn, cạnh tranh gay gắt, nên kết quả kinh doanh trong thời gian tới dự kiến không hiệu quả, thua lỗ kéo dài.
Tính toán của chủ tàu cho thấy, nếu khai thác đến 31/12/2018, tàu VNL Fortuna sẽ lỗ do kinh doanh, khai thác là 15,8 tỷ đồng và sẽ tăng lên 38,1 tỷ đồng vào năm 2020. Con số lỗ khi tiếp tục kinh doanh khai thác đối với tàu VNL Sky là 15 tỷ đồng và 40,6 tỷ đồng.