Theo Báo cáo tài chính năm 2018, Vinafor sở hữu 27,78% vốn điều lệ của Formach (có trụ sở tại thị trấn Văn Điển, Hà Nội). Tiền thân của Formach là Công ty Cơ khí lâm nghiệp, chuyên chế tạo máy gia công gỗ, máy công nghiệp.
Năm 2017, Formach liên tiếp tổ chức 4 ĐHCĐ bất thường và ban hành 6 nghị quyết. Theo đó, năm 2017, Formach thực hiện phát hành thêm hơn 1,3 triệu cổ phần, tăng vốn điều gấp đôi, từ 13 tỷ đồng lên 26 tỷ đồng. Tiền tăng vốn sẽ được sử dụng để bổ sung vốn pháp định cho hoạt động kinh doanh bất động sản và thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Công ty.
Cho rằng việc triệu tập ĐHCĐ bất thường của CTCP Formach vi phạm quy định về trình tự thủ tục được quy định tại Luật Doanh nghiệp, Vinafor đã đề nghị tòa án hủy bỏ các nghị quyết này.
Cụ thể, trong các thông báo mời họp ĐHCĐ bất thường lần 2, 3, 4 của Formach cho Vinafor đều không có địa chỉ trụ sở chính công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ cổ đông.
Formach cũng không gửi kèm theo phiếu biểu quyết sử dụng tại đại hội, không ghi rõ nơi, cách thức tải tài liệu trên trang thông tin điện tử và không gửi theo phương thức bảo đảm.
Việc tổ chức ĐHCĐ đã vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục quy định tại Điều 139, Điều 170 - Luật Doanh nghiệp.
Tại thời điểm tăng vốn điều lệ, Formach là công ty đại chúng, nhưng không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để được chấp thuận tăng vốn theo quy định tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP.
Ngoài ra, báo cáo tài chính các năm 2014, 2015, 2016 của Formach trình ĐHCĐ bất thường lần thứ 4 đều là các báo cáo chưa được kiểm toán, trái với quy định tại Điều 170 - Luật Doanh nghiệp.
Về phía Formach, doanh nghiệp cho rằng đã thực hiện đúng trình tự thủ tục triệu tập cuộc họp ĐHCĐ theo quy định pháp luật. Về việc tăng vốn, phương án tăng vốn được đưa ra ĐHCĐ gồm 3 phương án: Chào bán cho cổ đông hiện hữu, chào bán cổ đông riêng lẻ, phát hành cổ phiếu trả cổ tức.
Hội đồng quản trị (HĐQT) Formach đã trình ĐHCĐ ủy quyền cho HĐQT được lựa chọn 1 trong 3 phương án để tiến hành tăng vốn.
Tuy nhiên, HĐQT Công ty chưa lựa chọn phương án tăng vốn, chưa thực hiện việc tăng vốn, nên chưa vi phạm các điều luật mà Vinafor trích dẫn.
Nghị quyết ĐHCĐ chỉ là thông qua chủ trương tăng vốn, cụ thể sẽ còn phải đưa ra ĐHCĐ và khi đó mới làm thủ tục tăng vốn theo quy định của pháp luật.
Tại phiên xử, cho rằng Formach chưa tuân thủ đúng các quy định về trình tự, thủ tục triệu tập ĐHCĐ, tòa án quyết định chấp nhận yêu cầu hủy bỏ các nghị quyết ĐHCĐ bất thường lần 2, 3, 4 của Formach.
Được biết, Vinafor thành lập năm 1995 trên cơ sở sáp nhập 10 tổng công ty trực thuộc Bộ Lâm nghiệp và được cổ phần hóa năm 2016.
Vinafor có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, cổ đông nhà nước nắm 51%, Tập đoàn T&T nắm giữ 40%. Vinafor hoạt động chính trong lĩnh vực trồng, bảo vệ rừng và chế biến lâm sản với quy mô hoạt động trên toàn quốc.
Theo thông tin công bố khi chào bán cổ phần ra công chúng, Vinafor quản lý, sử dụng nhiều khu đất có giá trị, trong đó riêng đất đứng tên Công ty mẹ là khoảng 45.000 ha.
Vinafor còn có một số liên doanh với nước ngoài như liên doanh sản xuất xe máy với Yamaha.
Vừa qua, cổ phiếu VIF của Vinafor được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội chấp thuận niêm yết từ ngày 3/2/2020, giá chào sàn là 21.700 đồng.
Được biết, Vinafor đã đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM từ năm 2017. Cổ đông của Vinfor từng nhiều lần chất vấn Công ty về vấn đề chuyển sàn niêm yết tại các kỳ đại hội.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2019, Vinafor đạt doanh thu 1.296 tỷ đồng, giảm 7,4%; lợi nhuận sau thuế gần 385 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ 2018 và mới hoàn thành hơn 44% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Đáng chú ý, theo Báo cáo tài chính năm 2018 đã kiểm toán, Vinafor có khoảng 2.500 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 12 tháng.