Vinafor Hà Nội tiếp tục bị hủy nghị quyết tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong nhiều năm, Công ty cổ phần Lâm sản Hà Nội (Vinafor Hà Nội) muốn sửa điều lệ và tăng vốn nhưng bất thành.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Mới đây, TAND TP. Hà Nội xét đơn kháng cáo của Vinafor Hà Nội trong vụ kiện yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ do Tổng công ty lâm nghiệp – CTCP (Vinafor) đứng đơn.

Vinafor Hà Nội kháng cáo cho rằng, tình hình tài chính công ty vô cùng khó khăn. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, Công ty có nguy cơ phá sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi các cổ đông.

Đại diện Vinafor Hà Nội cũng cho rằng, việc Vinafor phủ quyết việc tăng vốn điều lệ của Vinafor Hà Nội nhưng lại không đưa ra giải pháp kinh tế để thúc đẩy sự phát triển của Công ty là không thực hiện đúng trách nhiệm trong việc phát triển, bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Vinafor sở hữu hơn 30% vốn điều lệ của Vinafor Hà Nội. Từ năm 2014 - 2019, ĐHĐCĐ Vinafor Hà Nội liên tục họp bàn và ban hành nghị quyết tăng vốn điều lệ từ 18 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng bằng hình thức phát hành thêm 200.000 cổ phần chào bán cho các cổ đông hiện hữu.

Trên thực tế, năm 2016, Vinafor đã nộp tiền mua cổ phần phát hành thêm nhưng khi Vinafor Hà Nội thực hiện thủ tục thay đổi vốn điều lệ tại Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội) thì Vinafor có Công văn gửi tới Phòng Đăng ký kinh doanh đề nghị không chấp nhận hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của Vinafor Hà Nội. Do đó, Vinafor Hà Nội chưa thể thực hiện thủ tục thay đổi vốn điều lệ của Công ty để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới.

Liên tục trong 5 năm qua, Vinafor đã nhiều lần đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền tuyên hủy bỏ một phần Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Vinafor Hà Nội thông qua Bản án năm 2017, Quyết định giải quyết việc Kinh doanh thương mại năm 2021.

Theo Quyết định giải quyết việc kinh doanh thương mại số 01/2021/QĐST-KDTM ngày 01/02/2021, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng tuyên hủy một phần nghị quyết số 04/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 12/6/2019 của Vinafor Hà Nội với nội dung “Thông qua việc thực hiện tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp, tăng vốn điều lệ để công ty có nguồn vốn kinh doanh, bù số lỗ lũy kế, đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án tại 67 Ngô Thì Nhâm”.

Vinafor Hà Nội đã kháng cáo quyết định trên với lý do công ty hoạt động chính về mảng lâm nghiệp và diệt mối, nhưng từ năm 2009 đến nay, toàn bộ chi phí dựa vào nguồn thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản. Hiện nay, Công ty đăng ký ngành bất động sản. Công ty phải đảm bảo được vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng theo quy định của pháp luật. Vì vậy, việc tăng vốn là phương thức tất yếu để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vinafor phản đối vì cho rằng, Nghị quyết ĐHĐCĐ đã thông qua nội dung khi chưa đủ số phiếu biểu quyết tán thành; việc Vinafor Hà Nội thông qua việc tăng vốn điều lệ với mục đích thực hiện dự án tại 67 Ngô Thì Nhậm tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên là không có căn cứ.

Quá trình tố tụng kéo dài nhiều năm cho thấy Vinafor Hà Nội gặp vướng mắc về việc sửa đổi điều lệ Công ty.

Theo Điều lệ năm 2010, tỷ lệ có quyền biểu quyết thông qua Nghị quyết ĐHĐCĐ là 75%. Năm 2015, Vinafor Hà Nội thông qua việc sửa đổi Điều lệ, giảm tỷ lệ có quyền biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông xuống 65% nhưng Nghị quyết này bị Vinafor phủ quyết và Tòa án tuyên hủy. Năm 2016, Vinafor Hà Nội tiếp tục sửa đổi tỷ lệ biểu quyết nhưng bất thành.

Cơ quan tố tụng lấy Điều lệ năm 2010 để làm căn cứ hủy bỏ một phần nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2019 vì nội dung tăng vốn chỉ đạt tỷ lệ biểu quyết 69,71%.

Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, do các bên không cung cấp thêm chứng cứ mới nên tòa án không chấp nhận đơn kháng cáo của Vinafor Hà Nội.

Theo đó, tòa phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của Vinafor, hủy một phần nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 ngày 12/6/2019 của Vinafor Hà Nội nội dung: “Thông qua thực hiện tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp, tăng vốn điều lệ để công ty có nguồn vốn kinh doanh, bù số lỗ lũy kế, đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án tại 67 Ngô Thì Nhâm”.

Theo tòa, Vinafor Hà Nội cho rằng theo quyết định số 3164/2003 của UBND TP. Hà Nội về việc cho thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì công ty là chủ sử dụng đất hợp pháp diện tích 1.795,8 m2 đất tại số 67 Ngô Thì Nhậm.

Tuy nhiên, hồ sơ thể hiện, năm 2018, TAND quận Hai Bà Trưng đã xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa Vinafor Hà Nội và Vinafor. Tòa phúc thẩm – TAND TP. Hà Nội hủy bản án sơ thẩm.

Năm 2020, TAND tối cao có kháng nghị số 39/2020 ngày 22/6/2020, đề nghị TAND Cấp cao giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm. Hiện nay chưa có bản án có hiệu lực pháp luật vụ việc này nên việc ĐHĐCĐ thông qua nghị quyết tăng vốn để thực hiện dự án là không đúng.

HLinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục