Vinaconex tổ chức họp, trao đổi - cung cấp thông tin bất thường

(ĐTCK) Chiều ngày 1/4, Lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã VCG) đã tổ chức cuộc trao đổi với báo chí về vụ việc liên quan đến quyết định khẩn cấp của Tòa hủy kết quả Đại hội đồng cổ đông bất thường hôm 11/1/2019.

Ngày 27/3, Tòa án Nhân dân (TAND) quận Đống Đa có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1 tại Vinaconex.

Ngay sau đó, Vinaconex có 2 văn bản khiếu nại với cùng nội dung được gửi vào ngày 28/3 và 29/3 tới Viện trưởng Viện kiểm soát Nhân dân quận Đống Đa và Viện trưởng Viện kiểm soát Nhân dân TP. Hà Nội.

Theo đơn khiếu nại, 2 tổ chức và 2 cá nhân gửi đơn yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1 là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (sở hữu 21,28% vốn), Công ty THH Đầu tư Star Invest (7,57% vốn), 2 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà.

Vinaconex khiếu nại việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực ngay (ngày 27/3) yêu cầu tạm dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1/2019, gồm việc tạm dừng kết quả bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát, làm đình trệ ngay lập tức toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.

Việc này, theo đơn khiếu nại, gây thiệt hại trực tiếp tới quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Vinaconex nói riêng cũng như gây thiệt hại nghiêm trọng ngay lập tức về kinh tế, làm giảm giá trị cổ phiếu khoảng 1.236 tỷ đồng riêng ngày 28/3 cho toàn bộ cổ đông Công ty (phiên 28/3, cổ phiếu VCG giảm sàn).

Về quá trình tổ chức ĐHĐCĐ ngày 11/1, Vinaconex cho biết, do những người đại diện vốn nhà nước triệu tập nhằm chuyển giao quyền quản lý doanh nghiệp từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) làm đại diện sang nhà đầu tư trúng giá. Trình tự và thủ tục triệu tập, kết quả cuộc họp đều được công bố công khai và hợp lệ, đúng các quy định của pháp luật.

Tỷ lệ tán thành kết quả cuộc họp là 100%. Sau khi ban hành nghị quyết ĐHĐCĐ thì Công ty Bất động sản Cường Vũ, Công ty Đầu tư Star Invest, ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà không có ý kiến, kiến nghị hay yêu cầu gì đối với vấn đề tổ chức đại hội.

Ông Trung và ông Hà, với tư cách thành viên HĐQT trúng cử, theo Vinaconex đã tham dự đầy đủ tất cả các cuộc họp trực tiếp của HĐQT cũng như biểu quyết tất cả các vấn đề xin ý kiến HĐQT bằng văn bản.

Tiếp theo, Vinaconex khiếu nại, cả 2 cá nhân và 2 tổ chức không đủ cơ sở pháp lý về tư cách chủ thể để đưa ra yêu cầu hủy nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 11/1. Cụ thể, tại ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông tổ chức đại hội (26/12/2018), Công ty Bất động sản Cường Vũ chưa là cổ đông của Vinaconex.

Đồng thời, tính tới ngày 25/3/2019, cả Công ty Bất động sản Cường Vũ và Công ty Đầu tư Star Invest chưa nắm giữ cổ phần VCG trong thời hạn liên tục 6 tháng (Công ty Bất động sản Cường Vũ và Công ty Đầu tư Star Invest trở thành cổ đông lần lượt vào ngày 27/12/2018 và 24/12/2018).

Về ông Thân Thế Hà và ông Nguyễn Quang Trung, đứng ra khiếu nại dựa trên đơn ủy quyền của cổ đông cũ Viettel, nhưng Viettel chỉ ủy quyền cho 2 thành viên HĐQT Vinaconex nói trên tham dự, biểu quyết, thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của cổ đông tại ĐHĐCĐ, chứ không ủy quyền cho việc gửi đơn yêu cầu hủy bỏ kết quả ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1.

Mặt khác, ngày 26/3, ông Hà và ông Trung có 2 đơn gửi TAND quận Đống Đa gồm đơn xin rút yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ và đơn xin rút yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấm tạm thời. Đơn của 2 thành viên HĐQT được nộp chỉ 1 ngày sau khi nộp đơn yêu cầu tới TAND quận Đống Đa.

Vinaconex cũng cho rằng, việc thẩm phán Nguyễn Bích Hạnh ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong khi không cho doanh nghiệp cũng như các bên có liên quan là SCIC và bên trúng giá An Quý Hưng có cơ hội giải trình và đối thoại. Mặc khác, thông báo thụ lý đơn khiếu nại cho Vinaconex 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo (27/3) phải nộp cho tòa án văn bản ý kiến và các tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Vinaconex cũng cho biết, hiện có rất nhiều cổ đông nhỏ liên lạc và có văn bản yêu cầu Tổng công ty đứng ra thay mặt cổ đông khởi kiện các bên có liên quan để yêu cầu bồi thường thiệt hại cho Vinaconex và các cổ đông.

Tại buổi trao đổi chiều 1/4, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã đặt 3 câu hỏi với ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Vinaconex.

Thứ nhất, kể từ khi HĐQT mới hoạt động, trong các cuộc họp của HĐQT, ông Hà và ông Trung bỏ phiếu như thế nào về các nội dung họp?

Về vấn đề này, ông Thanh cho biết, cuộc họp thứ nhất về bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị có 6/7 phiếu bầu ông và ông trúng cử chức Chủ tịch. Cuộc họp thứ hai, thông qua quy chế hoạt động chung của Tổng công ty, cụ thể là thẩm quyền quyết định của Chủ tịch, Tổng giám đốc, ông Trung và ông Hà không ủng hộ. Tuy nhiên, với 5/7 phiếu tán thành, ông Thanh quyết định thông qua. Cuộc họp thứ 3 về thành lập một số công ty con chuyên về quản lý trường, cơ điện, đầu tư và khai thác dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tất cả các thành viên HĐQT đều tán thành.

Câu hỏi thứ hai về tiến độ Dự án Splendora (Vinaconex nắm 50%). Ông Thanh cho biết, trước đây ông Hà là đại diện cho Vinaconex nắm ghế Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH An Khánh (chủ đầu tư Splendora), nay ông Thanh là Chủ tịch. Ở dự án này, hai bên chưa có tiếng nói chung, mỗi khi họp, phía Vinaconex mời, nhưng đối tác nắm 50% vốn còn lại, đều không đến.

Câu hỏi thứ ba về quan điểm trong ứng xử mối quan hệ với cổ đông lớn, ông Thanh tuyên bố, "Dù sau Cường Vũ và Star Invest là ai, ông cũng không ngại".

“Chúng tôi làm tất cả theo đúng lương tâm, trách nhiệm. Nếu có sai, chúng tôi cũng mong được chỉ ra sai, để điều chỉnh kịp thời. Còn đặt vấn đề chúng tôi có mua lại cổ phần của họ không? Có thể chứ, chúng tôi đã bỏ ra hơn 7.000 tỷ đồng để mua cổ phiếu Nhà nước thoái vốn, thì cũng có thể bỏ ra tiếp số tiền để mua lại cổ phần của họ nếu họ bán”, ông Thanh khẳng định.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục