Vinaconex: Sẵn sàng đón cơ hội mới

(ĐTCK) Những chuyển động trong hơn một năm trở lại đây cho thấy nỗ lực tái cơ cấu của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) đã bước đầu đạt được thành công, đưa Tổng công ty dần trở lại vị thế một trong những doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh bất động sản hàng đầu Việt Nam.
Phối cảnh biệt thự Dự án BT5, Khu đô thị Splendora Phối cảnh biệt thự Dự án BT5, Khu đô thị Splendora

Chuyển động tài chính tính cực

Báo cáo tài chính bán niên 2017 của Vinaconex cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, Tổng công ty ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu cao nhất kể từ năm 2014 đến nay, đạt 4.189,3 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ 2016. Đáng chú ý, ngoại trừ mảng sản xuất công nghiệp giảm 12%, doanh thu từ các mảng còn lại đều tăng trưởng hai con số, mảng bất động sản có doanh thu tăng gấp đôi cùng kỳ.

Lợi nhuận tài chính, lợi nhuận từ công ty liên doanh - liên kết và lợi nhuận khác cũng tăng trưởng, trong khi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng ít, giúp lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 363,2 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2016, cùng với sự khởi sắc của thị trường và nỗ lực vượt bậc, Vinaconex tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá cao. Trong nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng, Vinaconex xếp thứ 5 về doanh thu (sau Conteccons, Lilama, Hòa Bình và PV Construction), lợi nhuận trước thuế đứng thứ 2 chỉ sau Conteccons.

Mới đây, Vinaconex được bình chọn và trao tặng Chứng nhận đạt Top 10 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam năm 2017, cùng với các nhãn hiệu uy tín khác như Vietnam Airline, VNPT, Vingroup…

Tại thời điểm cuối quý II/2017, quy mô tài sản - nguồn vốn của VCG đạt 22.316 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn của VCG cũng có chuyển biến khá tích cực. Cụ thể, dù 65,7% là các khoản nợ phải trả, nhưng tỷ lệ các khoản chiếm dụng vốn (khoản phải trả, người mua trả tiền trước và doanh thu chưa thực hiện) chiếm tỷ trọng chủ yếu. Vay nợ ngắn và dài hạn chỉ chiếm 31% tổng nợ, tương đương 60% vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý, cũng trong thời điểm này, VCG có số dư tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn tới 2.685 tỷ đồng, tương đương giá trị vay nợ ngắn hạn.

Theo ước tính của Vinaconex, 9 tháng đầu năm, Công ty mẹ đã hoàn thành 92,3% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Chiến lược thích ứng mới

Vinaconex từng ghi dấu ấn đậm nét trên thị trường bất động sản, xây lắp tại Việt Nam với hàng loạt dự án “khủng” và năng lực thi công nổi trội. Tuy nhiên, những khó khăn của thị trường bất động sản và nền kinh tế trong giai đoạn trước đã khiến Tổng công ty bước chậm lại, buộc phải tái cơ cấu các mảng hoạt động.

Chia sẻ với báo giới, ông Đỗ Trọng Quỳnh, Tổng giám đốc Vinaconex cho biết, để trở lại vị thế là một trong những doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh bất động sản hàng đầu Việt Nam, Vinaconex phải có chiến lược kinh doanh phù hợp, kịp thời, bứt tốc và đặc biệt, cần có nền tảng vững chắc làm động lực. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả mà Tổng công ty đạt được trong thời gian qua, cũng như những ưu thế đang nắm trong tay, đường đua của Vinaconex đang ngắn dần, vị thế doanh nghiệp đầu ngành đang dần trở lại.

Vinaconex tiếp tục được nhiều chủ đầu tư, đối tác đánh giá là nhà thầu uy tín, có năng lực, sẵn sàng hợp tác khi có cơ hội như: Mapletree, T&T, TNR, Hoàn Cầu, Vimedimex...

Lĩnh vực mũi nhọn khác là đầu tư, kinh doanh bất động sản cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện Vinaconex đã triển khai nhiều dự án như đầu tư xây dựng lại khu tập thể cũ 97 - 99 Láng Hạ, 2B Vinata Tower, khởi công đầu tư mới chung cư cao cấp tại 25 Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội)…

Đặc biệt, thị trường đánh giá rất cao lợi thế sở hữu diện tích hơn 200 ha đất có vị trí đắc địa tại Hoài Đức (Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh giai đoạn II mà Tổng công ty đã khởi công thời gian qua), cùng hàng loạt các dự án đô thị, chung cư cao cấp ở Hà Nội và các tỉnh trên cả nước mà Tổng công ty đang triển khai.

Vinaconex cũng tiếp tục mở rộng thị trường đến nhiều địa phương với những dự án đầu tư trong các lĩnh vực nhà ở, phát triển hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, thủy điện...,  hướng tới mục tiêu thành lập Công ty Đầu tư Vinaconex do Tổng công ty sở hữu 100% vốn, tập trung chính vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hạ tầng.

Vinaconex đang từng bước tìm lại vị thế một “ông lớn” trong làng xây dựng và kinh doanh bất động sản Việt Nam.

“Quá trình phát triển của VINACONEX từ khi thành lập đến nay không chỉ trên con đường bằng phẳng, thuận lợi, mà đã có không ít chông gai. Trải qua những thời điểm đặc biệt khó khăn tưởng chừng khó vượt qua, khi Tổng công ty và nhiều đơn vị thành viên đối diện với việc thiếu hụt trầm trọng nguồn vốn cho sản xuất và đầu tư phát triển, khi thiếu hụt nguồn công việc bởi chính sách hạn chế đầu tư công do kinh tế đất nước gặp khó khăn, khi những rủi ro quản trị hệ thống dần bộc lộ… với bản lĩnh kiên cường, VINACONEX đã quyết liệt thực hiện công tác tái cấu trúc doanh nghiệp.

Có thể nói, đến nay, VINACONEX đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty dần khởi sắc, đảm bảo chi trả cổ tức cho cổ đông và nâng cao đời sống cho người lao động”.

(Trích bài phát biểu của ông Đỗ Trọng Quỳnh, Tổng giám đốc Vinaconex tại Lễ kỷ niệm 29 năm thành lập Tổng công ty)

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục