Vinaconex muốn thoái vốn ở dự án đường ống nước 21 lần vỡ

Tổng công ty lên kế hoạch thoái vốn tại 2 doanh nghiệp liên quan đến dự án đường ống nước Sông Đà. 
Vinaconex muốn thoái vốn ở dự án đường ống nước 21 lần vỡ

Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam -Vinaconex (VCG - HNX) vừa thông báo có kế hoạch chuyển nhượng vốn đầu tư tại Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex - Viwasupco, (VCW - UPCoM) và Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex (Viglafico).

Đại diện Vinaconex cho biết, việc thoái vốn nằm trong kế hoạch tái cấu trúc tổng công ty theo chỉ đạo của Chính phủ là chỉ tập trung vào ngành nghề chính. 

Vinaconex hiện nắm giữ 25,5 triệu cổ phiếu VCW tương đương 51% vốn điều lệ. Với mức giá đóng cửa 38.600 đồng mỗi cổ phần, tổng số tiền mà Vinaconex thu về nếu giao dịch toàn bộ phần vốn này sẽ là 984,3 tỷ đồng. Trong khi giá trị sổ sách của khoản đầu tư Viwasupco tại Vinaconex là dưới 110 tỷ đồng.

Còn tại Viglafico hiện Vinaconex sở hữu 35,39% vốn điều lệ. Cả Viwasupco và Viglafico đều được biết đến với đường nước sông Đà đã có 21 lần vỡ ống trong 7 năm đưa vào vận hành và vụ án liên quan đến dự án này. 

Trong khi Viglafico là doanh nghiệp sản xuất ống, phụ kiện, vật tư đường nước cho dự án thì Viwasupco là đơn vị triển khai thi công, khai thác, vận hành. 

Theo quyết định chỉ định nhà thầu của HĐQT Vinaconex, HĐQT Viglafico ký hợp đồng mua bán dây chuyền sản xuất ống với nhà thầu cung cấp là một đối tác Trung Quốc.

Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà cho gần 200.000 hộ dân dọc chuỗi đô thị từ Sơn Tây đến Hà Đông được khởi công năm 2004 và chia thành hai giai đoạn. Đường ống số 1 hoàn thành năm 2009 với công suất 300.000 m3 một ngày đêm.

Sau 7 năm, ống đã bị vỡ 21 lần khiến cuộc sống của khoảng 70.000 hộ dân thuộc 6 quận nội thành Hà Nội thường xuyên bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân ống vỡ được cơ quan chức năng chỉ ra là chất liệu composite cốt sợi thủy tinh không phù hợp trên nền đất phức tạp. Nhiều cựu quan chức của Vinaconex vì việc này đã vướng vào lao lý.

Giai đoạn hai của dự án có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và vay ngân hàng thương mại. 

Sau khi hoàn thành, tuyến ống có tổng chiều dài 47,6 km nâng công suất cấp nước lên gấp đôi so với giai đoạn một: 600.000 m3 một ngày đêm. 

Thời gian thi công dự kiến trong 48 tháng và theo kế hoạch là hoàn thành vào năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa xong.  

Trước đó, từ tháng 4/2016, một Quỹ đầu tư của Mỹ là cổ đông ngoại của Viwasupco đã chuyển nhượng toàn bộ 43,6% vốn điều lệ cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sinh thái. Tuy nhiên, đối tác thực hiện giao dịch không được công bố.

Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục