Cụ thể, tại ngày 30/6/2014, Công ty trong tình trạng thiếu hụt vốn lưu động, không có thể thanh toán các khoản công nợ đến hạn trả. Khả năng thanh toán các khoản nợ của Công ty trong vòng 12 tháng tới phụ thuộc rất nhiều vào 3 yếu tố. Đó là liệu Vinaconex ITC có bán được các công trình, hạng mục công trình dở dang; có được các tổ chức tín dụng, ngân hàng tiếp tục cung cấp tín dụng và có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư hay không.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam cũng phát hiện, khoản lỗ lũy kế Vinaconex-ITC tăng thêm khoảng 130 triệu đồng so với trước soát xét, lên 18,6 tỷ đồng. Khoản lỗ này cao gấp 2,6 lần so với kế hoạch lỗ được Đại hội cổ đông thường niên năm 2013 thông qua trước đó. Nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ là do gánh nặng chi phí lãi vay, khiến Công ty kinh doanh thua lỗ trong 6 quý liên tiếp.
Giải trình về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị trong vòng 12 tháng tới, kể từ ngày 30/6/2014, Ban tổng giám đốc Vinaconex-ITC cho biết, Công ty đã có khoản cam kết tín dụng của Ngân hàng Agribank với hạn mức 400 tỷ đồng có thời hạn 5 năm, kể từ lần giải ngân đầu tiên (ngày 19/5/2011). Đến ngày 30/6/2014, Công ty đã rút ra 166,6 tỷ đồng và hạn mức tín dụng còn lại 233,4 tỷ đồng. Như vậy, Vinaconex-ITC có thể vay với các điều khoản phù hợp để thanh toán cho các nhà thầu xây dựng Dự án Khu Đô thị - Du lịch Cái Giá - Cát Bà.
Theo Ban Giám đốc Vinaconex-ITC, Công ty cũng đang tìm các nguồn tài chính cần thiết khác để có thể tự trang trải các khoản nợ khi đáo hạn. Trong đó, gồm việc tìm kiếm nhà đầu tư và ngân hàng để cùng đầu tư vào Dự án Khu Đô thị - Du lịch Cái Giá - Cát Bà, đồng thời tìm cách bán Khách sạn Holiday View ở Hải Phòng.
Tuy nhiên, trên thực tế, từ giữa năm 2013 đến nay, Vinaconex đã rao bán nhiều tài sản, như Khách sạn Cát Bà Holiday View, dây chuyền khai thác đá…, nhưng chưa tìm được người mua.
Báo cáo soát xét của kiểm toán cũng nhận định, việc chủ đầu tư thực hiện việc vốn hóa toàn bộ chi phí đi vay phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2014 vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà là chưa hợp lý với tiến độ triển khai thực tế của Dự án.
Cụ thể, năm 2013, Vinaconex ITC tạm ngừng việc vốn hóa chi phí đi vay vào Dự án này do quá trình đầu tư xây dựng cơ bản bị gián đoạn. Năm 2014, Vinaconex ITC bắt đầu triển khai lại và đã thực hiện vốn hóa toàn bộ chi phí đi vay phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2014, với giá trị 10,77 tỷ đồng vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Dự án nêu trên. Tuy nhiên, trên thực tế, chi phí đầu tư của một phần Dự án mới chỉ thực sự phát sinh từ tháng 5/2014.
Theo báo cáo kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2013 của Vinaconex ITC, lợi nhuận sau thuế năm 2013 của Vinaconex ITC âm 35,1 tỷ đồng. Khoản lỗ này chủ yếu do chi phí lãi vay và bảo lãnh để đầu tư vào Dự án Cát Bà Amatina, huyện Cát Hải (TP. Hải Phòng).
Với kết quả kinh doanh thua lỗ, Vinaconex ITC thống nhất không chia cổ tức năm 2013 và không trả thù lao cho HĐQT và Ban Kiểm soát Công ty. Vinaconex ITC cũng xin UBND TP. Hải Phòng giãn nộp tiền thuế sử dụng đất của Dự án Cát Bà Amatina; đồng thời đề nghị giãn tiến độ thực hiện Dự án Cát Bà Amatina đến năm 2020.
Từ đầu tháng 9, trụ sở Vinaconex ITC cũng đã thu hẹp quy mô và chuyển trụ sở từ tầng 4 - Tòa nhà Đại Phát - Ngõ 82 Phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội về địa chỉ mới tại tầng 1 - Tòa nhà 17T5, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, Hà Nội.