Vinaconex đạt hiệu suất sinh lời cao nhất trong vòng 10 năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo tài chính quý IV/2020 vừa được Tổng công ty Vinaconex (mã VCG) công bố đã cho thấy bức tranh chuyển biến rõ nét trong hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. 2020 cũng là năm Vinaconex đạt hiệu suất sinh lời cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Vinaconex đạt hiệu suất sinh lời cao nhất trong vòng 10 năm

Biên lợi nhuận, dòng tiền được cải thiện

Báo cáo tài chính của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex-VCG) cho biết, quý IV/2020, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Tổng công ty đạt 261,3 tỷ đồng, tăng 17,75% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù trong kỳ, biên lợi nhuận gộp hợp nhất của VCG đạt 15,5%, tăng 3,73 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng do doanh thu các lĩnh vực hoạt động chính giảm bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, khiến lợi nhuận gộp chỉ thu về đạt 262,7 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ 2019.

Tuy vậy, chi phí bán hàng, quản lý và chi phí tài chính đều được tiết giảm mạnh, lần lượt là 44,9%, 22,2% và 39,4% so với quý 4/2019 còn doanh thu tài chính ghi nhận mức tăng 57,9%, đạt 139,7 tỷ đồng, cộng với dòng tiền cho thuê BĐS đều đặn đã giúp lợi nhuận của công ty duy trì tăng trưởng.

Lũy kế cả năm 2020, dù VCG chỉ đạt 5.495,4 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, giảm 42,2% so với thực hiện năm 2019 nhưng biên lợi nhuận gộp hợp nhất được cải thiện, tăng lên mức 15,27% từ mức 13,79% của năm 2019.

Cùng doanh thu tài chính tăng đột biến, chủ yếu là từ hoạt động tái cấu trúc vốn đầu tư, các chi phí bán hàng, quản lý giảm mạnh đã giúp lợi nhuận sau thuế đạt 1.712,2 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng 117,6% so với thực hiện năm 2019 và hoàn thành gấp gần 2,1 lần kế hoạch của năm 2020, mặc dù chi phí dự phòng phải thu tăng 1.178 tỷ đồng trong năm 2020.

Dòng tiền kinh doanh thặng dư hơn 570 tỷ đồng, đảo chiều so với mức âm 1.493 tỷ đồng của năm 2019 nhờ lợi nhuận tăng mạnh, các khoản phải thu giảm. Đây cũng là điểm sáng trong kết quả hoạt động năm 2020 của VCG.

Cùng với dòng tiền đầu tư thặng dư 2.163 tỷ đồng, chủ yếu từ tái cấu trúc vốn đầu tư đã giúp Công ty giảm dư nợ vay 256 tỷ đồng trong năm 2020, mặt khác lượng tiền, tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng và trái phiếu ngắn hạn đến cuối năm đạt 3.553 tỷ đồng, chiếm 18,1% tổng tài sản và tăng 1.252 tỷ đồng so với đầu năm.

Lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong khi số lượng cổ phiếu đang lưu hành và vốn chủ sở hữu đều giảm sau hoạt động mua lại 39,3 triệu cổ phiếu quỹ đã giúp thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2020 của VCG đạt 3.743 đồng. Hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân đạt 22,9%. Đây đều là những kết quả cao nhất của Vinaconex trong vòng 10 năm trở lại đây.

Triển vọng 2021

Tại cuộc gặp chuyên gia phân tích, quỹ đầu tư mới đây, lãnh đạo Vinaconex cho biết, năm 2021, VCG đặt kế hoạch doanh thu thuần hơn 5.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 836 tỷ đồng, tăng lần lượt 88% và 4% so với kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông Tổng công ty thông qua cho năm 2020.

Kế hoạch trên được Ban lãnh đạo xây dựng trên cơ sở thận trọng trước những khó khăn có thể xảy ra do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh COVID-19 , trong đó doanh thu từ hoạt động xây lắp ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh bất động sản dự kiến đạt hơn 640 tỷ đồng. Hai mảng hoạt động này đóng góp lần lượt 97 tỷ đồng và hơn 310 tỷ đồng lợi nhuận.

Cho đến thời điểm này, dòng tiền và nguồn việc năm 2021 của Vinaconex được đảm bảo khá vững chắc, đến từ những hợp đồng và dự án doanh nghiệp đã triển khai và ký kết từ năm 2020, cũng như các dự án, gói thầu mà Tổng công ty đang tham gia ngay từ đầu năm 2021.

Cụ thể, ở mảng xây dựng, tính đến cuối năm 2020, giá trị hợp đồng mà Vinaconex đã ký theo tiết lộ của lãnh đạo Tổng công ty đạt khoảng 10.120 tỷ đồng. Trong đó, có các dự án giá trị lớn như dự án Mikazuki Đà Nẵng, dự án Lọc hóa dầu Long Sơn, dự án Chengloong, dự án xây dựng khu biệt thự thấp tầng Nam An Khánh, thủy điện Đăk Ba, xử lý nền Nhơn Trạch, trụ sở Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội, dự án cải tạo nâng cấp Viện K, dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…, đặc biệt là các gói thầu lớn nhất thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Gói XL03 Phan thiết - Dầu giây, XL04 Vĩnh Hảo - Phan thiết, XL14 Mai Sơn - Quốc lộ 45).

Trong mảng bất động sản, Tổng công ty sẽ tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án trọng điểm để có thể triển khai thi công ngay và có dòng tiền thu vào cuối năm như: Dự án khu đô thị Đại lộ Hòa Bình kéo dài tại Móng Cái, dự án Cái Giá Cát Bà - Amatina, dự án chung cư cao cấp 93 Láng Hạ, dự án khu dân cư đô thị tại km3 km4 Hải Yên, Móng Cái mà Tổng công ty vừa trúng đấu giá vào 30/12/2020 và 2 dự án Tổng công ty đã trúng đấu giá tại Quảng Nam và Phú Yên. Các dự án này dự kiến sẽ mang lại doanh thu cho Tổng công ty ngay trong năm 2021 và hứa hẹn điểm rơi lợi nhuận trong năm 2022.

Mảng hoạt động thứ ba cũng hứa hẹn hiệu quả tích cực là hoạt động đầu tư tài chính. Hiện nay, VCG đang nắm giữ nhóm các công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận cao và ổn định (năng lượng, điện, nước, giáo dục, xuất khẩu lao động...).

Với định hướng phát triển theo hướng “kiềng 3 chân”, chiến lược tập trung vào những dự án đầu tư công và dự án có vốn đầu tư nước ngoài FDI, cùng với năng lực tài chính vững chắc, kinh nghiệm chuyên sâu, Vinaconex được giới đầu tư đánh giá có nhiều cơ hội để bứt phá trong thời gian tới.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục