Vinachem rút vốn khỏi Tổ hợp Hóa dầu miền Nam

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa ký hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn của Vinachem tại Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam.
Vinachem rút vốn khỏi Tổ hợp Hóa dầu miền Nam

Theo hợp đồng chuyển nhượng vừa ký kết, toàn bộ 11% vốn góp của Vinachem tại Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam được chuyển giao cho PVN, nâng tỷ lệ nắm giữ của PVN tại dự án này lên 29%, so với mức 18% trước đó.

Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, sau khi hợp đồng được ký kết, Vinachem đã nhận được 30% tổng số tiền mà PVN phải trả cho Vinachem. Các vấn đề còn lại sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai, với mục tiêu hoàn tất trong tháng 12/2014. Sau đó, các nhà đầu tư sẽ đệ trình hồ sơ lên cơ quan hữu trách để cấp lại giấy chứng nhận đầu tư.

Tính tới hết tháng 6/2014, các nhà đầu tư tham gia Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đã góp vốn 4 đợt, với tổng số tiền 85,13 triệu USD. Trong đó, phần góp của PVN tương đương với tỷ lệ mà PVN nắm giữ là 18%. Các bên đối tác cũng đặt mục tiêu hoàn thiện phương án thu xếp vốn cho Dự án trong quý I/2015.

Trước đó, năm 2012, Vinachem đã tuyên bố muốn rút lui khỏi dự án này, nhưng PVN đã từ chối quyền mua lại phần vốn góp đó. Các đối tác nước ngoài trong dự án tuy có quan tâm, nhưng tiến trình bàn bạc lại tỏ ra chậm chạm.

Tuy nhiên, sau đó, PVN lại bày tỏ ý định mua lại một phần vốn góp của Vinachem và đề nghị này đã được Chính phủ chấp thuận về chủ trương vào cuối tháng 1/2014.

Đại diện Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (đơn vị triển khai Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam) cho hay, các mốc tiến độ mới của Dự án được đề ra trên cơ sở bàn giao đất sạch từ địa phương vào cuối năm 2014. Vì vậy, nếu chậm trễ trong giải phóng mặt bằng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ của các bước tiếp theo. Cũng theo kế hoạch, tất cả các gói thầu của Dự án đều đã được phát hành với mục tiêu cuối năm 2014 sẽ có toàn bộ kết quả.

Động thái mới đó tại Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai trong thời gian tới.

Cũng được kỳ vọng sẽ có những động thái mới còn có Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Việc đàm phán giữa Petrolimex với đối tác JX Nippon Oil & Energy Corp. (Nhật Bản) đang tiến triển tốt và dự kiến, Dự án sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới.

Không có những động thái mới, thậm chí có nguy cơ không triển khai được là Dự án Nhà máy Lọc dầu Cần Thơ. Báo cáo của Bộ Công thương gửi lên Chính phủ mới đây cho biết, dự án này có có công suất nhỏ và đang gặp vướng mắc, nên khả năng thực hiện không cao.

Trước đó, với tổng mức đầu tư 538 triệu USD, công suất 2 triệu tấn/năm, sử dụng diện tích đất 250 ha, Dự án Nhà máy Lọc dầu Cần Thơ được xem là “khủng” của Cần Thơ. Nhưng sau gần 6 năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Dự án đã 4 lần thông báo thay đổi đối tác liên doanh và hiện vẫn đang ở vạch xuất phát.

Mới đây, Công ty TNHH Nhà máy Lọc dầu Cần Thơ và đối tác liên doanh đã xin điều chỉnh giảm quy mô vốn đầu tư còn 350 triệu USD, giảm diện tích Dự án còn 50 ha, khiến Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ yêu cầu nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính, ký quỹ 5% chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư về đất (khoảng 11 tỷ đồng) và cam kết tiến độ thực hiện để trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.

Tại Dự án Nhà máy Lọc dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) được giao cho PVN đầu tư, việc giãn tiến độ sang sau năm 2025 đã được đề xuất. Được biết, từ năm 2008, PVN đã triển khai tìm kiếm đối tác tham gia Dự án, nhưng với sự đổ bộ chóng mặt của các dự án lọc hóa dầu thời gian qua, trong khi mức ưu đãi đầu tư chưa được như kỳ vọng của nhà đầu tư, nên việc tìm đối tác chưa thu được kết quả.

Thanh Hương
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục