VinaCapital: Thời điểm mua rẻ tài sản tư nhân

(ĐTCK) “VinaCapital sẽ làm việc với công ty chiến lược nước ngoài muốn mua lại một số công ty Việt Nam và sắp tới dự kiến có 5 thương vụ thoái vốn cho nhà đầu tư chiến lược.
VinaCapital: Thời điểm mua rẻ tài sản tư nhân

Sau khi thoái vốn, chúng tôi sẽ tiếp tục tái đầu tư, nếu dự án mới có tiềm năng lợi nhuận 25%/năm”. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital chia sẻ về chiến lược đầu tư sắp tới của Quỹ VOF, một trong 3 quỹ đầu tư mà VinaCapital đang quản lý.

Tại Hội nghị các nhà đầu tư VinaCapital 2012 với chủ đề toàn cảnh môi trường đầu tư và những triển vọng mới tại Việt Nam cuối tuần qua, VinaCapital đưa ra nhận định, chỉ số P/E của VN-Index là 9,9, thấp hơn đáng kể so với khu vực, ngang bằng TTCK Trung Quốc. Thị trường Indonesia Philippines trong năm nay đã huy động rất nhiều vốn nước ngoài, nên P/E tăng mạnh, hiện là hơn 18 lần. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam bộc lộ những điểm yếu kém khi đem so sánh với thị trường ASEAN khác, vì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thấp hơn, lo ngại về hệ thống ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu gia tăng, tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định sau việc bắt giữ một số doanh nhân có ảnh hưởng…

Trong 3 quỹ đầu tư do VinaCapital quản lý hiện nay thì Quỹ VOF là thành công nhất khi giá trị tài sản ròng (NAV) là 725 triệu USD (30/9/2012), tăng trưởng 147,4% so với lúc mới thành lập. Quỹ này theo đuổi chiến lược đầu tư trung và dài hạn vào các công ty với tỷ suất lợi nhuận 25%/năm. Nhưng 2 quỹ khác của VinaCapital là Quỹ bất động sản VNL và Quỹ cơ sở hạ tầng VNI cho đến thời điểm này không thành công được như VOF.

Cụ thể, VNL hiện tập trung đầu tư dự án nhà ở thấp tầng, không có dự án nhà cao tầng. Chính sách của quỹ này sẽ không đầu tư mới, mà chỉ tập trung vào dự án sẵn có để có nguồn thu trả cổ tức cho cổ đông. Năm vừa qua, do lo ngại lãi suất cao ở thị trường trong nước nên giá chứng chỉ quỹ VNL đã giảm mạnh. Nhưng đến thời điểm này, khi lãi suất giảm như kỳ vọng, thị trường bất động sản sôi động trở lại, nên giá chứng chỉ quỹ VNL đã tăng trở lại, rút ngắn tỷ lệ chiết khấu. VNL sẽ tiếp tục dùng tiền mua chứng chỉ quỹ để giảm tỷ lệ chiết khấu.

Quỹ VNI, theo ông Andy Ho, là khó khăn nhất khi Quỹ đã bị lỗ do đầu tư vào một vài công ty cơ sở hạ tầng như Cầu Phú Mỹ. NAV của Quỹ VNI đã giảm từ hơn 300 triệu USD vốn huy động ban đầu xuống còn 200 triệu USD hiện nay...

Chính sách của VNI sắp tới là sẽ chú trọng đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng thiết yếu, như mua lại các trạm BTS, thoái vốn từng phần trong năm 2013 và 2014 và sửa sai ở những thương vụ thua lỗ. Tiếp tục mua và liên kết các nhà máy thủy điện nhỏ, thoái vốn thông qua giao dịch thương mại.

Hiện tại, cả 3 quỹ do VinaCapital quản lý đều có kế hoạch mua lại chứng chỉ quỹ hoặc thanh lý danh mục đầu tư, hoàn vốn dần cho NĐT. Điểm sáng để có thêm dòng vốn đầu tư là Quỹ VOF. Dù đã chi tới hơn 50 triệu USD mua chứng chỉ quỹ và có chính sách tiếp tục mua, nhưng VOF có lợi nhuận sau các thương vụ đầu tư, nên có tiền mặt khá dồi dào. Sau các thương vụ thành công khi thoái vốn năm ngoái như Halico, Bệnh viện Hoàn Mỹ…, thì năm qua, VOF cũng đã thành công khi thoái vốn dự án đầu tư nhà máy đường tại Campuchia. Khoản đầu tư này trị giá 95 triệu USD và khi thoái vốn mang lại lợi nhuận gấp hai lần, sau gần 4 năm triển khai.

VinaCapital: Thời điểm mua rẻ tài sản tư nhân ảnh 1

Chia sẻ với ĐTCK, ông Andy Ho phân tích, thời điểm này rất thuận lợi cho hoạt động M&A, vì chi phí vốn của NĐT nước ngoài rất thấp. Trong dòng chảy của vốn, theo ông Andy Ho, bước đầu các quỹ đầu tư sẽ vào thị trường trước, sau đó mới đến các nhà NĐT chiến lược. Quỹ đầu tư phải tìm được những doanh nghiệp tiềm năng, hỗ trợ họ phát triển và đạt được các tiêu chuẩn trước khi chào bán lại cho NĐT chiến lược ngoài. VinaCapital đã và sẽ thoái vốn ở các doanh nghiệp đã đầu tư trong giai đoạn 5 năm qua, nhưng sẽ tiếp tục đầu tư vào các công ty chưa đại chúng. Theo tỷ lệ P/E thì nhiều tài sản ở Việt Nam được định giá ở mức thấp hơn so với các thị trường láng giềng, trong khi tài sản tư nhân còn hấp dẫn hơn nữa, vì có thể mua được ở mức giá thấp hơn 20 - 30% so với tài sản đại chúng. Nhưng cơ hội này chỉ dành cho những người thực sự am hiểu thị trường Việt Nam , cũng như hiểu rõ khẩu vị của NĐT nước ngoài.

Khi nguồn vốn của các quỹ có thể bị giảm dần do chính sách dùng tiền mua lại chứng chỉ quỹ, thì VinaCapital đang tìm cách để huy động thêm vốn mới. Việc thành lập một quỹ thành viên đang được VinaCapital ấp ủ và có thể sẽ ra mắt trong thời gian tới.

Thuận An
Thuận An

Tin cùng chuyên mục