Viglacera là đơn vị tiên phong trong đầu tư và ứng dụng những công nghệ mới nhất vào sản xuất
Lễ công bố thông tin về bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty Viglacera diễn ra chiều nay (18/12) tại Khách sạn Rex Sài Gòn, 14 - Nguyễn Huệ, TP.HCM thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư.
Với vốn điều lệ 3.070 tỷ đồng, số lượng cổ phiếu phát hành lần đầu của Viglacera là 307 triệu cổ phần, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong đợt IPO này, Viglacera sẽ chào bán ra bên ngoài thông qua đấu giá 76.947.600 cổ phần (tương đương 25,07% vốn điều lệ), với mức giá khởi điểm 10.300 đồng/cổ phần.
Là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam cả về năng lực sản xuất, loại hình, mẫu mã và chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường từ bình dân đến cao cấp, Viglacera cung cấp sản phẩm vật liệu xây dựng và dịch vụ đa dạng, từ móng đến mái, từ trong ra ngoài công trình, đóng góp trên 23 triệu USD kim ngạch xuất khẩu/năm cho ngành xây dựng. Sản phẩm của Viglacera hiện có mặt tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Cùng với sản xuất, Viglacera cũng chú trọng xây dựng hệ thống phân phối khép kín, sở hữu chuỗi sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng đồng bộ. Mỗi lĩnh vực sản xuất đều có những đầu mối tạo lập thị trường cho các đơn vị thành viên, nhằm đảm bảo đồng bộ hóa hoạt động bán hàng và quản lý chất lượng sản phẩm. Hệ thống showroom đồng bộ trưng bày và bán sản phẩm chuyên nghiệp tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Ngoài ra, các đơn vị thành viên cũng có mạng lưới showroom khắp 3 miền.
Không chỉ phát triển mạnh về năng lực sản xuất, đa dạng sản phẩm, Viglacera đặc biệt coi trọng đầu tư cho công nghệ sản xuất. Đây là đơn vị đầu tiên đưa công nghệ mới, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ hiện đại để sản xuất vật liệu xây dựng như: kính xây dựng (năm 1990), sứ vệ sinh và gạch ốp lát ceramic (năm 1994), granite (năm 1996), gạch cotto (năm 2002), kính nổi (2002).
Bên cạnh đó, Tổng công ty còn là đơn vị tiên phong trong đầu tư và ứng dụng những công nghệ mới nhất vào sản xuất như: công nghệ lò nung tuynen (năm 1990), công nghệ phủ men nano lên sứ vệ sinh (2009)..., nhằm nâng cao giá trị cho các chủng loại sản phẩm truyền thống...
Tính đến thời điểm này, Viglacera đã triển khai 15 dự án bất động sản quy mô lớn, gồm đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cho thuê, đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở để bán và khu thương mại - văn phòng cho thuê.
Từ năm 2012 trở lại đây, Viglacera đã tiên phong triển khai nhiều dự án nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội như: Dự án khu nhà ở dành cho công nhân tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), Khu ký túc xá sinh viên Trường cao đẳng Nghề Viglacera ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh), Dự án 2.500 căn hộ dành cho người có thu nhập thấp tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), Dự án Khu nhà ở thu nhập thấp ở Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội)... Đặc biệt, Viglacera là đơn vị tiên phong chuyển đổi dự án và là đơn vị đầu tiên được hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Ngoài những chỉ tiêu liên quan đến đợt IPO này, Viglacera cũng công bố khá đầy đủ các thông tin khác liên quan đến tình hình kinh doanh của từng lĩnh vực. Đáng chú ý, trong bản công bố thông tin, Viglacera cũng đưa ra các giải pháp, kế hoạch để trở thành một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về sản xuất vật liệu xây dựng; có cơ cấu hợp lý, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, năng lực cạnh tranh.
Mục tiêu dài hạn của quá trình cổ phần hóa Viglacera là tạo ra tiền đề phát triển bền vững để trở thành đơn vị hàng đầu về sản xuất vật liệu xây dựng tại thị trường Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, phấn đấu đưa lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp, kinh doanh bất động sản đạt tỷ lệ 40-45% giá trị toàn Tổng công ty, mức tăng trưởng hàng năm đạt 10 - 15%.
>> Họ Viglacera “đói” vốn, bán “con”
>> Cổ phần hóa các “ông lớn” lại chậm