Gần đây, có khá nhiều hội nghị đầu tư gián tiếp do phía Việt Nam tổ chức cả trong và ngoài nước. Theo ông, vì sao các sự kiện này lại diễn ra nhộn nhịp trong năm nay?
Năm nay có nhiều điểm đặc biệt. Chính phủ quyết tâm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và DNNN trong vòng 2 năm tới. Cụ thể là kế hoạch cổ phần hóa hơn 400 DNNN từ nay đến năm 2015. Và để những nỗ lực này thành công, Việt Nam cần tranh thủ các nguồn lực bên ngoài.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy, các nhà đầu tư quốc tế đang rất quan tâm đến Việt Nam. Một minh chứng rõ nhất là việc TS. Marc Faber, nhà tư vấn đầu tư huyền thoại thế giới, thường xuyên khuyến nghị các nhà đầu tư mua chứng khoán Việt Nam trong vòng hơn một năm trở lại đây. Nhiều kênh truyền hình quốc tế đã phỏng vấn ông, và trong thời gian ngắn ngủi của cuộc phỏng vấn, ông đã dành thời gian để nói đến TTCK Việt Nam.
Ông kỳ vọng gì từ sự có mặt của TS. Marc Faber khi mời nhân vật này làm diễn giả chính tại VIF 2014?
TS. Marc Faber là nhân vật có tầm ảnh hưởng trong giới đầu tư quốc tế, bởi những tiên đoán chính xác của ông về những vụ sụp đổ trên thị trường tài chính thế giới. Chẳng hạn ngày “thứ Hai đen tối” ở phố Wall năm 1987; sự đổ vỡ bong bóng tài chính Nhật năm 1990 và bong bóng cổ phiếu game của Mỹ năm 1993; cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997/1998…, đều đã được ông dự báo trước đó. Gần đây, ông tiên đoán thế giới sắp chứng kiến một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới, thậm chí tệ hại hơn những lần trước. Rất nhiều người đang quan tâm đến điều ông dự báo.
Việc mời TS. Marc Faber làm diễn giả chính tại VIF 2014, chúng tôi kỳ vọng, chia sẻ của ông về những gì đang diễn ra trên thế giới sẽ giúp các nhà đầu tư cũng như các DN mở rộng tầm nhìn về những vấn đề toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và kinh doanh của họ. Quan trọng hơn, sự hiện diện của ông và những đánh giá của ông về cơ hội đầu tư tại Việt Nam sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế, họ sẽ đến Việt Nam không chỉ để nghe ông nói, mà còn tìm kiếm các cơ hội đầu tư từ chính DN Việt Nam.
Thực tế, có nhiều hội nghị hoặc diễn đàn đầu tư, các nhà đầu tư cũng chỉ đến nghe xong rồi về mà chẳng có kết quả gì sau đó. Ông nghĩ sao về điều này?
Mấy năm trước, các nhà đầu tư được giới thiệu rất nhiều cơ hội nhưng cuối cùng chẳng thấy cơ hội nào. Chẳng hạn, chuyện cổ phần hoá, được nhắc đến nhiều nhưng kết quả không được bao nhiêu. Năm nay sẽ khác. Hoạt động cổ phần hoá đang diễn ra rất khẩn trương và quyết liệt.
Ngoài những gì chúng tôi vừa đề cập, lộ trình thoái vốn DNNN, khả năng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, triển vọng về một cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015… sẽ mở ra những cơ hội mới, có chỗ để các nhà đầu tư quốc tế đầu tư.
Bên cạnh đó, hàng loạt giải pháp phát triển TTCK cũng đang được các cơ quan chức năng triển khai, như đề xuất nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài, quyết định của Thủ tướng thông qua đề án xây dựng TTCK phái sinh, khung pháp lý cho việc triển khai quỹ hoán đổi danh mục (ETF), nghiệp vụ vay mượn chứng khoán và các sản phẩm mới khác… Chúng tôi cho rằng, Việt Nam đang có thứ mà các nhà đầu tư quốc tế cần.
Theo ông, sẽ có bao nhiêu nhà đầu tư quốc tế đến tham dự VIF 2014?
Theo dự kiến, sự kiện này sẽ thu hút từ 500 - 700 khách tham dự. Chúng tôi kỳ vọng số lượng nhà đầu tư quốc tế sẽ khoảng 100. Bên cạnh những mối quan hệ sẵn có, chúng tôi đang thông qua các tổ chức đầu tư lớn trên thế giới để vận động các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Hy vọng, VIF 2014 sẽ là một diễn đàn kết nối đầu tư thực sự.