Myanmar là thị trường thứ 10 và là thị trường có quy mô lớn nhất, dân số đông nhất trong tất cả các thị trường mà Viettel đã đầu tư.
Ngày 8/9/2016, Viettel và hai đối tác của Myanmar ký hợp đồng liên doanh, chính thức đặt nền móng cho các hoạt động của dự án.
Tên chính thức của Liên doanh là Telecom International Myanmar (tên thương hiệu là Mytel). Đây là liên doanh giữa Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế (Viettel Global) và 2 đối tác địa phương là Star High Public Company và Myanmar National Telecom Holding Public (MNTH).
Mạng 4G only đầu tiên trên thế giới.
Tổng vốn đăng ký đầu tư của dự án chiếm 66% vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam vào Myanmar. Với dự án này, Việt Nam, từ vị trí số 10 vươn lên đứng thứ 7 trong số 49 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Myanmar và là nhà đầu tư lớn thứ 2 của khu vực ASEAN tại Myanmar (tính đến hết tháng 6/2017).
Đến ngày 12/01/2017, Mytel nhận giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông, chính thức trở thành nhà mạng thứ 4 tại thị trường Myanmar.
Tháng 8/2017, vào đúng dịp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức Myanmar, Mytel cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ viễn thông đầu tiên – dịch vụ cho thuê kênh. Và dự kiến tháng 1/2018, dự án đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của công ty Việt Nam sẽ khai trương dịch vụ di động, tức là sau 1 năm từ ngày nhận giấy phép viễn thông.
Với tiến độ này, Mytel trở thành dự án có tốc độ triển khai xây dựng hạ tầng và đưa vào kinh doanh nhanh nhất trong tổng số 10 thị trường nước ngoài của Tập đoàn Viettel. Đến nay, Mytel đã xây dựng trụ sở tại thủ đô Yangon, và có chi nhánh tại 15/15 bang trên toàn quốc, với gần 2.000 nhân sự, trong đó 16% nhân sự là người Việt Nam, chủ yếu giữ các vị trí lãnh đạo và cán bộ quản lý cấp cao và các chuyên gia về kỹ thuật, công nghệ.
Về xây dựng hạ tầng, Mytel đã hoàn thành 40% (gần 2.800 trạm thu phát sóng) mục tiêu trạm thu phát sóng và 15% (gần 5.000km cáp quang) mục tiêu cáp quang toàn dự án. Ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng giám đốc Mytel khẳng định, Mytel sẽ hoàn thành toàn bộ các mục tiêu hạ tầng trước thời điểm khai trương, trở thành mạng viễn thông có hạ tầng lớn nhất Myanmar.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Viettel đã áp dụng nhiều giải pháp giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tối ưu chi phí hiệu quả. Cùng với việc đấu thầu cạnh tranh và điều chỉnh thiết kế mạng lưới cho phù hợp thực tế, Mytel tổng cộng tiết kiệm được 38% tổng đầu tư năm đầu (năm 2017) so với dự kiến.
Phân tích về cơ hội tại thị trường Myanmar, Tổng giám đốc Mytel Nguyễn Thanh Nam nói: “Myanmar là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong tất cả các thị trường nước ngoài của Viettel cho tới nay (với tốc độ tăng trưởng đạt 7%). Khi đầu tư tại một thị trường, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế là một trong những yếu tố đảm bảo cho khả năng thành công”.
Hiện tại, thị trường viễn thông Myanmar đang được chiếm lĩnh bởi 3 nhà mạng: Nhà mạng thuộc sở hữu của Nhà nước là MPT – chiếm 42% thị phần ; cùng với 2 nhà mạng nước ngoài là Telenor từ Nauy – chiếm 35% và Ooredoo từ Qatar – chiếm 23%. Mytel là nhà mạng thứ 4 nhưng được đầu tư bằng công nghệ hiện đại nhất ngay từ đầu - công nghệ 4G.
Ông Nguyễn Thanh Nam khẳng định rằng, tại thời điểm khai trương, Mytel sẽ là nhà mạng có hạ tầng lớn nhất Myanmar với gần 7.200 trạm phủ sóng tới 90% dân số Myanmar, và 33.000km cáp quang. Với số lượng cáp quang này, Mytel sẽ trở thành công ty có mạng cáp quang lớn nhất Myanmar, gấp 2 lần đối thủ lớn nhất.
Mytel cũng triển khai mạng cáp quang Cổng kết nối Quốc tế qua Lào và Thái Lan về Việt Nam. Việc kết nối với Việt Nam – quốc gia có tới 10 đường cáp quang quốc tế, rất ý nghĩa đối với Myanmar. Myanmar hiện nay chủ yếu là dùng cáp đồng và viba, tỷ lệ cáp quang thấp, chỉ đạt dưới 1.000km/triệu dân (mạng cáp của Mytel sẽ góp phần tăng tỷ lệ này lên 50%).
Nhờ hạ tầng viễn thông mới được xây dựng, Mytel sẽ giúp cải thiện chất lượng và tăng tính ổn định của kết nối quốc tế; giúp góp phần giảm giá thành thuê kênh hiện đang rất cao tại Myanmar. Khi Mytel chính thức cung cấp dịch vụ di động, Viettel sẽ mở rộng chính sách gọi nội vùng giữa 4 nước là Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar. Người dùng tại các quốc gia trên gọi cho nhau như gọi nội địa. Điều này thể hiện vai trò của Việt Nam cũng như Viettel trong việc xây dựng cộng đồng kinh tế tự do giữa các nước ASEAN.