Viettel Post: Đà tăng trưởng thần kỳ liệu có bền vững?

(ĐTCK) Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), thành lập ngày 01/07/1997, đã trải qua 21 năm trưởng thành và phát triển, đạt được thực sự đáng nể, nhất là khi đang bước vào giai đoạn tăng trưởng thần kỳ. Tuy nhiên, “chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai” và nhà đầu tư cần hiểu rõ điều này để đặt kỳ vọng hợp lý.
Ảnh Internet

Giai đoạn tăng trưởng thần kỳ

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018, Viettel Post đạt doanh thu hợp nhất thuần 1.334 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 76,232 tỷ đồng, tương đương mức thu nhập trên mỗi cổ phần trong 1 quý là 1.940 đồng/cổ phiếu. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Viettel Post là 3.237 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 193,2 tỷ đồng, lợi nhuận suy giảm trên mỗi cổ phiếu 9 tháng đầu năm là 4.669 đồng.

Thị phần các doanh nghiệp lĩnh vực chuyển phát năm 2016. 

Kết quả kinh doanh này của Viettel Post là khá ấn tượng so với các doanh nghiệp cùng ngành. Thế nhưng, với giá giao dịch khoảng 128.000 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E trượt 4 quý liên tiếp khoảng hơn 31 lần, dường như cổ phiếu VTP đang “đắt” so với mặt bằng chung?

Câu trả lời không hẳn như vậy, nếu nhìn vào lịch sử tăng trưởng thần kỳ của Viettel Post những năm gần đây và triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiền thân là Trung tâm phát hành báo chí được thành lập năm 1997, với chức năng hoạt động ban đầu là phục vụ các cơ quan quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng, đến năm 2006, Bưu chính Viettel chuyển đổi mô hình hạch toán phụ thuộc sang hạch toán độc lập thành Công ty TNHH NN MTV Bưu chính Viettel. 3 năm sau đó, Công ty cổ phần Bưu chính Viettel được thành lập, với vốn điều lệ 60 tỷ đồng, bắt đầu mở rộng thị trường sang Campuchia.

Với hoạt động chính là dịch vụ chuyển phát bưu chính, sau 10 năm hoạt động, Viettel Post đã đạt được những thành công lớn tại lĩnh vực này.

Từ quy mô hoạt động mang tính phục vụ nội bộ, Viettel Post đã nhanh chóng mở rộng số lượng điểm giao dịch lớn. Đây là yếu tố giúp Tổng công ty sớm chiếm được thị phần cao trong lĩnh vực chuyển phát, vốn nằm trong tay của Bưu chính Việt Nam (VNPost). Cụ thể, nếu năm 2010, thị phần của Viettel Post đạt 8%, thì sang năm 2016, 2017, con số này lần lượt là 21,3% và 25,7% theo bản cáo bạch của Tổng công ty.

 Số điểm giao dịch của VTP.

Năm 2015, vốn điều lệ của Viettel Post bắt đầu tăng nhẹ nhờ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100:15. Đến năm 2016, vốn điều lệ của Viettel Post tăng lên mức 181,927 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 30% và chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 100:137.

Hiện tại, vốn điều lệ của Viettel Post đã tăng lên mức 413,766 tỷ đồng, nhờ 3 lần chia cổ tức bằng cổ phiếu được thực hiện liên tiếp từ năm 2016 đến năm 2018. Đây cũng là giai đoạn doanh thu, lợi nhuận của Tổng công ty tăng rất mạnh, với một trong những nguyên nhân trọng yếu là bùng nổ của thương mại điện tử.

Như vậy, với tổng số tiền thực nộp vào Tổng công ty của cổ đông hiện hữu là hơn 142 tỷ đồng, đến cuối quý III/2018, Viettel Post đã đạt được quy mô 616,361 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, có mức sinh lời 4 quý gần nhất lớn hơn nhiều so với quy mô vốn mà các cổ đông đã góp vào trước đó.

 Doanh thu,  lợi nhuận sau thuế viettel post.

Kinh doanh hiệu quả với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh, một điểm mạnh đáng ghi nhận của Viettel Post là chất lượng tài sản có tính thanh khoản cao, trong đó trên 50% tài sản là tiền và tương đương tiền, gần 30% là các khoản phải thu (có vòng quay khoản phải thu thấp), nguồn lực tiền mặt được tích lũy gia tăng nhanh chóng.

Báo cáo tài chính hợp nhất Viettel Post cho thấy, cuối năm 2016, Tổng công ty có 273,223 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, 146 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Đến ngày 30/9/2018, con số này đã thay đổi đáng kể, với 376,9 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, 799,7 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Viettel Post cũng là doanh nghiệp sử dụng rất ít vốn vay, với hơn 600 tỷ đồng nợ phải trả là nợ vay ngắn hạn. Khoản phải trả lớn thứ 2 đến từ phải trả người lao động là 411 tỷ đồng (tại ngày 30/9/2018). 

Hưởng lợi nhờ bùng nổ tăng trưởng thương mại điện tử

Để đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng như vừa qua, ngoài yếu tố chuẩn bị về nội lực, Viettel Post đã được hưởng lợi lớn nhờ bùng nổ thương mại điện tử. Đáng chú ý, sự bùng nổ này vẫn chưa dừng lại.

 Doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam.

Năm 2016, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 5 tỷ USD, tăng gấp đôi so với con số 2,2 tỷ USD năm 2013. Mức tăng này được đánh giá là kỷ lục so với doanh thu năm 2012 chỉ đạt chưa đầy 1 tỷ USD, chiếm hơn 3% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Theo dữ liệu từ Sách trắng về thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam Ecommerce White Book 2018), đến năm 2017, tỷ lệ này đã tăng lên mức 3,6%, nhưng vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của thế giới là 10,2% và dự báo có thể tiến đến mức 15,5% chung của thế giới vào năm 2021.

Nếu đạt được điều này, thương mại điện tử Việt Nam sẽ có bước tiến rất xa, khi không chỉ rút ngắn khoảng cách đang có với thế giới, mà còn tăng trưởng theo quy mô tiêu dùng trong nước và theo kịp đà tăng trưởng toàn cầu.

Thương mại điện tử có đạt được mức độ tăng như kỳ vọng hay không vẫn là một câu hỏi chưa có đáp án chính xác, nhưng những nền tảng về yếu tố công nghệ, con người và xu hướng tiêu dùng đều đang hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của hình thức kinh doanh hiện đại này.

Dữ liệu thống kê của Công ty Nielsen năm 2017 cho thấy, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có quy mô là 4 tỷ USD (tương đương gần 100.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, việc số lượng người dùng điện thoại thông minh (smartphone) tăng lên nhanh chóng là tiền đề tốt cho sự phát triển của thương mại điện tử.

Cũng theo kết quả nghiên cứu của tổ chức này, tỷ lệ sử dụng smartphone tại Việt Nam là trên 70%, thậm chí ở các vùng nông thôn cũng lên đến trên 50%; và trung bình mỗi người sử dụng internet tại Việt Nam đang chi 160 USD/năm (gần 3,6 triệu đồng) cho thương mại điện tử.

Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh trên số người sử dụng điện thoại di động tại Việt Nam. 

Các nguồn dữ liệu nghiên cứu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Nielsen cho thấy, trên 50% người sử dụng smartphone ở khu vực thành thị có thực hiện các hoạt động liên quan đến mua sắm trực tuyến trên điện thoại di động.

Tại Hà Nội, TP.HCM, tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến đã lên tới 92%. Đáng chú ý, lứa tuổi từ 21 - 34 tuổi, nhóm chi trả chính của nền kinh tế trong vòng 5 năm tới là đối tượng sử dụng thương mại điện tử nhiều nhất, nên dự báo, xu hướng tiêu dùng thông qua thương mại điện tử sẽ tăng mạnh trong thời gian tới đây.

Với kết quả điều tra này, Nielsen ước tính thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tới 22%/năm trong các năm tiếp theo, thậm chí lên đến 30 - 50%/năm trong thời gian tới. Dự báo, trong 5 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD.

Theo ước tính của các chuyên gia, Viettel Post có thể đạt mức tăng trưởng trên 40% doanh thu và lợi nhuận trong 2 năm tới, với doanh thu năm 2020 có thể tiến đến mốc gần 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế có thể lên mức 562 tỷ đồng. Trong khi đó, theo kế hoạch mà Viettel Post đã xây dựng, tăng trưởng doanh thu vào khoảng 30 - 37% và đạt 500 triệu USD doanh thu vào năm 2020.

 Cơ cấu tài sản VTP

Rủi ro vẫn hiện hữu

Tài chính mạnh, lợi nhuận cao, hoạt động dự báo tăng trưởng mạnh nhờ bùng nổ thương mại điện tử… Viettel Post là một doanh nghiệp kinh doanh “hợp thời” mà các nhà đầu tư đều để ý đến. Thế nhưng, bên cạnh những điểm sáng ấy, có nhiều vấn đề mà Viettel Post phải đối mặt.

Đầu tiên là sức ép cạnh tranh đang ngày một lớn. Với trên 50% thị phần đang thuộc về hai ông lớn và VNPost và Viettel Post, nếu ở một lĩnh vực kinh doanh truyền thống đã có từ lâu, đây sẽ là vị thế khá vững chắc để các doanh nghiệp này duy trì hoạt động. Tuy nhiên, ngành giao nhận có nhiều đặc thù khác biệt.

Trên con đường đi từ sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM về Quận 2 vào một ngày cuối tháng 11/2018, một loạt điểm giao dịch chuyển phát hàng được khai trương rầm rộ bởi nhiều công ty chuyển phát khác nhau. Thương mại điện tử bùng nổ, miếng bánh chuyển phát hàng hóa vì thế trở nên hấp dẫn hơn và theo quy luật thị trường, nơi nào có lợi nhuận lớn, nơi đó thu hút dòng tiền.

Không khó để thấy, ngay phía sau Viettel Post là những cái tên tuổi khá quen thuộc như DHL, EMS, Grab, Lazada… và gần đây nhất là Giao hàng nhanh - thương hiệu đang “làm mưa làm gió” thị trường này khi sẵn sàng chi đậm cho quảng cáo trên Facebook - kênh quan trọng đối với người tiêu dùng thương mại điện tử và bán hàng online. Trong khi đó, lợi thế lớn nhất mà Viettel Post có là trải nghiệm khách hàng và uy tín thương hiệu Viettel.

Sức ép cạnh tranh từ các đối thủ đã và đang xuất hiện là điều không thể tránh khỏi, Viettel Post sẽ phải đối mặt với câu chuyện bài toán nguồn nhân lực và sức ép chi phí nhân lực khi quy mô hoạt động tiếp tục tăng trưởng.

Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp của Viettel Post tại thời điểm quý III/2018 là gần 10,72%, lợi nhuận sau thuế/doanh thu ở mức 5,7% là không lớn, nếu tính đến rủi ro về tăng chi phí nhân viên đầu vào và tăng giá xăng dầu.

Với 10.060 nhân viên, tính cả cộng tác viên là 17.000 người đang hoạt động, bài toán quản lý nhân sự, giữ người, quản lý tài chính, công nợ để không thất thoát doanh thu… là không hề đơn giản. Sức ép đó sẽ càng lớn hơn trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Chưa kể việc phải duy trì sự đồng đều về chất lượng để tránh tình trạng mất tiền, hàng, hỏng đồ của khách hoặc phát sinh gian lận (vốn dễ xảy ra trong quá trình chuyển hàng).

Trong bối cảnh này, câu chuyện kinh doanh bết bát của Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh GNN (GNN Express ) được công bố hồi đầu tháng 9/2018 là bài học không thể bỏ qua của các doanh nghiệp trong ngành. Theo lãnh đạo Công ty, nguyên nhân ban đầu xuất phát từ việc đầu tư quá lớn để đáp ứng yêu cầu đơn hàng, nhưng không quản lý được dẫn đến mất khách hàng lớn và thua lỗ… .

Trong khi đó, một rủi ro nữa mà các doanh nghiệp ngành chuyển phát, cũng như Viettel Post có thể gặp phải là sự cạnh tranh từ chính các khách hàng đang sử dụng dịch vụ chuyển phát. Theo đó, việc thành lập công ty chuyển phát trực thuộc; đặc biệt là thay đổi mô hình kinh doanh với hình thức tích hợp các kênh phân phối hiện đại (bán hàng tại điểm) và bán hàng online đang diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam.

Mô hình hoạt động của Thế giới di động, PNJ… với các điểm trải nghiệm cho phép khách hàng vừa xem hàng qua mạng và vừa mua hàng trực tiếp… đang chứng minh được hiệu quả vượt trội so với các hình thức thuần giao dịch qua mạng hay giao dịch tại điểm bán.

Khi đó, dù giao dịch điện tử tăng, nhưng số lượng đơn hàng có thể không tăng nhanh như dự phóng và phí vận chuyển các đơn hàng sẽ giảm đi đáng kể so với mô hình bán hàng hiện nay. Trong tình huống đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng dự phóng của mình, Viettel Post sẽ phải chịu áp lực lớn hơn rất nhiều so với hiện tại.

Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục