Covid tàn phá ngành du lịch
Dịch bệnh đẩy các doanh nghiệp ngành du lịch, trong đó có CTCP Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel (VTR- UPCoM) vào thế khó.
Đến thời điểm này, du lịch là một trong những ngành bị tàn phá nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 7/2020 chỉ đạt 13.900 lượt người, giảm tới 98,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Tính chung 7 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 61,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh hoạt động của ngành quá khó khăn như vậy, một doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào du khách nước ngoài, cũng như thị trường du lịch quốc tế như VTR chịu những tác động tiêu cực lớn.
Theo báo cáo tài chính riêng quý II/2020, VTR chỉ ghi nhận 167,3 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế âm 18,1 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, các chỉ tiêu này lần lượt là 2.061,3 tỷ đồng và 16,3 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu khiến VTR kinh doanh thua lỗ trong quý vừa qua là doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ suy giảm nghiêm trọng, trong khi chi phí tài chính, mà chủ yếu là chi phí lãi vay tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế nửa đầu năm, công ty mẹ VTR đạt 895 tỷ đồng doanh thu, lỗ hơn 65 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 21,5 tỷ đồng.
Không chỉ công ty mẹ - VTR, mà các công ty con, công ty liên kết đều chịu ảnh hưởng của đại dịch. Điều này thể hiện qua kết quả kinh doanh hợp nhất trong quý II/2020, với doanh thu hợp nhất đạt 206,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là 2.204,1 tỷ đồng.
Kinh doanh thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu của VTR bị bào mòn, từ mức hơn 208,8 tỷ đồng hồi đầu năm nay xuống còn 145,6 tỷ đồng khi kết thúc tháng 6.
Trong khi đó, VTR đang có khoản nợ phải trả lên đến hơn 1.578 tỷ đồng, chiếm phần nhiều là vay nợ ngắn hạn với 862,5 tỷ đồng. Khoản nợ này chủ yếu là do Công ty huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp nhằm tài trợ cho dự án lập Hãng hàng không Vietravel Airlines.
Những yếu tố trên đã phản ánh vào thị giá cổ phiếu VTR. Nếu như đóng cửa phiên giao dịch đầu năm nay (ngày 2/1) ở mức 53.000 đồng/cổ phiếu, thì chốt phiên giao dịch ngày 18/8, thị giá cổ phiếu này đã rớt mạnh xuống còn 29.600 đồng/cổ phiếu.
Kiến nghị khôi phục đường bay quốc tế, giảm thuế VAT, thuế thu nhập
Việc tập trung vào mảng du lịch lữ hành là rủi ro lớn đối với VTR khi đại dịch toàn cầu xảy ra. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán mới đây, đại diện VTR cho biết, tình trạng này đang kỳ vọng sẽ được khắc phục trong thời gian tới, khi cùng với hy vọng tình hình dịch bệnh được kiểm soát, dự kiến vào cuối quý III này hoặc đầu quý VI/2020, Công ty sẽ đưa vào khai thác một mảng kinh doanh hoàn toàn mới là Hãng bay Vietravel Airlines.
Thực tế, dịch bệnh đã đẩy nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới vào thua lỗ lớn, phá sản. Vietnam Airlines, hãng hàng không lớn nhất trong nước đã công bố con số lỗ 7.500 tỷ đồng trong 6 tháng và dự kiến lỗ trước thuế hợp nhất cả năm 15.177 tỷ đồng.
Câu hỏi đặt ra là các đường bay quốc tế chưa dễ sớm được mở cửa khai thác trở lại, trong khi tâm lý sợ dịch bệnh sau “sự cố” mang tên Đà Nẵng, cơ hội để ngành vận tải hàng không phục hồi trong ngắn hạn là rất mong manh, bước đi trên của VTR liệu có phải là hướng “thoát hiểm” hay lại càng nguy hiểm hơn?
Đại diện VTR thừa nhận, các đường bay quốc tế chưa dễ được mở cửa cho phép khai thác, nên trước mắt các chặng bay của VTR sẽ tập trung vào thị trường nội địa.
Tất nhiên, đây là dự kiến, vì mọi thứ phải trông đợi vào tình hình kiểm soát dịch bệnh.
Chỉ cần dịch Covid được đẩy lùi thì đà phục hồi của ngành du lịch nói chung, VTR nói riêng sẽ diễn ra nhanh chóng.
Điều này đã được chứng minh trong thời điểm tháng 6 - 7/2020, khi dịch bệnh lắng xuống, số lượng khách sử dụng các dịch vụ của VTR tăng mạnh so với lúc cao điểm dịch. Mặt khác, Công ty nỗ lực tái cấu trúc bộ máy hoạt động, giảm chi phí, tìm kiếm khách hàng mới…
Diễn biến đáng chú ý tại VTR là việc ông Trần Đoàn Thế Duy, Ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty mới được bổ nhiệm vị trí quyền Tổng giám đốc VTR.
Bước đi này giúp VTR tuân thủ quy định của Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
Theo đó, chủ tịch hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức danh tổng giám đốc của cùng một công ty đại chúng.
Giữ vị trí quyền Tổng giám đốc, ông Duy thừa nhận, diễn biến hiện hữu là thách thức không nhỏ với VTR.
Để giải cứu cho ngành du lịch nói chung, VTR nói riêng, mới đây, Công ty đã gửi đề xuất nhiều giải pháp lên cấp có thẩm quyền. Theo đó, VTR kiến nghị cần từng bước khôi phục các đường bay quốc tế tại các thị trường nguồn trọng điểm ở các quốc gia được đánh giá an toàn và kiểm soát được dịch bệnh.
Hiện do ảnh hưởng tâm lý sợ dịch nên nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ vẫn đang trong tình trạng không có khách, không có doanh thu nhưng vẫn phải chịu các chi phí điện, nước, thuê mặt bằng…, nên cần có các chính sách hỗ trợ về giảm giá thuê đất, giảm tiền điện, nước, thuế…
Doanh nghiệp trông đợi, riêng với ngành du lịch, cần sớm có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 5% trong vòng một năm, để giảm gánh nặng thuế VAT cho người tiêu dùng.
Khi thuế VAT giảm thì giá các sản phẩm dịch vụ cũng sẽ giảm, kích thích thị trường. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, đề nghị giảm xuống còn 15% trong vòng một năm thay vì giữ mức 20% như hiện nay, sau đó cơ quan quản lý sẽ tăng thuế dần trở lại tùy theo tình hình ngành khôi phục.
Đây là các giải pháp để giúp doanh nghiệp có giá thành tốt nhất kích cầu thị trường, trước mắt là thị trường nội địa.