Vietnam Airlines tái cơ cấu toàn diện để vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 14/12/2021 của Vietnam Airlines (HVN) cho thấy, hãng hàng không quốc gia này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và chiến lược thắt lưng buộc bụng dự kiến sẽ còn kéo dài.
Ảnh hưởng của đại dịch với ngành hàng không năm 2021 lớn hơn năm 2020. Ảnh hưởng của đại dịch với ngành hàng không năm 2021 lớn hơn năm 2020.

Giảm quy mô đội bay

Tổng giám đốc Vietnam Airlines, ông Lê Hồng Hà cho biết, hãng hiện có tổng cộng 104 tàu bay, trong đó có 29 tàu bay thân rộng.

Với các kịch bản mà Vietnam Airlines đã xây dựng đến hết năm 2022 và năm 2025 (ngay cả kịch bản lạc quan), đội bay của hãng dư cả tàu bay thân rộng và thân hẹp. Do vậy, hãng đang tiến hành tái cơ cấu đội tàu bay và đàm phán với bên cho thuê máy bay.

Thực tế, chi phí máy bay với hãng hàng không là rất lớn, Vietnam Airlines đang đàm phán với 11 bên cho thuê nhằm giảm tiền thuê, giãn thời gian thanh toán.

Bên cạnh đó, ông Hà cho hay, hãng đang xây dựng phương án bán, tái cơ cấu tài sản và đẩy sớm chương trình hiện đại hoá đội tàu bay.

Trong tháng 12/2021, Vietnam Airlines đưa ra phương án bán 9 tàu bay A321 và 6 tàu bay ATR72. Giai đoạn 2022 - 2023, hãng sẽ xây dựng phương án bán thêm 12 tàu bay A321.

Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hoà chia sẻ, hãng có kế hoạch thanh lý, huỷ một số hợp đồng, hoặc đẩy lùi một số hợp đồng nhận tàu bay đã ký.

Ảnh hưởng bởi đại dịch lần thứ tư, Ban lãnh đạo Vietnam Airlines đánh giá, nhu cầu của hàng không nội địa vẫn yếu và thị trường cần thời gian để có thể phục hồi.

Hiện tại, tỷ lệ lấp đầy ghế của các hãng hàng không trên tuyến bay Hà Nội - TP.HCM chỉ ở mức 62 - 65%, đây là tuyến bay được ví như “phong vũ biểu” cho hàng không nội địa. Các tuyến bay khác, tỷ lệ lấp đầy ghế chỉ đạt trên 50%. Giá vé bay trung bình năm 2021 giảm 15% so với năm 2020 và giảm 35% so với năm 2019.

Theo dự báo của Ban điều hành Vietnam Airlines, trong điều kiện tích cực, vận tải hàng không nội địa năm 2022 sẽ quay trở về mức 70 - 75% trước đại dịch Covid-19, còn vận tải quốc tế ở mức xấp xỉ 25% và sẽ tăng dần cho đến quý IV/2022.

Mạnh tay tái cơ cấu tài sản

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ kế hoạch khai thác và hoạt động sản xuất - kinh doanh của Vietnam Airlines, khiến tiềm lực tài chính công ty mẹ suy giảm, các cân đối tài chính thay đổi đột ngột theo chiều hướng tiêu cực.

Những thiệt hại do dịch bệnh gây ra cùng với những biến đổi không ngừng của môi trường kinh doanh đòi hỏi Vietnam Airlines phải tái cơ cấu mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ trên mọi lĩnh vực và triển khai trên toàn hệ thống từ công ty mẹ đến các doanh nghiệp thành viên nhằm vượt qua khó khăn.

Trong thời gian qua, Vietnam Airlines đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp tự thân, bao gồm tổ chức lại hoạt động sản xuất - kinh doanh theo diễn biến thị trường và dịch bệnh, tận dụng mọi cơ hội để tăng nguồn thu và dòng tiền, cắt giảm chi phí…

Năm 2020, Vietnam Airlines đã cắt giảm được 5.129 tỷ đồng, trong đó 1.775 tỷ đồng là chi phí nhân công. Năm nay, hãng dự kiến tiết kiệm được khoảng 6.000 tỷ đồng.

Đồng thời, hãng đẩy mạnh các hoạt động nhằm tăng cường nguồn thu như khai thác hàng hoá, chuyên chở khách hồi hương, thanh lý máy bay, bán và thuê lại máy bay, thoái vốn một số khoản đầu tư tại các công ty con.

Bên cạnh đó, thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế, tái cơ cấu lao động phù hợp với nhu cầu khai thác trong bối cảnh dịch bệnh.

Ngoài tái cơ cấu đội bay, Vietnam Airlines sẽ tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhằm có nguồn vốn hợp lý, phù hợp với quy mô kinh doanh, thích nghi với tình hình hình mới; huy động nguồn vốn từ bên ngoài thông qua phát hành trái phiếu, vay thương mại từ các tổ chức tín dụng trong nước; tái cơ cấu các khoản nợ vay dài hạn hiện có, giãn, hoãn trả nợ vay sang các năm sau.

Vietnam Airlines còn tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên. Công tác tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên bao gồm chuyển nhượng vốn, cổ phần hoá, bán một số danh mục đầu tư để Vietnam Airlines có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ cho ngành hàng không; cũng như bổ sung thu nhập, bù đắp lỗ luỹ kế và dòng tiền cho công ty mẹ, thu hút nguồn lực bên ngoài để tăng cường sức mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp thành viên.

Vietnam Airlines cũng sẽ rà soát các phương án sử dụng đất và tài sản trên đất để quản lý tập trung, thống nhất, gắn với hoạt động kinh doanh của Công ty.

Việc tái cơ cấu tổ chức sẽ được triển khai theo hướng tinh gọn, giảm các tầng trung gian, sắp xếp lại lao động; điều chỉnh quy chế, quy trình thực hiện công việc, đầu tư công nghệ để nâng cao năng suất lao động; thực hiện loại bỏ, thu hẹp hoặc hợp nhất những bộ phận không hoặc chưa phù hợp trong tình hình mới; đẩy mạnh ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.

Theo Kế toán trưởng Vietnam Airlines, ông Trần Thanh Hiền, ảnh hưởng của đại dịch với ngành hàng không năm 2021 lớn hơn năm 2020. Thời điểm này, khả năng phục hồi của thị trường chậm hơn nhiều so với dự báo. Với thị trường như vậy, kết quả kinh doanh của các hãng hàng không rất xấu.

Năm 2021, Vietnam Airlines lỗ ít hơn so với kế hoạch lỗ 12.907 tỷ đồng đề ra trước đó, nhưng dòng tiền vẫn rất khó khăn. Gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng của Chính phủ đã giải ngân 60% chỉ giúp giải quyết những khó khăn của năm 2020.

“Các phương án thanh lý tài sản, danh mục, huy động vốn sẽ được tính toán, triển khai đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau. Mục tiêu tái cơ cấu là đảm bảo thanh khoản vượt qua đại dịch, giảm tối đa lỗ luỹ kế và không âm vốn chủ sở hữu”, ông Hiền nhấn mạnh.

Đối với vận tải hàng hoá, Tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ, năm 2021, hãng đạt doanh thu xấp xỉ 8.000 tỷ đồng, thị phần khai thác hàng hoá đi và đến Việt Nam ở mức dẫn đầu so với các hãng hàng không khác. Thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ tập trung khai thác vận tải hàng hoá, xây dựng mảng vận tải hàng hoá thành bộ phận tự cân đối thu chi và tiến tới thành lập hãng hàng không riêng.

Thực tế từ các thị trường quốc tế cho thấy, ngành hàng không thường hồi phục nhanh khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Chẳng hạn, sau khi Mỹ thực hiện mở cửa biên giới trên bộ và trên không với du khách nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ từ ngày 8/11/2021, Hãng British Airways của Anh ghi nhận lượt tìm kiếm chuyến bay đến Mỹ tăng 900% so với tuần trước đó.

Trong khi đó, Hãng American Airlines của Mỹ đạt được 66% số lượng đặt chỗ chuyến bay đến Anh, 40% đến châu Âu và 74% đến Brazil. Hãng Air France của Pháp dự kiến công suất chuyến bay đến Mỹ sẽ đạt 90% trước đại dịch vào tháng 3/2022, tăng so với mức 65% hồi tháng 10/2021.

Hãng Emirates của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất xây dựng kế hoạch mở thêm các chuyến bay và nâng công suất bay đến hơn 10 thành phố ở châu Âu, khôi phục hoạt động của hãng tại 6 sân bay ở Anh. Đến cuối tháng 12/2021, Emirates sẽ khai thác 84 chuyến bay hàng tuần đến Anh, tăng tần suất các chuyến bay hàng ngày đến Đức, đặc biệt là hiện khôi phục hầu hết tần suất chuyến bay đến Mỹ.

Phương Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục