Vietnam Airlines rộng cửa tìm đối tác chiến lược

(ĐTCK) Trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn để đầu tư phát triển đội bay rất lớn, dự kiến khoảng 3,8 tỷ USD. Bên cạnh cổ đông ANA (Nhật Bản), Vietnam Airlines trân trọng sự hợp tác và đầu tư góp vốn của các nhà đầu tư tổ chức quy mô lớn, có mục tiêu phát triển phù hợp với chiến lược của hãng. 
Vietnam Airlines rộng cửa tìm đối tác chiến lược

Chuyển sang niêm yết trên HOSE, Vietnam Airlines muốn cổ phiếu được định giá chuẩn mực hơn và tăng cơ hội huy động vốn. Nhiều ý kiến nhà đầu tư thắc mắc, tại sao Tổng công ty không tính kế hoạch gọi vốn trong năm 2019, mà lại xây dựng kế hoạch tăng vốn trong khoảng thời gian rất dài, 2019 - 2025?

Giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn để đầu tư phát triển đội bay của Tổng công ty rất lớn. Tại phiên họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2019, các cổ đông của Vietnam Airlines đã thông qua chủ trương mua 50 tàu bay thân hẹp với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3,8 tỷ USD, trong đó sử dụng từ nguồn vốn chủ sở hữu khoảng 475 triệu USD.

Lộ trình tăng vốn đã được Vietnam Airlines xây dựng đảm bảo phù hợp với lộ trình giải ngân vốn đầu tư cho dự án mua tàu bay mới cũng như nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất - kinh doanh, đồng thời tính toán đến khả năng hấp thụ của thị trường.

Chúng tôi đã đề xuất kế hoạch tăng vốn của Tổng công ty giai đoạn 2019 - 2025 lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước thực hiện theo phương thức kết hợp Nhà nước thoái vốn với việc Tổng công ty phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ.

Cách thức này giúp tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bổ sung vốn cho doanh nghiệp để mở rộng sản xuất - kinh doanh, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - cổ đông. Phương án hiện vẫn đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Vietnam Airlines sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin đến các cổ đông và nhà đầu tư về kế hoạch tăng vốn của Tổng công ty sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ðã có Hãng hàng không ANA làm cổ đông chiến lược, Vietnam Airlines dự kiến chọn lựa tiếp đối tác là hãng hàng không khác để tăng sức mạnh hợp tác, sức mạnh cạnh tranh hay sẽ mở rộng cho cả các nhà đầu tư tài chính, thưa ông?

Nhu cầu vốn cho hoạt động sản - xuất kinh doanh và đầu tư đội bay của Vietnam Airlines giai đoạn 2019 - 2025 là rất lớn. Bên cạnh đó chúng tôi đã xây dựng chiến lược phát triển sản xuất - kinh doanh dựa trên nền tảng tăng trưởng bền vững và ứng dụng công nghệ số, với mục tiêu tầm nhìn đưa Vietnam Airlines trở thành một trong những hãng hàng không hàng đầu châu Á.

Vì vậy, chúng tôi rất trân trọng sự hợp tác và đầu tư góp vốn của các nhà đầu tư vào Vietnam Airlines, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp, quy mô lớn, có quan điểm đầu tư, mục tiêu hợp tác và phát triển phù hợp với chiến lược của hãng.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Vietnam Airlines đã tăng từ 10,9% năm 2017 lên 12% năm 2018 và dự kiến sẽ đạt khoảng 13% trong 2019. Tỷ lệ này trong tương quan so sánh với một số hãng hàng không quốc tế ra sao?

Với chính sách quản trị, điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh linh hoạt, chủ động, lấy cốt lõi là kinh doanh vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ, lợi nhuận của Vietnam Airlines liên tục tăng trưởng bền vững trong những năm qua. Bên cạnh đó, quy mô vốn chủ sở hữu được bổ sung đã khiến cho tỷ số ROE của Tổng công ty tăng trưởng tốt.   

Tỷ suất ROE của Vietnam Airlines bình quân trong giai đoạn 2015 - 2018 khoảng 13%, cao hơn hầu hết các hãng hàng không trong khu vực

Theo thống kê của các tổ chức tài chính uy tín, tỷ suất ROE của Vietnam Airlines bình quân trong giai đoạn 2015 - 2018 khoảng 13%, cao hơn hầu hết các hãng hàng không trong khu vực và cao hơn mức trung bình của các hãng hàng không truyền thống tại châu Á (xấp xỉ 11%).

Tình hình địa chính trị thế giới ngày càng có nhiều biến động và thách thức khó lường, trong khi ngành hàng không là ngành kinh doanh nhạy cảm với các biến động quốc tế. Vietnam Airlines chốt kế hoạch năm 2019 với doanh thu công ty mẹ 82.500 tỷ đồng, lợi nhuận 2.700 tỷ đồng. Kế hoạch này được xây dựng trên những điều kiện thị trường giả định như thế nào?

Theo dự báo, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục ổn định và tăng trưởng kinh tế khoảng 6,9% trong năm 2019. Thị trường hàng không tăng trưởng và phát triển so với năm ngoái, trong đó tổng khách thị trường quốc tế và nội địa dự kiến tăng lần lượt là 16,3% và 14%.

Từ đầu năm 2019, thị trường hàng không nội địa có thêm hãng hàng không mới gia nhập, nhưng thị phần vận chuyển hiện tương đối nhỏ, khoảng 3,2%. Vietnam Airlines xác định việc có thêm hãng bay mới chắc chắn sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, các yếu tố đầu vào như giá dầu và tỷ giá đều cao hơn so với năm 2018, dự kiến giá dầu tăng 16% lên 85 USD/thùng và tỷ giá USD/VND tăng 2%.

Vietnam Airlines rộng cửa tìm đối tác chiến lược ảnh 1

Ông Dương Trí Thành.

Với các dự báo đầu vào nói trên, Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch doanh thu công ty mẹ tăng 12,7%, các công ty con tăng khoảng 11% làm doanh thu hợp nhất tăng 12,9% và lợi nhuận hợp nhất sau thuế tăng 3,1%. Sản lượng của Vietnam Airlines ước tăng trên 10%, khách toàn mạng lưới tăng 13,7% so với thực hiện năm 2018.

Vietnam Airlines đang theo dõi chặt chẽ thị trường và các yếu tố đầu vào để có các đánh giá, xây dựng kịch bản và biện pháp điều hành phù hợp với những diễn biến trên thị trường. Với nguồn lực hiện có và đang được bổ sung, với năng lực cạnh tranh và kinh nghiệm quản trị thực tế, cùng thực tế chứng minh cho thấy doanh thu và lợi nhuận của Vietnam Airlines luôn tăng trưởng qua các năm, chúng tôi tin tưởng Tổng công ty hoàn toàn có khả năng đạt được các mục tiêu đề ra.

Bên cạnh việc đề xuất Nhà nước sớm thoái vốn (từ 86,1% về 51%) tại Vietnam Airlines, bản thân Tổng công ty có kế hoạch gì trong việc tái cấu trúc, thoái bớt vốn tại 15 công ty con hiện có?

Giai đoạn 2013 - 2018, Vietnam Airlines đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại 13 doanh nghiệp ngoài lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính theo kế hoạch tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

Giai đoạn 2019 - 2020, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục rà soát sắp xếp lại các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng công ty. Việc sắp xếp lại dựa trên các tiêu chí về hiệu quả hoạt động và mức độ ảnh hưởng của các công ty có vốn góp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty mẹ.

Trên cơ sở tiêu chí này, dự kiến chúng tôi sẽ tiếp tục thoái vốn tại một số công ty con hoạt động trong lĩnh vực đa ngành nghề, cung cấp dịch vụ ít liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của Vietnam Airlines (vận tải hàng không) và hiệu quả hoạt động chưa cao. Mục tiêu là để Vietnam Airlines thu hồi vốn, giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa hiệu quả đầu tư nhằm cân đối vốn và tập trung đầu tư phát triển phục vụ hoạt động kinh doanh chính.

Theo quy định, hội đồng quản trị của doanh nghiệp niêm yết phải có 1/3 là thành viên độc lập. Vietnam Airlines dự kiến thực hiện quy định này như thế nào?

Do Tổng công ty mới được Bộ Giao thông Vận tải chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên công tác kiện toàn Hội đồng quản trị đang trong quá trình báo cáo với Ủy ban. Trong đó, Vietnam Airlines đảm bảo sẽ thực hiện đủ và đúng cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị theo quy định pháp lý cũng như thông lệ quốc tế.

Liên quan đến công tác quản trị, Nghị định 05/2019 của Chính phủ mới đây đưa ra mô hình ủy ban kiểm toán trực thuộc hội đồng quản trị, thay cho ban kiểm soát. Vietnam Airlines có dự kiến gì trong việc áp dụng mô hình mới?

Từ tháng 4/2015, Vietnam Airlines hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, đội ngũ quản trị gồm Ðại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc. Trong đó, Ban kiểm soát do Ðại hội đồng cổ đông bầu ra, thay mặt các cổ đông kiểm soát, đánh giá độc lập, khách quan, trung thực mọi hoạt động kinh doanh, quản trị, điều hành, thực trạng tài chính của Tổng công ty và chịu trách nhiệm trước Ðại hội đồng cổ đông trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cũng vào thời điểm này, Vietnam Airlines đã thành lập các ủy ban trực thuộc Hội đồng quản trị để tham mưu, tư vấn cho Hội đồng quản trị đối với các đề án, kế hoạch quan trọng của Tổng công ty, gồm: Ủy ban Chiến lược đầu tư, Ủy ban Kiểm toán, Ủy ban Nhân sự và Tiền lương. Trong đó, Ủy ban Kiểm toán là đơn vị thực hiện tham mưu, tư vấn cho Hội đồng quản trị trong công tác giám sát hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm soát báo cáo tài chính, kiểm soát tuân thủ, kiểm soát hiệu quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro của Tổng công ty.

Như vậy, Vietnam Airlines đã và đang áp dụng đồng thời cả hai mô hình Ban kiểm soát và Ủy ban Kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị để quản lý, hỗ trợ các hoạt động của Hội đồng quản trị, đảm bảo sự minh bạch, chính xác, hiệu quả trong hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như công bố thông tin tới các cổ đông.

Báo cáo thường niên của Vietnam Airlines cho biết, trong năm 2018, có 1.239 cán bộ của Tổng công ty được đào tạo triết lý Inamori, thay đổi tư duy lãnh đạo theo chiến lược Ðại dương xanh. Ông có thể chia sẻ về mục tiêu của chương trình?

Công tác đào tạo triết lý Inamori nằm trong chuỗi chương trình đào tạo của Vietnam Airlines nhằm thay đổi tư duy, hành động từ cấp lãnh đạo đến các cán bộ, nhân viên trong bối cảnh sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng tăng cao.

Trong đó, mở đầu cho chuỗi chương trình là khoá học tư duy theo “Chiến lược Ðại dương xanh” (Blue Ocean Strategy - BOS) dành cho các cấp lãnh đạo, được triển khai dưới hình thức các buổi hội thảo. Sau hơn 1 năm triển khai, BOS đã tiếp cận tới 2.024 lãnh đạo cấp cao và cấp trung, giúp đội ngũ nòng cốt của Vietnam Airlines tìm ra “đại dương xanh” của riêng doanh nghiệp trên nền tảng tư duy không cạnh tranh, vừa tăng giá trị cho doanh nghiệp, đồng thời giảm giá bán cho khách hàng mà vẫn đảm bảo sự phát triển bền vững.

Sau chuỗi hội thảo BOS, Vietnam Airlines tiếp tục triển khai chương trình đào tạo triết lý Inamori đến các chuyên viên. Tiếp tục dưới hình thức là các buổi hội thảo, chúng tôi đã giới thiệu triết lý kinh doanh thực tiễn của Inamori Kazuo - một trong những doanh nhân huyền thoại của Nhật Bản, người sáng lập Tập đoàn đa ngành Kyocera, nhà cố vấn cấp cao của Tập đoàn dịch vụ viễn thông KDDI và cũng là người “tái sinh” Japan Airlines.

Sự thành công của ông Inamori khi vực dậy Japan Airlines vào năm 2010 đã được đưa ra phân tích chi tiết để thấy được những hiệu quả của các giải pháp cải cách và phục hồi doanh nghiệp. Thông qua giới thiệu nguyên tắc quản lý và điều hành của ông Inamori, Vietnam Airlines mong muốn đem đến một cái nhìn mới về hoạt động kinh doanh cho cán bộ, nhân viên, “tiếp lửa” cho người lao động theo phương châm “Trách nhiệm hơn nữa - Chủ động hơn nữa - Sáng tạo hơn nữa”.

Báo cáo của Vietnam Airlines mang đậm thông điệp: “Thế giới thay đổi, còn bạn thì sao?”, trong đó có nội dung Vietnam Airlines sẽ phát triển thành “hãng hàng không số”. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về mục tiêu này?

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu về công nghệ thông tin càng trở nên cấp thiết hơn, là một trong những nhân tố quan trọng quyết định năng suất, hiệu quả khai thác, năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng.

Chính vì vậy, Vietnam Airlines đặt mục tiêu phát triển thành “Hãng hàng không số”, trong đó tập trung ứng dụng công nghệ thông tin một cách rộng rãi, toàn diện trên tất cả các khía cạnh hoạt động của hãng. Hiện nay, chúng tôi đã triển khai thành công các hệ thống công nghệ thế hệ mới để quản trị hầu hết các lĩnh vực trọng yếu, bao gồm thương mại, dịch vụ, khai thác, tài chính - kế toán, hành chính.

Các giải pháp công nghệ tiêu biểu đang ứng dụng có thể kể đến hệ thống quản lý chuyến bay trong lĩnh vực khai thác, hệ thống đặt chỗ bán vé hành khách, hệ thống quản trị doanh thu trong lĩnh vực thương mại, ứng dụng di động Vietnam Airlines, các hình thức làm thủ tục trực tuyến (online check-in) trong lĩnh vực dịch vụ… Ðặc biệt, lĩnh vực khai thác bay đạt được bước tiến lớn với ứng dụng hồ sơ bay điện tử (E-Flight Folder), giúp phi công, tiếp viên dễ dàng tiếp cận các thông tin về khí tượng, thời tiết, kỹ thuật, nhiên liệu… chỉ với một chiếc máy tính bảng, thay vì tài liệu giấy như trước đây.

Vietnam Airlines đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác công nghệ hàng đầu thế giới như Sabre, Airbus, Boeing… để nghiên cứu, triển khai nhiều dự án nâng cấp, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị trong thời gian tới.

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục