Năm 2018: Mục tiêu doanh thu tăng 14%, lợi nhuận giảm 23%
Tại Đại hội đồng cổ đông ngày 10/5/2018, Ban lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, năm 2017, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tổng công ty đạt 3.155 tỷ đồng, vượt 92,6% kế hoạch và tăng 21,3% so với năm 2016. Lợi nhuận tăng nhanh và vững chắc trong hoạt động kinh doanh cốt lõi là vận tải hàng không.
Tuy nhiên, năm 2018, trong khi trình mục tiêu về lượng hành khách vận chuyển, hàng hóa vận chuyển tăng khoảng 10%, doanh thu hợp nhất 97.073 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2017, thì chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trình Đại hội thông qua lại giảm 23,3%, ước đạt 2.421 tỷ đồng.
Lý giải về điều này, Ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, có nhiều yếu tố có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines đánh giá, thị trường vận tải hàng không Việt Nam vẫn đang ở mức tăng trưởng cao nhất khu vực và trên thế giới. Nền tảng của vận tải hàng không xuất phát từ nhu cầu của khách, công thức cơ bản là tăng trưởng hàng không ở những thị trường bình thường tăng gấp 2 - 3 lần GDP và Việt Nam đang chứng kiến điều này trong 3 năm qua. Tuy nhiên, đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng trên là của hàng không giá rẻ.
Ở thị trường quốc tế, phân khúc hàng không giá rẻ tăng trưởng tới 33,7%, trong khi phân khúc hàng không truyền thống chỉ tăng trưởng 7,8%.
Cùng với đó, thêm một yếu tố bất định ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp là giá nhiên liệu. Giá dầu liên tục tăng mạnh và ước tính duy trì ở mức cao, có thể tiệm cận mức 85 USD/thùng, cùng với việc yếu tố tỷ giá không còn thuận lợi khiến việc hoàn thành kế hoạch năm trở nên khó khăn hơn với Ban lãnh đạo Vietnam Airlines.
Sẽ thêm 21 tàu bay, kiên định mục tiêu hàng không dịch vụ đầy đủ
Chia sẻ với cổ đông, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, Tổng công ty rất quan tâm đến câu chuyện thị phần. Thị trường hàng không hiện tại đang bao gồm 30% là thị trường khách của hãng hàng không dịch vụ đầy đủ và 70% của hàng không giá rẻ. Vietnam Airlines quan tâm đến 30% phân khúc hàng không dịch vụ đầy đủ và cố gắng đạt được mức cao nhất.
“Về trung và dài hạn, công ty mẹ vẫn trung thành với tiêu chí hãng hàng không dịch vụ đầy đủ phát triển mạng bay bền vững để đảm bảo tính hiệu quả cao nhất về mọi mặt”, ông Phạm Ngọc Minh khẳng định.
Năm 2018, Vietnam Airlines dự kiến khai thác trung bình 92,7 tàu bay, nhận thêm 2 tàu A350 và 9 tàu A321-NEO thuê, trả sớm 7 tàu thuê đến hạn. Tổng số tàu bay đến cuối năm 2018 là 98 chiếc.
Từ năm 2019 - 2021, Tổng công ty sẽ tiếp tục nhận thêm 21 tàu bay. Theo kế hoạch phát triển đến năm 2025, Tổng công ty dự kiến đặt mua khoảng 50 tàu bay thân hẹp để phát triển đội bay và thay thế cho đội tàu bay cũ. Số tàu bay năm 2025 dự kiến là 132 - 135 chiếc.
Năm 2018, Vietnam Airlines dự kiến khai thác trung bình 92,7 tàu bay, nhận thêm 2 tàu A350 và 9 tàu A321-NEO thuê, trả sớm 7 tàu thuê đến hạn. Tổng số tàu bay đến cuối năm 2018 là 98 chiếc.
Áp lực cạnh tranh cùng với khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu lợi nhuận là vậy, song Vietnam Airlines kiên định với chiến lược phục vụ hàng không chất lượng cao, đồng thời áp dụng chiến lược thương hiệu kép cùng Jetstar và Vasco cung ứng thêm phân khúc giá rẻ và đường bay kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu kinh tế quốc phòng.
Năm 2017, Vietnam Airlines thực hiện an toàn 140.000 chuyến bay, vận chuyển 22 triệu lượt khách. Nhờ giảm tải một số đường bay hiệu quả thấp và tập trung vào phân khúc khách thu nhập cao nên các chỉ tiêu về cung ứng vận tải hành khách thấp hơn kế hoạch 3%, song hiệu quả khai thác lại được cải thiện ấn tượng.
Chỉ số chuyến bay đúng giờ (OTP) bình quân đạt trên 90%, đưa Vietnam Airlines vào nhóm các hãng hàng không có chỉ số bay đúng giờ hàng đầu.
Quý III, Vietnam Airlines sẽ lên sàn HOSE
Vietnam Airlines chính thức giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM với mã HVN kể từ ngày 3/1/2017 và luôn nằm trong Top 20 công ty có giá trị vốn hóa dẫn đầu thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ khi lên sàn.
Tổng công ty từng chia sẻ dự kiến sẽ chuyển từ sàn UPCoM sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong quý II/2018.
Trao đổi với cổ đông tại Đại hội sáng 10/5/2018, Ban lãnh đạo HVN cho biết, quá trình chuyển sàn sẽ thực hiện trong quý III, sau khi hoàn tất lần phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm của cổ đông Nhà nước. Hiện doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục, dự kiến ngày 2/7 sẽ hoàn thành đợt phát hành.
Ngay trong quý III sẽ hoàn tất các thủ tục để chuyển sang sàn HOSE. “Chúng tôi không có bất kỳ vướng mắc gì về kỹ thuật hay tính minh bạch”, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng của Vietnam Airlines cho biết.
Năm 2020, cổ đông Nhà nước sẽ giảm sở hữu tại Vietnam Airlines xuống còn 51%. Việc giảm tỷ lệ có thể diễn ra theo hai cách, hoặc Nhà nước bán bớt vốn, hoặc doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu và Nhà nước không mua tiếp.
Song song với việc Nhà nước thoái vốn, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, nhằm mục tiêu vốn chủ sở hữu đến năm 2025 đạt mức tối thiểu 1 tỷ USD. Trên sàn UPCoM, mã HVN của Tổng công ty mở hàng ngày 3/1/2017 với giá 39.200 đồng/cổ phiếu và hiện được giao dịch tại giá 37.900 đồng/cổ phiếu.
Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, mặc dù Nhà nước có kế hoạch giảm vốn tại Vietnam Airlines về mức 51% (hiện Nhà nước nắm 86,16%), song Vietnam Airlines vẫn là công ty thực hiện những mục tiêu của Nhà nước, do đó các đường bay quốc tế vẫn sẽ được tiếp tục phát triển. Liên quan đến kế hoạch đường bay thẳng đến Mỹ, ông Thành chia sẻ, sớm nhất cũng phải cuối 2019 mới bắt đầu và phải vận hành trong 5-10 năm mới có thể hòa vốn.