VietinBankSc từng nói, Công ty không bằng mọi giá để tăng trưởng thị phần. Vậy Công ty đang phát triển theo chiến lược nào, thưa bà?
Theo lý thuyết, có 3 chiến lược cạnh tranh để doanh nghiệp theo đuổi: chiến lược chi phí thấp (low cost), chiến lược tạo sự khác biệt (differentiation) và chiến lược tập trung (focus). Đối với VietinBankSc, nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, phân tán rủi ro, chúng tôi lựa chọn chiến lược phù hợp là tạo ra sự khác biệt với chi phí thấp, thông qua năng lực cốt lõi của Công ty đó là thái độ phục vụ khách hàng và chất lượng sản phẩm/dịch vụ.
Để đón đầu các cơ hội của TTCK phái sinh vào năm 2016 cũng như sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất của thị trường trong những năm tới, chúng tôi tập trung những giải pháp cách tân, táo bạo để nâng cao toàn diện sức mạnh hiện có, nhằm đạt mục tiêu kinh doanh có bước tiến vượt trội như: phát triển kênh phân phối trực tiếp dựa trên thay đổi công nghệ hiện đại nhất, đồng thời cạnh tranh thu hút nguồn lực chất lượng cao; củng cố và mở rộng kênh phân phối truyền thống, tận dụng lợi thế mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch của Ngân hàng mẹ VietinBank.
Trên cơ sở tiềm lực tài chính vững mạnh và mạng lưới rộng lớn của VietinBank, chúng tôi đã và đang phát huy hiệu quả lợi thế này để phát triển. Tận dụng thương hiệu và kinh nghiệm quản lý của Ngân hàng mẹ, chúng tôi từng bước xây dựng phân khúc khách hàng riêng và tạo dựng chỗ đứng riêng mang bản sắc VietinBankSc.
Thế còn về chiến lược phát triển đội ngũ nhân sự?
Xác định nguồn nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất, là chìa khóa của thành công, chúng tôi đặc biệt chú trọng việc tuyển dụng nhân sự dựa trên cơ chế thu nhập gắn với hiệu quả công việc, đồng thời cạnh tranh thu hút nhân sự chất lượng cao trên thị trường.
Bên cạnh đó, nâng cao các giải pháp quản trị điều hành và nhân lực. Tiếp tục củng cố và áp dụng giải pháp quản trị tiên tiến nhằm chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ; đãi ngộ, đề bạt cán bộ theo năng lực làm việc, đánh giá năng lực cán bộ lãnh đạo các cấp qua chỉ tiêu kinh doanh; có cơ chế thu hút nhân tài, tạo động lực cạnh tranh và cơ hội phấn đấu, thăng tiến bình đẳng.
Hiện tại, chúng tôi tự tin vì đã xây dựng được đội ngũ cán bộ vững vàng nghiệp vụ, trung thực, nhiệt tình và yêu nghề.
Hoạt động của khối CTCK vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng trong thách thức có những cơ hội. VietinBankSc đang tận dụng cơ hội đó như thế nào, thưa bà?
Trước cơ hội và thách thức đặt ra, VietinBankSc tiếp tục hoàn thiện để giữ vững vị thế nằm trong Top CTCK hàng đầu. Chúng tôi đẩy mạnh công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nhân sự, đặc biệt là nhân sự tại các bộ phận môi giới, phân tích, tư vấn. Chúng tôi kiên định theo đuổi mục tiêu, lấy khách hàng làm trung tâm, tập trung nâng giá trị đầu tư của khách hàng trên cơ sở tuân thủ các quy trình, nguyên tắc quản trị rủi ro trong hoạt động chứng khoán. Không đề ra các chính sách, sản phẩm, dịch vụ nhiều rủi ro, không vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua nguyên tắc quản trị rủi ro, đảm bảo hiệu quả bền vững cho cả khách hàng và Công ty. Thiết lập các công cụ kiểm soát rủi ro hiệu quả như hệ thống công nghệ thông tin, chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình kiểm soát…
Ngoài ra, chúng tôi đang tập trung nâng cao quản trị dòng tiền và quản trị rủi ro công ty tốt. Xác lập cơ cấu sản phẩm, dịch vụ phù hợp với chiến lược kinh doanh của Công ty qua từng thời kỳ. Tạo sự khác biệt và vượt trội trong một số sản phẩm, dịch vụ trên thị trường nhằm định vị năng lực cạnh tranh cao của Công ty, giúp gia tăng nền tảng lợi nhuận và uy tín trên thị trường.
Ra đời từ những ngày đầu TTCK Việt Nam hình thành, CTCK Công thương (VietinBankSc, mã CTS) luôn nằm trong Top CTCK có lợi nhuận cao và chưa quý nào Công ty thua lỗ. Năm 2012, VietinBankSc đứng thứ 5 trong số các CTCK niêm yết có lợi nhuận cao nhất. Ngay cả khi thị trường có những diễn biến bất lợi như năm 2011, được xem là một năm bĩ cực của TTCK Việt Nam, Công ty vẫn giữ được mức lợi nhuận trước thuế 82,9 tỷ đồng. |