Vietcombank kỳ vọng bùng nổ sau IPO?

(ĐTCK-online) Sau khi Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đưa ra bản công bố thông tin trước đợt IPO, nhiều nhà đầu tư tỏ ra "băn khoăn" khi chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng các năm sau cổ phần hóa của Vietcombank đặt ra hơi thấp so với mặt bằng chung thị trường. Chính vì vậy, cũng dễ hiểu khi nhiều nhà đầu tư đặt dấu hỏi về khả năng bùng nổ cao sau cổ phần hóa của ngân hàng này.
Đối với một ngân hàng, yếu tố tăng trưởng bền vững sẽ có ý nghĩa quyết định với sự phát triển lâu dài. Đối với một ngân hàng, yếu tố tăng trưởng bền vững sẽ có ý nghĩa quyết định với sự phát triển lâu dài.

Quy mô hay tốc độ?

Trên thực tế, trong hoạt động ngân hàng hiện nay, nhiều ngân hàng cổ phần đang có tốc độ tăng trưởng khá cao, trên 30%/năm, thậm chí có ngân hàng đạt tốc độ hơn 100%/năm thì Vietcombank đặt ra cho mình một tốc độ tăng trưởng khá khiêm tốn ở mức dưới 20% cho hầu hết các chỉ tiêu.

Bà Nguyễn Thu Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Ngân hàng xây dựng kế hoạch này là dựa trên quan điểm thận trọng, các chỉ tiêu được đưa ra trên cơ sở năng lực nội tại của Vietcombank, mà chưa tính tới các yếu tố ngoại như: giá trị gia tăng khi có các đối tác chiến lược nước ngoài, đối tác chiến lược trong nước. Đồng thời, việc cổ phần hóa chưa diễn ra nên phần thặng dư vốn hiện chưa được đưa vào tính toán dự báo tài chính.

Điều này có thể hiểu rằng, đây là các chỉ tiêu kế hoạch nhưng cũng là các chỉ tiêu tối thiểu mà Vietcombank sẽ đạt được trong các năm tới. Một mức tăng trưởng cao hơn là hoàn toàn có thể đạt được khi có những yếu tố thuận lợi từ bên ngoài.

Theo bà Hà, đánh giá về các ngân hàng, không nên so sánh về tốc độ tăng trưởng giữa 2 ngân hàng có quy mô khác nhau, bởi điều này cũng giống như so sánh tốc độ tăng trưởng kinh tế của một nước lớn và một nước nhỏ. Một nền kinh tế lớn chỉ cần tăng trưởng 1%/năm thì giá trị đã lớn hơn rất nhiều so với một nền kinh tế nhỏ có tốc độ tăng trưởng 10%/năm.

"Ngân hàng quy mô nhỏ có những điều kiện để đạt được tốc độ tăng trưởng cao", bà Hà nói và cho biết, Vietcombank quy mô lớn hơn, khả năng tài chính tốt hơn, năng lực cạnh tranh cũng lớn hơn nên tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với một số ngân hàng cổ phần không có nghĩa rằng "kém hơn" những ngân hàng này. Điều này có nghĩa, nếu cần so sánh tương quan thì phải so sánh giữa Vietcombank và 3 ngân hàng thương mại nhà nước còn lại là BIDV, Agribank và Incombank.

"Trong các ngân hàng thương mại nhà nước, Vietcombank vẫn là ngân hàng có hiệu quả kinh doanh tốt nhất", bà Hà nói.

 

Sẽ bùng nổ

Theo một số phân tích của các chuyên gia tài chính nước ngoài gần đây thì có thể thấy, những dự đoán về tương lai của Vietcombank sau cổ phần hóa là khá lạc quan. Thậm chí, đã có so sánh giữa Vietcombank hiện nay và trường hợp của Temasek ( Singapore ) vài năm trước đây.

Trước đây, Temasek cũng có gốc gác từ nhà nước, việc cơ cấu hoạt động đã tạo điều kiện cho ngân hàng này trở thành một tập đoàn đầu tư tài chính - ngân hàng lớn, với những thương vụ khá đình đám trong khu vực.

Lĩnh vực ngân hàng bị chi phối trực tiếp từ điều kiện phát triển của nền kinh tế, khi vươn ra hoạt động khỏi biên giới thì còn chịu nhiều ảnh hưởng hơn của diễn biến kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, đối với một ngân hàng, yếu tố tăng trưởng bền vững sẽ có ý nghĩa quyết định với sự phát triển lâu dài, đặc biệt là trong những thời điểm điều kiện kinh tế khó khăn.

Theo bà Hà, kinh nghiệm trên thế giới trong những cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy, rất nhiều ngân hàng nhỏ đã phải đóng cửa, sáp nhập nhưng những định chế tài chính lớn tuy vẫn chịu tác động nhưng sẽ vượt qua được.

Không nói ở đâu xa, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vừa qua, hầu hết ngân hàng cổ phần đều rơi vào tình trạng khó khăn và khoảng 10 ngân hàng cổ phần tại Việt Nam đã phải "ra đi". Vietcombank khi đó cũng gặp những khó khăn, nhưng vẫn đủ tiền để đầu tư vào khá nhiều ngân hàng gặp khó khăn khi đó. Những khoản đầu tư của Vietcombank đã từng "cứu sống" nhiều ngân hàng, mà điển hình là Eximbank Việt Nam, GiaDinh Bank… Gần đây nhất, khi ACB gặp tin đồn, khách hàng rút tiền hàng loạt, Vietcombank cũng là ngân hàng bơm vốn lớn nhất giúp ACB thoát khỏi nguy cơ mất thanh khoản.

Tổng số tiền đầu tư vào chứng khoán nói chung của Vietcombank đến ngày 31/12/2006 là hơn 31.000 tỷ đồng, trong đó có những khoản khá lớn tại Eximbank Việt Nam, VIB Bank, MB, PJICO…

Trần Kiên
Trần Kiên

Tin cùng chuyên mục