Vietcombank có phải là “khủng long”?

(ĐTCK-online) Lịch phát hành cổ phiếu lần đầu của 2 đại gia ngành ngân hàng là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa được Chính phủ quyết định. Những hồ nghi về thời hạn IPO của 2 ngân hàng này đã phần nào được giải quyết, nhưng điều đáng nói là trước quá nhiều nguồn thông tin mang tính “đổ lỗi” cho sự chậm trễ theo kế hoạch IPO của Vietcombank ảnh hưởng tới sự phát triển chung của thị trường thì lãnh đạo ngân hàng này đã phải lên tiếng.
Vietcombank có phải là “khủng long”?

Vietcombank hay BIDV cũng như các doanh nghiệp lớn khác có kế hoạch IPO là những “đại gia” thực sự cả về quy mô vốn, sức ảnh hưởng tới hoạt động trong ngành cũng như tên tuổi. Nhưng lãnh đạo Vietcombank khẳng định, ngân hàng này không phải là một cái gì đó quá “kinh khủng” có thể tác động tới toàn bộ thị trường, bao gồm rất nhiều ngành nghề khác nhau như nhiều báo cáo phân tích đã nêu.

 

Chốt lịch

Tờ trình Chính phủ của Vietcombank về việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đã được gửi lên vào đúng ngày cuối cùng (31/10/2007) là hạn chót trong tháng 10/2007 mà Vietcombank phải có kết quả đàm phán với các ứng viên cuối cùng. Và vào cuối tuần trước (ngày 9/11), Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã có ý kiến chỉ đạo việc bán cổ phần lần đầu Vietcombank vẫn phải thực hiện trong năm 2007.

Còn vào đầu tuần này (ngày 12/11/2007), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng có ý kiến đối với một trường hợp khác là BIDV. Theo đó, IPO của BIDV sẽ được thực hiện trong quý II/2008 và việc xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa của BIDV là vào ngày 31/12/2007.

Theo nhận định của giới phân tích, đối với trường hợp đang được quan tâm là Vietcombank, việc chọn xong nhà đầu tư chiến lược (dự kiến có thể 1 hoặc 2) cộng với thời gian chuẩn bị thì việc IPO có nhanh cũng phải vào nửa cuối tháng 12/2007, tức là lại rơi vào hạn chót mà Chính phủ đặt ra cho ngân hàng này buộc phải thực hiện xong.

Việc IPO của Vietcombank thế nào trong tháng tới sẽ vẫn là câu chuyện tiếp tục được đề cập, nhưng mối quan tâm hiện tại của giới đầu tư chính là sự điều chỉnh giảm rất mạnh của thị trường gần 2 tuần qua và có “dáng dấp” của Vietcombank trong đó.

 

Có phải là hàng khủng?

Theo thông tin mà hãng tin tài chính Bloomberg đưa ra thì giá cổ phiếu của Vietcombank mà các ứng cử viên cho vị trí cổ đông chiến lược (Nomura, Goldman Sachs và General Electric) chào mua chỉ ở khoảng 5 - 7 lần giá trị sổ sách. Thông tin được trích dẫn ào ạt, thậm chí được hiểu rằng, giá cổ phiếu của Vietcombank chỉ ở mức 5- 7 lần (50.000 - 70.000 đồng/cổ phiếu) sau cổ phần hóa, tức là ở mức thấp so với giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng cổ phần hiện nay khiến nhà đầu tư “hồ nghi” về mức giá mà thị trường đang trả cho các ngân hàng cổ phần, vốn được coi là “thấp bé, nhẹ cân” hơn Vietcombank hiện nay.

Chưa hết, trong nhận định chính thống của các chuyên gia chứng khoán có tên tuổi và cả trong báo cáo của các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín như HSBC thì sự chậm trễ IPO của Vietcombank là một trong nhiều lý do ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư trên thị trường. Nhiều nhà đầu tư đã tin theo những nhận định này, nhưng ở phía ngược lại có không ít hoài nghi.

Một số chỉ tiêu tài chính quý III/2007 của Vietcombank
Tính thời điểm ngày 30/9/2007, vốn và các quỹ của Vietcombank là 11.725 tỷ đồng (trong đó, vốn điều lệ là 4.403 tỷ đồng; quý của TCTD là 1.515 tỷ đồng; lợi nhuận chưa phân phối là 4.754 tỷ đồng...).

Tổng tài sản tính tới cuối tháng 9/2007 là 186.018 tỷ đồng, trong đó tài sản cố định chiếm 725,76 tỷ đồng.

Trong quý III/2007, thu nhập lãi thuần của Vietcombank là 648,66 tỷ đồng, giảm 39,73% so với quý III/2006 (giảm 427,66 tỷ đồng). Luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt 2.010,23 tỷ đồng, giảm 38,21% so với cùng kỳ năm 2006 (giảm 1.242,98 tỷ đồng).

Lợi nhuận sau thuế quý III/2007 là 529,03 tỷ đồng, giảm 32,68% so với quý III/2006 (giảm 256,86 tỷ đồng). Luỹ kế 9 tháng đầu năm của Vietcombank đạt 1.546,4 tỷ đồng, giảm 26,63% so với cùng kỳ 2006 (tương đương giảm 561,4 tỷ đồng).

Trong một số thư gửi tới ĐTCK, một số nhà đầu tư đã cho rằng, Vietcombank có thực sự “quan trọng” như thế hay không. Xét về các chỉ tiêu tài chính đóng vai trò quan trọng nhất trong xác định giá trị thì Vietcombank không hề vượt trội so với nhiều ngân hàng khác và cũng không hẳn dẫn đầu trong số các doanh nghiệp đã niêm yết hiện nay.

Theo báo cáo tài chính quý III/2007 của Vietcombank, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm nay là 2.010,23 tỷ đồng, xét trên vốn điều lệ 4.403 tỷ đồng thì tỷ suất là khá cao (gần 50%), nhưng nếu xét trên tổng vốn chủ sở hữu là 11.725 tỷ đồng thì tỷ suất sinh lời trên vốn này không còn cao nữa (chưa được 20%), và nếu giả sử Vietcombank đã IPO trong tháng 10/2007 đúng như trước đó nâng vốn điều lệ sau cổ phần hóa lên 15.000 tỷ đồng thì tỷ suất này thậm chí rất thấp, chỉ nhỉnh hơn 10%. Nếu xét về mức độ tăng trưởng, các con số này hầu như đều thấp hơn năm ngoái (xem bảng).

Với cách tính toán này, nhiều nhà đầu tư đã đưa ra nhận định, Vietcombank “chỉ to” ở quy mô vốn nhưng sự tác động của nó tới TTCK cũng giống như trường hợp Vinamilk khi niêm yết trước đây, có mức vốn hóa lớn nhất vào thời điểm đó mà thôi. Đây là lý do mọi người không nên nhận định “thái quá”, gây ảnh hưởng tới tâm lý chung của nhà đầu tư.

Quan điểm này cũng được bà Nguyễn Thu Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ ở một góc độ nhất định. Theo bà Hà, Vietcombank là một ngân hàng lớn, có nhiều điểm mạnh được nhà đầu tư trong và ngoài nước chú ý, nhưng chỉ xét riêng sự kiện IPO của Vietcombank thì không hẳn như vậy. Theo quyết định đã được Chính phủ phê duyệt, số vốn đem đấu giá công khai ngoài thị trường của Vietcombank chỉ chiếm tỷ lệ 6,5% (khoảng gần 1.000 tỷ đồng), mặc dù đây là khối lượng không nhỏ so với một doanh nghiệp đã niêm yết, nhưng với lượng vốn hóa của cả TTCK vài chục tỷ USD thì đây là con số không hề lớn.

“Không thể đề cao thái quá mà cho rằng, IPO của Vietcombank có thể ảnh hưởng tới xu hướng thị trường được, nếu có chăng, theo tôi, chỉ có sự tác động nhất định về mặt tâm lý nhà đầu tư nhưng cũng chỉ tới cổ phiếu ngành ngân hàng, chứ không thể ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác”, bà Hà nhận định.

 

“To chưa chắc đã cao”

Nói rõ hơn một chút về giá dự kiến mà các đối tác chào mua của Vietcombank đưa ra, theo bản tin chi tiết của Bloomberg thì mức giá 5 - 7 lần là so với giá trị sổ sách của Vietcombank. Với mức vốn chủ sở hữu của Ngân hàng đạt hơn 11.127 tỷ đồng, vốn điều lệ khi đó là 4.356,7 tỷ đồng thì giá trị sổ sách (book value) của một cổ phiếu Vietcombank sẽ là 25.540 đồng. Như vậy, giá cổ phiếu Vietcombank có thể nằm ở mức 127.700 - 178.780 đồng/CP (chứ không phải 50.000 - 70.000 đồng/CP như nhiều nguồn tin đã đưa).

Trao đổi với ĐTCK, bà Hà không bình luận về con số này, tuy nhiên bà Hà cho biết, việc xác định giá cổ phiếu giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thường có sự khác nhau. Đối với nhà đầu tư quốc tế, họ nhìn đối tượng đầu tư trên cơ sở so sánh tương quan trên mặt bằng quốc tế và dựa nhiều vào định mức tín nhiệm của Việt Nam .

Ngoài ra, trong vai trò của nhà đầu tư chiến lược, quyền lợi và trách nhiệm của họ khác nhà đầu tư thông thường rất nhiều, và sự khác biệt này có thể tạo sự khác biệt với giá mà các nhà đầu tư thông thường chấp nhận trả, tùy theo điều kiện có thể cao hơn hoặc thấp hơn. Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp nói chung và một số ngân hàng đã có cổ đông chiến lược nước ngoài, mức giá mà các nhà đầu tư chiến lược trả thường khác biệt khá lớn so với mức thị trường chấp nhận trả.

“Có những doanh nghiệp bán 10% cổ phần cho đối tác chiến lược thì mức giá khá mềm, nhưng khi bán thêm 5% hay 10% cổ phần nữa, giá lại cao hơn rất nhiều so với giá thị trường, bởi khi đó vai trò của nhà đầu tư chiến lược là hoàn toàn khác trong hoạt động của doanh nghiệp đó”, bà Hà cho biết.

Theo nguồn tin của ĐTCK có được, cổ đông chiến lược của Vietcombank ngoài những cam kết hỗ trợ về mặt kỹ thuật, quản trị,… thì phải cam kết nắm giữ cổ phiếu tối thiểu 5 năm.

Theo nhận định của lãnh đạo một số ngân hàng thương mại, sự hấp dẫn của cổ phiếu Vietcombank sau cổ phần hóa không hẳn là quy mô lớn, thương hiệu tốt có lịch sử tới 45 năm,… mà rất cần tính tới yếu tố tỷ lệ sinh lời cũng như nhiều chỉ tiêu tài chính khác (ở một góc độ nào đó không hoàn toàn vượt trội các ngân hàng cổ phần).

Theo kinh nghiệm quốc tế, không phải ngân hàng to, có thương hiệu toàn cầu là giá cổ phiếu cao nhất, thậm chí còn thấp hơn nhiều những ngân hàng nhỏ, có thị phần khiêm tốn nhưng hoạt động trong lĩnh vực sinh lời tốt của thị trường.

Về trường hợp Vietcombank, phải tính tới yếu tố kỳ vọng với nền tảng sẵn có, khi thoát khỏi cơ chế hiện tại có thể tạo một sức bật lớn. Nhưng sức bật như thế nào thì còn phải chờ… tương lai. Chỉ biết rằng, trong các ngân hàng chuẩn bị cổ phần hóa thì không chỉ có Vietcombank là “to nhất, ngon nhất”, mà bên cạnh đó còn có 3 ngân hàng khác có quy mô không hề kém, các chỉ tiêu sinh lời cũng không phải quá thấp so với Vietcombank.

Trần Kiên
Trần Kiên

Tin cùng chuyên mục