Cụ thể, thu nhập lãi của VietBank đã tăng đột biến trong quý IV/2021 lên gần 700 tỷ đồng, tương đương tăng 715% so cùng kỳ năm trước; thu từ dịch vụ đạt 33 tỷ đồng, tăng 41,6%.
Trong khi đó, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối lại tăng trưởng âm 22,1% trong quý này và mảng chứng khoán đầu tư quý IV/2021 cũng giảm 66,1% so cùng kỳ, chỉ đạt 85,4 tỷ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác đạt 173,4 tỷ đồng, tăng 248,3% so quý cùng kỳ 2020.
Mặc dù đã chi ra 409 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong quý IV/2021, song VietBank vẫn lãi trước thuế kỷ lục trong quý này khi đạt 241 tỷ đồng, tương đương tăng 730%.
Kết quả kinh doanh 2021 của VietBank: Nguồn: BCTC VietBank |
Trong kỳ, tổng thu nhập hoạt động của Vietbank đạt 968 tỷ đồng, tăng trưởng 135,8%. Cùng với việc cắt giảm được hơn 19% chi phí hoạt động, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này trong quý IV/2021 đã tăng vọt lên 645 tỷ đồng, cao gấp gần 60 lần so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VietBank năm tăng 912% so với năm 2020 lên 482,7 tỷ đồng, nhưng nhờ kiểm soát được chi phí hoạt động.
Vì thế, lũy kế cả năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Vietbank đạt 636 tỷ đồng, tăng 57,8% so với năm 2020, vượt kế hoạch tối thiểu Ngân hàng đề ra, song mới chỉ thực hiện được gần 60% kế hoạch phấn đấu.
Tại kỳ đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2021 của VietBank diễn ra cuối tháng 4/2021, Ngân hàng đã trình cổ đông thông qua chỉ tiêu kinh doanh phấn đầu năm 2021 đặt mục tiêu lợi nhuận 1.100 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 2%.
Thế nhưng, đến cuối năm 2021 về chất lượng cho vay, dư nợ xấu của ngân hàng trong năm qua đã tăng mạnh 135% lên 1.845 tỷ đồng, chủ yếu tăng tại nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ). Qua đó, kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng từ mức 1,75% lên 3,65%.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của Vietbank đạt 103.780 tỷ đồng, tăng 13,4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,8% lên 50.530 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, kết thúc 2021, số dư tiền gửi khách hàng đạt 66.755 tỷ đồng, tăng 3,4%. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) chiếm 3.091 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, tương đương với tỷ lệ CASA là 4,6%. Còn tiền gửi có kỳ hạn chiếm 63.532 tỷ đồng, tăng 2,3%.