Mục tiêu lợi nhuận phù hợp
Cũng như năm 2018, trong năm 2019, VietBank đưa ra 2 kế hoạch kinh doanh: Tối thiểu và phấn đấu.
Kế hoạch kinh doanh tối thiểu năm 2019 được VietBank đưa ra với tổng tài sản đạt 47.000 tỷ đồng. Mức dư nợ tín dụng tính đến 31/12/2019 dự kiến là 37.590 tỷ đồng; huy động vốn từ khách hàng đạt từ 47.000-54.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 492 tỷ đồng, tăng khoảng 9 tỷ đồng so với năm 2018; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.
Với kế hoạch kinh doanh phấn đấu năm 2019, trong trường hợp được Ngân hàng Nhà nước xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo định kỳ hàng quý hoặc 6 tháng, VietBank sẽ phấn đấu tổng tài sản đến cuối năm 2019 đạt 65.600 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng đạt 44.000-51.000 tỷ đồng; huy động từ khách hàng đạt 57.500 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 540 tỷ đồng, tăng 139 tỷ đồng so với mức thực hiện của năm 2018; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Ngoài ra, VietBank còn có kế hoạch tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 nhằm giảm tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3%.
Cũng trong kế hoạch đưa ra cho cả năm 2019, VietBank sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh từ lệ thuộc vào hoạt động tín dụng sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ. Theo đó, đến năm 2020, tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng tối thiểu 10% tổng thu nhập của Ngân hàng, so với mức 3% như hiện tại.
Dự kiến đến năm 2020, thu nhập từ dịch vụ chiếm tỷ trọng tối thiểu 10% tổng thu nhập của VietBank
Kết thúc năm 2018, tổng tài sản của VietBank đạt 51.672 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2017. Tính đến ngày 31/12/2018, số dư tiền gửi khách hàng đạt 39.855 tỷ đồng, tăng 27% và đạt 94% kế hoạch năm; tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 35.495 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và hoàn thành kế hoạch đề ra từ đầu năm; cơ cấu cho vay cá nhân và tổ chức kinh tế chiếm tương ứng 46% và 54%. Lợi nhuận trước thuế thực hiện năm 2018 đạt 401 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2017 và vượt kế hoạch đề ra 101 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận trước thuế cao nhất từ trước đến nay của VietBank.
Từng bước tiến tới chuẩn Basel II
VietBank đề ra mục tiêu đến cuối năm 2020 tăng vốn điều lệ từ 3.249 tỷ đồng lên 5.249 tỷ đồng và đảm bảo mức vốn tự có theo tiêu chuẩn Basel II. Đồng thời, Ngân hàng sẽ niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán theo quy định của Chính phủ.
Đối với kế hoạch tăng vốn, ngày 14/4/2018, VietBank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 3.249 tỷ đồng lên 4.256 tỷ đồng trong năm 2018. VietBank cũng đã chào bán hơn 100,7 triệu cổ phiếu ra công chúng với tổng giá trị hơn 1.007 tỷ đồng. Đến ngày 14/12/2018, VietBank đã nhận đủ số tiền góp vốn cổ đông và người lao động là hơn 1.007 tỷ đồng.
Ngày 17/12/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản xác nhận kết quả chào bán, đồng thời giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán của Vietbank là hơn 855 tỷ đồng. Tính đến tháng 3/2019, vốn điều lệ của Ngân hàng tăng từ 3.249 tỷ đồng lên hơn 4.190 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc VietBank, Ngân hàng đặt kế hoạch giai đoạn 2018 - 2019 sẽ tăng vốn điều lệ thêm 500 tỷ đồng/năm. Sau đó, năm 2020 sẽ tiếp tục tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng.
Nếu theo đúng kế hoạch trên, đến năm 2020, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ đạt 5.300 tỷ đồng. Nhưng do điều kiện thị trường đang thuận lợi nên VietBank dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu nhanh hơn kế hoạch. VietBank đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt Đề án tái cấu trúc giai đoạn 2016 - 2020, sau khi triển khai thành công theo Đề án tái cấu trúc giai đoạn 1 (2011 - 2015), đáp ứng các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước như trở thành công ty đại chúng, không có tình trạng sở hữu chéo, tỷ lệ nợ xấu đưa về dưới ngưỡng quy định…
Theo Quyết định số 1058 của Ngân hàng Nhà nước, tất cả các ngân hàng đều phải xây dựng phương án tái cơ cấu hoạt động giai đoạn 2 (2016 - 2020). Theo dó, VietBank đã xây dựng đề án này. Cũng theo đề án, ngoài việc tăng vốn điều lệ nâng cao năng lực tài chính, VietBank còn đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản mỗi năm 30% để nâng tổng tài sản lên mức 100.000 tỷ đồng vào năm 2020.
Ngoài ra, VietBank nâng cao công tác quản trị rủi ro, chuẩn bị ngay từ bây giờ để đáp ứng Thông tư số 41/2016 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ năm 2020, phấn đấu đạt Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn.
VietBank hiện có mạng lưới rộng khắp với hơn 95 điểm giao dịch tại 11 tỉnh, thành phố trọng điểm trên toàn quốc, phục vụ hàng trăm ngàn khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Hệ thống mạng lưới giao dịch của VietBank đạt chuẩn ngân hàng hiện đại, cung cấp các dịch vụ, tiện ích ngân hàng đồng bộ, mang lại trải nghiệm giao dịch tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhiều phân khúc khách hàng, thị trường.
Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận cho VietBank thành lập thêm 5 chi nhánh và 13 phòng giao dịch trên cơ sở nâng cấp 13 quỹ tiết kiệm của Ngân hàng. Việc liên tục mở rộng và phát triển mạng lưới vừa góp phần gia tăng sự thuận tiện cho khách hàng, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, quyết tâm đưa thương hiệu VietBank đến gần hơn với đại chúng.
Năm 2018, VietBank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho mở mới 12 chi nhánh, phòng giao dịch tại TP. HCM, thực hiện các thủ tục khai trương hoạt động, đăng ký, đăng báo đối với chi nhánh và phòng giao dịch đã được chấp thuận nêu trên theo quy định tại Thông tư số 21/2013/TT-NHNN ngày 9/9/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.