Viết tiếp vụ Vinacam- Vigecam: Lỗi hẹn lên sàn... vì tranh chấp

(ĐTCK-online) Trong các số báo trước, ĐTCK đã phản ánh tranh chấp chuyển nhượng CP BMI giữa Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam) với CTCP Vật tư nông nghiệp (Vinacam). Trong khi vụ việc này chưa được giải quyết dứt điểm thì một vụ việc khác cũng liên quan đến chuyển nhượng cổ phần khiến Vinacam không đăng nhập được tài sản và không niêm yết cổ phiếu mà theo kế hoạch diễn ra vào năm 2009.
Định giá tài sản luôn là vấn đề phức tạp với các DN khi thực hiện IPO hay niê­m yết cổ phiếu.

CTCP Vinacam được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cấp Giấy chứng nhận đang ký kinh doanh (ngày 19/5/2005) với số vốn là 34 tỷ đồng, trong đó Vigecam góp 12,5 tỷ đồng bằng tài sản (chiếm 36,76%). Chi nhánh của Vigecam tại TP. HCM là đơn vị hoàn toàn độc lập với Vinacam. Tổng công ty Vigecam góp vốn trên cơ sở các tài sản đã được Bộ Tài chính thẩm định là tòa nhà 7 tầng hoàn thành năm 2004 tại 28 Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM, trị giá theo quyết toán hơn 3,99 tỷ đồng; khu kho Tiền Giang giá trị 3,757 tỷ đồng, vườn cao su tại Bình Dương 45,45 ha trị giá hơn 5 tỷ đồng…

TIN LIÊN QUAN

* Vinacam chậm lên sàn vì không đăng nhập được tài sản

* Tranh chấp CP Bảo Minh: Hai đương sự cùng kiến nghị lên giám đốc thẩm

* Tranh chấp mua - bán cổ phần BMI: Hai cấp tòa vẫn chưa dứt điểm

Sau 4 tháng kể từ ngày góp vốn thành lập Vinacam, do áp lực trả nợ ngân hàng, Vigecam đã có văn bản yêu cầu được bán toàn bộ số CP cho các cổ đông sáng lập của Vinacam. Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) Vinacam đã họp và nhất trí dùng nguồn vốn chủ sở hữu để mua lại số CP trên theo nguyên mệnh giá gốc làm CP quỹ. Mọi việc như vậy những tưởng đã êm xuôi, nhưng đến nay mặc dù đang sử dụng và khai thác các tài sản kể trên nhưng vì chưa chính danh nên Vinacam không thể thế chấp ngân hàng hoặc bán các tài sản đó.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 10/10/2009, CTCP Vinacam cho rằng tuy đã nhận đủ tiền nhưng Vigecam lại không thực hiện tiếp cam kết bán CP sở hữu tại Vinacam. Được biết việc bàn giao tài sản góp vốn thành lập Vinacam của Vigecam đã có hợp đồng. Tuy nhiên, hợp đồng ủy quyền công chứng vẫn chưa được thực hiện khiến Vinacam chưa thể làm thủ tục đứng tên chính thức các tài sản trên. Theo phản ánh của Vinacam, phía Vigecam và Bộ NN&PTNT luôn viện dẫn văn bản số 1372/BTC-TCDN của Bộ Tài chính "việc bán CP của Vigecam tại Vinacam là phải qua đấu giá" nhằm thoái thác nghĩa vụ thực hiện tiếp một số thủ tục để Vinacam đăng nhập tài sản theo luật định. Trên thực tế việc bán số CP kể trên có phải qua đấu giá hay không?

Trong Văn bản số 2390/TTCP-VP của Thanh tra Chính phủ gửi Bộ Tài chính thì theo Khoản 1, Điều 58 của Luật Doanh nghiệp năm 1999 quy định về CP phổ thông của cổ đông sáng lập: "trong ba năm đầu kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% số cổ phần phổ thông được quyền chào bán; cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập có thể chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông nếu được sự chấp thuận của ĐHCĐ". Như vậy, việc đấu giá chỉ có thể thực hiện khi các cổ đông còn lại của Vinacam không ai mua và chấp thuận để Vigecam  bán ra bên ngoài.

Trao đổi với ĐTCK ngày 18/11, ông Nguyễn Thế Dũng, Ủy viên HĐQT Vigecam cho biết, việc bán CP của Vigecam tại Vinacam cho cổ đông sáng lập là phù hợp các quy định. Bởi trong 3 năm đầu là cổ đông sáng lập, Vigecam không được bán CP ra ngoài nhưng bán cho cổ đông sáng lập khác cùng một công ty thì được phép. Việc góp vốn bằng tài sản cũng như chuyển nhượng CP đều có hợp đồng và Vinacam quản lý toàn bộ hồ sơ của các tài sản kể trên. Do đó, ông Dũng khẳng định thương vụ trên là suôn sẻ, không có khúc mắc gì. 

Người đại diện phần vốn nhà nước tại Vegecam khẳng định như vậy nhưng tiến độ thực hiện các thủ tục còn lại của quá trình chuyển nhượng CP tại Vigecam đến nay vẫn không có chuyển biến. Trước sự việc trên, cổ đông Vinacam đã liên tục làm đơn khiếu nại gửi Vigecam và Bộ NN&PTNT với nội dung đề nghị Bộ cho thanh tra việc góp vốn thành lập và bán CP của Vigecam tại Vinacam để kết luận sai đúng, hướng xử lý nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước và quyền của các cổ đông Vinacam (vì trong cùng thời điểm, ở hàng chục công ty khác cũng được Tổng công ty thành lập và bán CP theo cùng một phương thức như Vinacam), nhưng cho đến nay vẫn chưa có cuộc thanh tra nào được thực hiện.

Ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch HĐQT Vinacam cho biết, ngay cả  khi thực hiện góp vốn thành lập Vinacam, Vigecam đã phải thực hiện làm các thủ tục chứ chưa nói đến việc Vigecam bán toàn bộ số CP cho Vinacam. Về mặt pháp lý hiện không có vướng mắc gì nhưng phía Vigecam vẫn không có thiện chí làm các thủ tục tiếp theo. "Không đăng nhập được tài sản thì sẽ không minh bạch hóa thông tin và đương nhiên là không thể niêm yết CP. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông cũng như chủ trương khuyến khích các DN niêm yết để hoạt động minh bạch, công khai theo chủ trưởng của Nhà nước" , ông Hải nói.

Ngân Giang
Ngân Giang

Tin cùng chuyên mục