Viết tiếp giấc mơ hóa rồng

0:00 / 0:00
0:00
Đón Tết con rồng, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với biết bao rủi ro, thử thách. Nhưng như ngàn đời nay vẫn thế, chẳng khó khăn nào có thể cản bước tiến của dân tộc con Rồng, cháu Tiên. Khát vọng hóa rồng lại lần nữa được nhen lên, mạnh mẽ...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2024 tại Davos. Tại đây, ông đã chia sẻ về “chân trời mới” và “tầm nhìn toàn cầu” của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2024 tại Davos. Tại đây, ông đã chia sẻ về “chân trời mới” và “tầm nhìn toàn cầu” của Việt Nam.

1. Tết Giáp Thìn đang đến trong bộn bề lo lắng và toan tính cho một năm đầy thách thức. Kinh tế còn khó khăn lắm, khi ngoài kia thế giới xung đột vũ trang còn phức tạp và kéo dài, khi cạnh tranh chiến lược còn gay gắt, khiến kinh tế toàn cầu chao đảo, nguy cơ suy thoái vẫn cận kề…

Việt Nam, dù khó khăn bộn bề, nhưng sức sống dường như vẫn tràn trề nơi đây. Tăng trưởng kinh tế dù có suy giảm, nhưng 3 năm qua vẫn ở mức cao trong khu vực và toàn cầu. Kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát. Năm 2023, vẫn thu hút được hơn 36,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, là điểm đến được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và tin cậy. Thương mại hàng hóa đúng là có sụt giảm, nhưng con số tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 681 tỷ USD và xuất siêu hơn 28 tỷ USD là rất đáng ghi nhận. Kiều hối được chuyển về ở mức rất cao, hơn 16 tỷ USD. Giữa khó khăn, vẫn có hơn 200.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường, đưa tổng số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế lên 920.000 và sẽ sớm đạt con số 1 triệu trong năm nay.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng hồ hởi nói: “Kinh tế Việt Nam đã chiến thắng các cơn gió ngược để tự tin bước vào năm mới 2024, với dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức hơn thuận lợi”.

Không phải chỉ ta nói về ta, mà thế giới cũng đang nhìn Việt Nam với sự trân trọng và đánh giá cao hơn bao giờ hết. Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bà Okonjo-Iweala, mới đây đã nói tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sỹ) rằng, Việt Nam là một điểm đến điển hình, với sự phát triển năng động và những câu chuyện tuyệt vời. Quan trọng hơn, điều này khiến không chỉ một hay một vài quốc gia được hưởng lợi, mà là “cả thế giới được hưởng lợi”.

Có lẽ vì vậy mà năm qua, tấp nập các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới đã đến. Việt Nam đang trở thành tâm điểm của dòng đầu tư toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực có vai trò chiến lược đối với sự phát triển của kinh tế toàn cầu, như trí tuệ nhân tạo - AI, như bán dẫn, như hydrogen xanh…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lần đầu tiên tham dự WEF Davos đã hào hứng chia sẻ về “chân trời mới” và “tầm nhìn toàn cầu” của Việt Nam. Dường như, chưa bao giờ, vai trò và vị thế của Việt Nam được đặt ở tầm cao đến thế!

Đâu phải ngẫu nhiên mà năm 2023, cả Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đều đến thăm Việt Nam. Các quan hệ hợp tác với với Mỹ, với Trung Quốc, với Nhật Bản… đều đã được nâng cấp.

2. Cơ hội mới đang mở ra, chân trời mới đang mở ra. Nhưng có thể nào không, Việt Nam sẽ trở thành một con rồng, con hổ mới của châu Á?

Có thể là vô lý, khi trong khó khăn đến nhường này, lại nói đến chuyện hóa rồng, hóa hổ. Cộng đồng doanh nghiệp còn khó khăn lắm, nhiều doanh nghiệp vẫn phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Đời sống người dân cũng bị ảnh hưởng, khi thu nhập bị giảm sút, việc làm còn bấp bênh. Ở tầm vĩ mô, nói là tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong khu vực và toàn cầu, nhưng bình quân 3 năm qua, tăng trưởng vẫn đạt dưới mức mục tiêu bình quân chung của Kế hoạch 5 năm (6,5-7%), càng thấp hơn nữa nếu so với mục tiêu của Chiến lược 10 năm (7%). Tái cơ cấu nền kinh tế cũng chưa đạt kỳ vọng, mô hình tăng trưởng chưa thay đổi được bao nhiêu. Các điểm nghẽn, các yếu kém trong nội tại của nền kinh tế vẫn còn đó, sức chống chịu với những biến cố từ bên ngoài còn ở mức bấp bênh… Bối cảnh ấy, tình hình ấy, khiến không dễ đạt được khát vọng thịnh vượng vào các thời điểm có ý nghĩa lịch sử to lớn năm 2030 và năm 2045.

Việt Nam đang trở thành tâm điểm của dòng đầu tư toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực có vai trò chiến lược đối với sự phát triển của kinh tế toàn cầu, như trí tuệ nhân tạo - AI, như bán dẫn, như hydrogen xanh…

Nhưng dân tộc Việt Nam, như ngàn đời nay vẫn thế, càng trong khó khăn càng biết nỗ lực, vượt khó để vươn lên, vượt vũ môn mà hóa rồng. Bao nhiêu năm chiến tranh, gần 4 thập kỷ thực hiện công cuộc Đổi mới, điều đó đã trở thành chân lý.

Chuyện Việt Nam hóa rồng, hóa hổ cũng không phải là bây giờ mới được nói tới. Thế giới đã nhắc đến từ cả chục năm trước trong các nghiên cứu, đánh giá uy tín bậc nhất toàn cầu. Nhưng kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009, và đặc biệt là kể từ khi Covid-19 xảy ra, khiến kinh tế toàn cầu gặp khó và tác động nghiêm trọng tới Việt Nam, việc phải xoay trần đối phó với những tác động từ bên ngoài, cũng như giải quyết những thử thách, khó khăn từ bên trong, khiến giấc mơ hóa rồng, hóa hổ không còn được nhắc tới. Tuy nhiên giờ đây, khi cả thế giới đang nhìn vào Việt Nam như một ví dụ điển hình về thành công trong đổi mới và cải cách, chuyện hóa rồng, hóa hổ lại được vẽ như một hiện thực không mấy xa xôi.

Giáo sư Thayer, một nhà Việt Nam học hiện sống ở Australia còn cùng với đồng sự của mình viết riêng một cuốn sách với tựa đề “Việt Nam: Ngôi sao đang lên của châu Á”.

Việt Nam quả thật đang là trung tâm của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, một cái tên được đánh giá là sáng giá bên cạnh Trung Quốc. Thậm chí, một bài viết gần đây trên Tạp chí tài chính MoneyWeek của Anh còn cho rằng, những năm gần đây, với nền kinh tế năng động, năng lực sản xuất và sự cởi mở với thế giới, Việt Nam là một cái tên gợi nhớ đến hình ảnh của Trung Quốc đầu những năm 2000.

Việt Nam giờ đây đã trở thành một nhân tố quan trọng, được tính đến trong nhiều “cuộc chơi” kinh tế toàn cầu và được chú ý trong bản đồ cạnh tranh kinh tế thế giới. Chẳng phải tự nhiên mà Chủ tịch WEF Klaus Schwab có niềm tin mãnh liệt rằng, Việt Nam là một nền kinh tế đang cải cách mạnh mẽ, tập trung vào các ngành công nghệ cao, đang nỗ lực thúc đẩy phát triển xanh và sẽ sớm trở thành một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Việt Nam, để thành công trên con tàu 4.0 đã xác định khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là chìa khóa để tiến cùng và vượt lên. Đã sẵn sàng cùng thế giới để trở thành một phần không thể thiếu của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn. Đã cam kết và cùng hành động vì một hành tinh xanh, vì một thế giới không phát thải vào năm 2050. Đã quyết liệt để tiếp tục cải cách và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đã hiểu rằng giờ chính là “thời điểm vàng” để cải cách và giải quyết triệt để các vấn đề nội tại của nền kinh tế, cũng như mô hình tăng trưởng, để tìm ra và tận dụng cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, bên cạnh việc tiếp tục phát huy các động lực tăng trưởng cũ. Đã quyết tâm xây dựng một đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đủ mạnh, xứng tầm quốc tế. Đã hiểu rằng, giờ là thời điểm cần tiếp tục khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của doanh nghiệp cũng như tổng thể nền kinh tế…

Trong gian khó, niềm tin ấy, quyết tâm ấy sẽ giúp Việt Nam vượt khó rồi tăng tốc đi lên…

3. Năm rồng, trong tâm thức người Việt luôn là năm của sự đột phá, thăng hoa để có những thành quả tốt đẹp, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới, thành công mới. Đây cũng là năm, mà theo như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói, là tượng trưng cho sức mạnh và niềm tin mãnh liệt của người châu Á. Thế nên, bây giờ, chính là thời điểm để viết tiếp giấc mơ hóa rồng, thời điểm để nhen lên trong mỗi người dân Việt khát vọng hóa rồng, hóa hổ.

Nhưng con cá chép muốn hóa rồng thì phải biết vượt vũ môn, biết tích lũy đủ tiềm lực và sức mạnh. Giấc mơ và hoài bão dù là điều kiện cần, nhưng hành động mới là điều kiện đủ để Việt Nam thực sự trở thành con rồng mới ở châu Á. Giờ chính là thời điểm để hành động, để biến giấc mơ thành hiện thực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói, thế giới dù có chao đảo, Việt Nam vẫn kiên trì chính sách để trở thành điểm đến hàng đầu. Rằng Việt Nam luôn và sẽ tiếp tục dựa vào 3 trụ cột là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để phát triển, đi lên. Xuyên suốt quá trình này, Việt Nam không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; mà lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực của sự phát triển.

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, ASEAN trong 5-10 năm tới sẽ là một khối đoàn kết, thống nhất, là tâm điểm tăng trưởng của kinh tế thế giới, và là nơi mà không ai bị bỏ lại phía sau. Hẳn nhiên, ở đó, vai trò, vị thế của Việt Nam là quan trọng vô cùng.

Một Việt Nam có tầm nhìn như thế, và dù trong khó khăn vẫn bản lĩnh chọn cho mình sự đột phá để đi lên mạnh mẽ hơn, chẳng lo không thể hóa rồng, hóa hổ, dù con đường phía trước còn gập ghềnh biết bao nhiêu.

Tết đến, Xuân về, lại nhớ đến câu thơ của Phật hoàng Trần Nhân Tông: “Đất nước hai phen chồn ngựa đá/Non sông nghìn thuở vững âu vàng”.

Non sông đất Việt, ngàn đời nay vẫn thế, sẽ luôn “vững âu vàng”!.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục