Lý do nào thôi thúc bà viết cuốn “Vượt lên người khổng lồ” và bà cảm nhận như thế nào trước sự đón nhận của bạn đọc nước ngoài với tác phẩm?
Tôi nghĩ đơn giản là chia sẻ kinh nghiệm của mình với mọi người, có thêm đóng góp phản hồi cho THP và thêm đối tác cho THP. Nhưng điều tôi nhận được là rất nhiều câu chuyện thú vị của những cá nhân tôi có thể học hỏi, họ được truyền cảm hứng để viết sách và chia sẻ câu chuyện trong chuyên ngành của họ.
Đồng thời, tôi có cơ hội giới thiệu với bạn bè quốc tế về một Việt Nam mới. Giới thiệu những gì nổi bật và sự phát triển của Việt Nam trong những năm qua.
Chia sẻ sự đầu tư của THP để khẳng định môi trường kinh doanh của Việt Nam rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp như chúng tôi. Và quan trọng là tôi thấy giá trị gia đình là yếu tố được ghi nhận và quan tâm.
Chủ tịch kiêm CEO của Musashi Seimitsu, ông Hiroshi Otsuka đánh giá, cuốn sách là điểm sáng về một gia đình có thái độ sống “không gì là không thể” dẫn đến sự hình thành một doanh nghiệp thành công rực rỡ. Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ và hiện tại, còn trong tương lai, bà với vai trò là thế hệ lãnh đạo thứ hai tại Tập đoàn, đang ấp ủ mục tiêu hướng tới là gì?
Hiện tại chính là hiện thực hóa tương lai. Và tương lai xảy ra ở hiện tại. Chúng tôi đang tiếp nối con đường mang thương hiệu Việt ra thế giới. Chúng tôi được truyền sức mạnh bằng chính sự tự hào của thương hiệu Việt và không ngừng nỗ lực.
Một trong những nội dung ấn tượng là phần viết về chiến lược xây dựng văn hóa và cách tạo động lực cho nhân viên. Bà có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp chưa định hình được văn hóa quản trị con người?
Văn hóa tồn tại trong đời sống mỗi con người. Nếu doanh nghiệp không chủ động tạo ra văn hóa cho doanh nghiệp mình thì vẫn có một văn hóa tự tạo được hình thành trong doanh nghiệp. Nếu chưa có thì ít nhất doanh nghiệp có thể quan sát và tìm hiểu văn hóa tự hình thành đó, để từng bước xây dựng và hoàn thiện.
Ở THP, chúng tôi mong muốn dựa trên bộ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và tìm những người đồng tiêu chí sống và chia sẻ những giá trị cốt lõi để cùng tạo nên doanh nghiệp và xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Trong một nền kinh tế mở và ngày càng hội nhập như hiện nay, bà quan niệm như thế nào về những giá trị của việc hợp tác với đối tác ngoại? Rất nhiều doanh nghiệp muốn thu hút vốn ngoại, nhất là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, để gia tăng sức mạnh cạnh tranh, nhưng lại lo bị mất quyền kiểm soát, thưa bà?
Từ năm 2009, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị THP đã tuyên bố mở cửa cho đối tác chiến lược. Chúng tôi đánh giá cao cơ hội hợp tác của các doanh nghiệp có kinh nghiệm và có thế mạnh bổ trợ cho sự phát triển của THP.
"Viết sách, tôi có cơ hội giới thiệu với bạn bè quốc tế về một Việt Nam mới. Cuốn sách chia sẻ câu chuyện của THP là một cách để khẳng định sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh tại Việt Nam"
Doanh nhân Trần Uyên Phương
Tôi tin là luôn có những cơ hội và điều kiện phù hợp với mong muốn, nhưng cần phải biết rõ định hướng của doanh nghiệp để chọn đối tác phù hợp.
THP sẵn sàng chia sẻ lượng cổ phần lớn cho đối tác nếu họ có lộ trình và tuân thủ lộ trình để đưa THP vươn tầm châu lục và quốc tế. Giữa cổ phần lớn ở công ty nhỏ và cổ phần nhỏ ở công ty lớn, tôi sẽ chọn điều thứ 2, nếu tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi như nhau.
Tôi nghĩ, doanh nghiệp là người hiểu rõ nhất đâu là cơ hội, đâu là thảm họa nếu họ có thể phân tích, tính toán. Đơn vị tư vấn có thể giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn, nhưng không ai hiểu doanh nghiệp bằng chính bản thân mình để quyết định.
Tờ Sunday Business Post mới đây đã dẫn thông tin bà chia sẻ lời khuyên với các bạn đang học tại một số trường đại học nước ngoài: “Hãy mơ giấc mơ lớn nhất mà bạn có thể mơ đến và đừng bao giờ bỏ cuộc”. Với các bạn sinh viên Việt Nam cũng như các bạn mới bắt đầu khởi nghiệp, bà có điều gì chia sẻ?
Việt Nam là một dân tộc trẻ, năng động, nhiệt huyết mà tôi là một thành viên. “ Hãy phát triển năng lực của mình và nắm lấy cơ hội bất cứ khi nào có thể. Tương lai chính là bây giờ”, đó là câu tôi thường nhắc nhở bản thân và muốn chia sẻ với các bạn.