Tăng vốn gấp đôi
Đợt tăng vốn tới đây nếu thành công, thì vốn điều lệ của Việt Phát sẽ tăng lên gấp 2 lần so với mức vốn điều lệ hiện nay là 264,5 tỷ đồng. Công ty sẽ dùng tiền huy động nhằm bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại nguồn vốn, giảm tỷ lệ nợ vay trong cơ cấu nguồn vốn.
Hiện Việt Phát có vốn chủ sở hữu 347,2 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên tới 1.569 tỷ đồng, cao gấp hơn 4,5 lần vốn chủ sở hữu. Đặc biệt, nợ ngắn hạn lên tới 1.496,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu nợ.
Công ty cho biết, sẽ dùng 95 tỷ đồng trong số tiền thu về từ đợt tăng vốn để thanh toán nợ ngân hàng. Ngoài ra, 169,5 tỷ đồng sẽ được Công ty dùng để mua nguyên vật liệu hàng hóa.
Cái khó khi phát hành mùa dịch
Bối cảnh tài chính của Việt Phát cho thấy, quyết định tăng vốn hiện nay là khá cấp thiết. Tuy nhiên, việc Công ty quyết định tung cổ phiếu ra thị trường đúng thời điểm sức mua thị trường đang rất yếu do ảnh hưởng của mùa dịch rõ ràng là một thách thức không nhỏ cho thành công của đợt phát hành.
Từ đầu năm 2020 đến nay, chỉ số VN-Index trên sàn TP.HCM đã giảm tới 28%. Có thời điểm, VN-Index chỉ còn 659,21 điểm, giảm 33,5% so với đỉnh được thiết lập trong tháng 1/2020 (991,46 điểm). Thị trường giảm điểm do các nhà đầu tư lo ngại dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Đánh giá về những rủi ro của đợt phát hành, Việt Phát cho biết, với kết quả kinh doanh đạt được những năm qua, cùng với tiềm năng, triển vọng của Công ty thời gian tới, cổ phiếu VPG sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Hơn nữa, trong đợt chào bán này, cổ phiếu VPG chỉ có giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn so với giá thị trường của cổ phiếu VPG. Do đó, đợt chào bán này có khả năng thành công.
Trong trường hợp cổ phiếu không được mua hết, số tiền thu về không đáp ứng được mục đích bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại nguồn vốn, Công ty sẽ tìm các nguồn vốn khác để thay thế, bổ sung.
Kiểm toán nhấn mạnh về số liệu tài chính
Tại báo cáo tài chính năm 2019, kiểm toán viên Bùi Thị Thu Hương thuộc Công ty Kiểm toán Deloitte nêu ý kiến nhấn mạnh, tại thuyết minh số 38, Ban Tổng giám đốc đã quyết định điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính năm 2018 dẫn đến thay đổi một số số liệu so sánh của báo báo tài chính năm 2019.
Cụ thể, thuế xuất nhập khẩu phải nộp năm 2018 thay đổi theo quyết định của Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai. Đây là thuế phát sinh trong các năm 2017 và 2018, nên Ban Tổng giám đốc Công ty quyết định điều chỉnh hồi tố số liệu thuế xuất nhập khẩu tương ứng của năm 2018. Điều này dẫn đến việc giảm lợi nhuận sau thuế của năm 2018 từ 58,7 tỷ đồng xuống còn 41,5 tỷ đồng (giảm 17,2 tỷ đồng).
Tại báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019, Việt Phát sử dụng số liệu đã điều chỉnh của năm 2018. Trên cơ sở đó, lợi nhuận sau thuế năm 2019 là 55 tỷ đồng, tăng 32,5%. Song nếu căn cứ so sánh là lợi nhuận sau thuế chưa điều chỉnh, thì với lợi nhuận năm 2019 là 55 tỷ đồng, tăng trưởng lợi nhuận âm 6,3%.
Đặc biệt, khoản thuế tăng thêm, 17,2 tỷ đồng, nếu không được hồi tố vào chi phí năm 2018, mà đưa vào chi phí năm 2019, thì lợi nhuận sau thuế năm 2019 không còn là 55 tỷ đồng, mà chỉ còn 38 tỷ đồng, tăng trưởng âm 35,3% so với năm 2018.
Một số dự án Việt Phát đang tham gia:
Khu nhà ở thương mại tại quận Lê Chân, Hải Phòng có tổng mức đầu tư 325,9 tỷ đồng.
Dự án Bắc Sông Cấm với việc tham gia thi công san lấp, với diện tích 76,49 ha, tổng giá trị hợp đồng 219 tỷ đồng.
Nhà máy sản xuất khung thép tiền chế, gia công thép định hình, phân loại và kinh doanh quặng sắt có tổng mức đầu tư 276,8 tỷ đồng.