Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, thương mại song phương Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, dù thương mại toàn cầu đang có nhiều yếu tố không thuận lợi.
Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông và Việt Nam thuộc top 10 đối tác nhập khẩu lớn nhất của UAE trên thế giới. Số liệu của UAE, giai đoạn 2018-2022, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước được duy trì ổn định ở mức 5 tỷ USD/năm (chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Đông).
10 tháng năm 2023, thương mại song phương đạt hơn 4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD và nhập khẩu đạt 615 triệu USD.
UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á. |
Với kết quả này, cán cân thương mại đang nghiêng về Việt Nam xuất siêu gần 2,8 tỷ USD.
Về xuất khẩu, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường UAE tập trung chủ yếu vào nhóm hàng chế biến, chế tạo. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này thường chiếm tỷ trọng trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE.
Sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường UAE là điện thoại các loại và linh kiện với kim ngạch đạt trên 2,5 tỷ USD/năm, chiếm tỉ trọng 70-75% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang UAE, và chiếm khoảng 30-40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Tây Á.
Một số mặt hàng có kim ngạch trên 100 triệu USD/năm gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; hàng dệt may, giày dép.
Về nhập khẩu, các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ UAE không quá đa dạng, chủ yếu là các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp dầu mỏ như: chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng, sản phẩm khác từ dầu mỏ.
Năm 2022, thương mại 2 chiều Việt Nam - UAE đạt gần 4,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang UAE 3,84 tỷ USD, giảm gần 18% so với năm 2021 và nhập từ thị trường này 550 triệu USD.
Thương mại hàng hóa và đầu tư giữa Việt Nam - UAE sẽ được củng cố hơn khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam UAE được ký kết và đi vào thực thi.
Tháng 4 năm nay, Việt Nam-UAE chính thức khởi động đàm phán CEPA. Tháng 6/2023, hai bên thống nhất lời văn và thảo luận về các lĩnh vực của CEPA, bao gồm: thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, thương mại dịch vụ, thuận lợi hóa đầu tư, thương mại điện tử, hợp tác hải quan, phòng vệ thương mại, pháp lý – thể chế...
Sau đó, hai bên đã tổ chức phiên đàm phán trực tuyến về CEPA giữa Việt Nam và UAE và đạt được một số kết quả nhất định.
Để thúc đẩy tiến độ đàm phán CEPA, tháng 10/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký thư gửi Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE – ông Thani Ahmed AI Zeyoudi đề nghị tiếp tục chỉ đạo đoàn đàm phán UAE tích cực phối hợp với Việt Nam đàm phán CEPA hướng tới mục tiêu sớm kết thúc đàm phán.
FTA giữa Việt Nam và UAE được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các cơ hội hợp tác về đầu tư, thương mại, phát huy tối đa tiềm năng của quan hệ song phương. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, đang trở thành công xưởng sản xuất nhiều ngành hàng quan trọng của khu vực và thế giới, còn UAE có nhiều thế mạnh với vị trí cảng trung chuyển và trung tâm tài chính và logistics.
FTA này còn là nền tảng cho quan hệ đối tác hiện đại, năng động, tạo ra kỷ nguyên hợp tác mới, mang lại lợi ích chung và toàn diện, bao gồm thương mại hàng hóa và dịch vụ, thuận lợi hóa đầu tư, các lĩnh vực khác sẽ được thỏa thuận và hợp tác trong các vấn đề liên quan, nhằm phục vụ các mục tiêu kinh tế mà hai bên đặt ra là tăng đáng kể kim ngạch thương mại và đầu tư song phương.