Việt Nam xuất khẩu gần 30 triệu tấn xi măng và clinker

Năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 30 triệu tấn xi măng và clinker, thu về trên 1,15 tỷ USD, giảm hơn 4% về lượng và giảm gần 14% về kim ngạch so với năm 2023.
Xuất khẩu xi măng, clinker gặp khó do giá giảm mạnh, nhiều thị trường tăng áp dụng rào cản thương mại với xi măng Việt Nam.

Theo số liệu thống kê từ Báo cáo ngành Xi măng, năm 2024, ngành xi măng xuất khẩu gần 30 triệu tấn xi măng và clinker, thu về trên 1,15 tỷ USD, giảm hơn 4% về lượng và giảm gần 14% về kim ngạch so với năm 2023.

Riêng tháng 12/2024 xuất khẩu xi măng và clinker tăng 4% về lượng và tăng 3,9% kim ngạch so với tháng 11, đạt gần 2,27 triệu tấn, tương đương 86,04 triệu USD, giá trung bình 37,9 USD/tấn.Năm ngoái, xuất khẩu xi măng clinker sang thị trường lớn nhất là Philippines đạt hơn 8 triệu tấn, tương đương 319,09 triệu USD, giá trung bình 39,9 USD/tấn, giảm khoảng 0,6% về lượng, giảm khoảng 11% về kim ngạch và giảm 10,5% về giá so với năm 2023.

Thị trường này chiếm 27% trong tổng lượng và chiếm 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng và clinker của cả nước.

Xuất khẩu xi măng clinker xuất khẩu sang Bangladesh đạt 5,49 triệu tấn, trị giá hơn 175,13 triệu USD, nhưng giá trung bình chỉ 31,9 USD/tấn chiếm 18,5% trong tổng lượng và chiếm 15,4% trong tổng kim ngạch.Tiếp theo đó là thị trường Malaysia chiếm 5,7% trong tổng lượng và chiếm 5% trong tổng kim ngạch, đạt 1,68 triệu tấn, tương đương 57,19 triệu USD, giá 34 USD/tấn.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, xuất khẩu xi măng, clinker sang các thị trường chủ lực năm qua đều rất khó.

Đơn cử với thị trường Trung Quốc, 2 năm gần đây, Trung Quốc gần như không nhập khẩu xi măng và clinker, thậm chí nước này sau một thời gian cấm sản xuất xi măng để ngăn ô nhiễm môi trường, nay đã quay trở lại sản xuất bình thường.

Bangladesh thì nhập khẩu xi măng từ nguồn dư thừa của Pakistan, UAE; Philippines áp thuế chống bán phá giá với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam (thời gian áp dụng 5 năm từ 20/3/2023), cùng đó Philippines còn khởi xướng điều tra tự vệ với xi măng giai đoạn từ 2019 đến tháng 6/2024…

Nhưng kể cả có xuất khẩu được thì giá cũng xuống rất thấp. Thấy rõ nhất là giá xuất khẩu đi 2 thị trường chủ lực là Philippines và Bangladesh.

Giá xuất khẩu năm qua cũng xuống thấp. Theo số liệu do Vicem cung cấp, giá xuất khẩu xi măng theo điều kiện FOB sang Philippines cuối năm 2024 chỉ còn 40-40,5 USD/tấn, giảm 2-3 USD/tấn so với đầu năm và giảm 8-9 USD/tấn so với đầu năm 2023.

Giá xuất khẩu clinker sang Bangladesh cuối 2024 ở mức 28,5-29 USD/tấn, giảm 2,5 USD/tấn so với đầu năm và giảm 10-10,5 USD/tấn so với đầu năm 2023.

Năm 2025, xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam được dự báo tăng trưởng chậm có thể duy trì ở mức tương đương so với năm 2024. Thị trường xuất khẩu đang dần dịch chuyển sang các thị trường mới như Mỹ, khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi.

Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu tiếp tục đối mặt với các rào cản thương mại tại nhiều quốc gia, trong đó, Đài Loan điều tra chống bán phá giá với xi măng Việt Nam, Philippines ngoài áp thuế CBPG với xi măng Việt Nam, hiện đang điều tra tự vệ, cạnh tranh từ các quốc gia dư thừa xi măng như Indonesia, Thái Lan với lợi thế hơn hẳn Việt Nam về giá bán lẫn chi phí vận chuyển thấp….

Trong khi đó, nguồn cung xi măng trong nước năm 2025 vẫn trong tình trạng dư thừa lớn.

Ước tính, nguồn cung xi măng cho năm 2025 dự báo đạt khoảng 125 triệu tấn, nhưng nhu cầu trong nước chỉ khoảng 62,5-63,5 triệu tấn; cùng đó là giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn duy trì ở mức cao, dẫn đến các nhà sản xuất nội địa cạnh tranh gay gắt về giá bán để duy trì thị phần và gia tăng sản lượng tiêu thụ.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục