Nền kinh tế thế giới đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động. Trong bối cảnh chung đó, ông nhận xét gì về kinh tế vĩ mô của Việt Nam?
Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang có những tín hiệu tốt. Tăng trưởng tín dụng - yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế - dù chậm lại nhưng bền vững hơn và dự báo vẫn duy trì ở mức hai con số trong năm 2018.
Lạm phát có dấu hiệu quay trở lại, nhưng không quá lo ngại. Bởi, thông thường, lạm phát sẽ quay lại khi có tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoài kiểm soát, nhưng thời điểm này không có nguy cơ đó. Ngoài ra, Việt Nam đang có tài khoản vãng lai dương nên không đáng lo ngại về lạm phát.
Về tỷ giá, VND đang chịu sức ép mất giá theo Nhân dân tệ (CNY) – vốn đang chịu sức ép rất lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Trong trường hợp chiến tranh thương mại leo thang, các đồng tiền trong khu vực ASEAN có thể mất giá khoảng 3 - 4%, nhưng với Việt Nam thì lạc quan hơn nhờ thặng dư tài khoản vãng lai sẽ góp phần củng cố tỷ giá.
Mỹ dự định sẽ áp thuế 25%, thay vì 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 6/9 tới. Trước đó, Mỹ đã áp mức thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc và từ 23/8, tiếp tục áp thuế 25% lên thêm 16 tỷ USD hàng hóa nữa. Điều này sẽ tác động như thế nào đối với các nền kinh tế khu vực ASEAN, theo ông?
Cả thế giới đang hồi hộp theo dõi quyết định cuối cùng của Chính phủ Mỹ vào ngày 30/8. Nếu Mỹ áp thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc thì đây là đòn rất mạnh đánh trực tiếp vào các hàng hóa thành phẩm từ Trung Quốc, trong khi đợt tăng thuế nhập khẩu trước đó (tổng cộng 50 tỷ USD) phần lớn đánh vào nguyên vật liệu sản xuất từ thị trường này.
Điều này không chỉ tác động lớn tới thị trường Trung Quốc, mà ảnh hưởng tới các nền kinh tế, thị trường tài chính trên thế giới, trong đó có ASEAN.
Ngoài ra, mức thuế 25% đối với mặt hàng ô tô và phụ tùng nhập khẩu có thể sẽ được áp dụng trong thời gian tới (dự báo nửa cuối năm 2019) sẽ có tác động không chỉ với các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc, mà với bất cứ nhà sản xuất ô tô nào vào thị trường Mỹ.
Ông Chua Hak Bin, Kinh tế gia trưởng của Tập đoàn Maybank Kim Eng .
Trước mắt, nhiều khả năng CNY sẽ tiếp tục bị mất giá, tạo áp lực lên đồng tiền các nước Đông Nam Á. Từ đầu năm đến nay, CNY mất giá 8% kể từ lần đạt đỉnh gần nhất và đồng tiền các nước Đông Nam Á cũng đang yếu đi do lo ngại về chiến tranh thương mại.
Khi các tập đoàn lớn đối diện với luồng thuế mới, họ hoàn toàn có thể thay đổi nhà cung cấp từ nước này sang nước khác để tránh ảnh hưởng bởi thuế suất.
Nhưng điều lo ngại nhất là chi phí tăng lên và đặc biệt, sự bất ổn chính trị, thương mại sẽ dẫn đến việc tạm dừng hoặc tạm hoãn đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia. Chính điều này làm ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, cũng như các nước liên quan.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng dẫn tới sự dịch chuyển thương mại sang khối ASEAN.
Chẳng hạn, điện thoại Iphone sản xuất linh kiện tại nhiều nước khác nhau, khi Mỹ áp thuế với Trung Quốc thì ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi giá trị, trong đó có Nhật Bản là nơi sản xuất màn hình, Hàn Quốc sản xuất một số linh kiện khác.
Nhiều nước có thể thừa hưởng sự dịch chuyển về nhà cung cấp. Mặt khác, các tập đoàn lớn, đa quốc gia cũng đã xây dựng chiến lược “Trung Quốc +1”, nghĩa là, khi đầu tư vào Trung Quốc sẽ mở rộng và phân tán một số chuỗi trong toàn bộ dây chuyền sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc để tránh rủi ro. Và Việt Nam đang đứng đầu trong vị trí thay thế, nhờ vị trí địa lý, nguồn nhân công giá rẻ.
Nhưng, rào cản vào Mỹ tăng lên cũng đồng nghĩa với hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn sang các thị trường khác mạnh hơn, trong đó có thị trường Việt Nam?
Chắc chắn, lượng hàng hóa khổng lồ từ Trung Quốc sẽ tràn sang các thị trường khác, gần nhất là Việt Nam, không những thế còn có thể đánh bật hàng Việt Nam ra khỏi các thị trường lớn khác như EU.
Vũ khí hiệu quả nhất để đối phó với tình trạng này vẫn là tỷ giá. Việt Nam cần phải chuẩn bị tinh thần để sử dụng biên an toàn trong tỷ giá để đối phó.
Vậy mức độ an toàn của tỷ giá là bao nhiêu, theo ông?
Tôi cho rằng, Việt Nam không nên quá cứng nhắc trong quản lý tỷ giá ngoại tệ. Thời gian qua, VND biến động rất nhỏ so với các đồng tiền khác. Việc điều chỉnh tỷ giá 1% vừa qua có thể là không đủ.
Nếu mong muốn thị trường Việt Nam được định giá như các thị trường khác thì chuyện linh hoạt trong quản lý ngoại hối cũng phải tương tự các nước khác.
Một kinh nghiệm được rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1997 - 1998, đó là, một số nước đứng đầu cố định đồng nội tệ theo đồng USD, ngoài vấn đề mất cân bằng thương mại, tỷ giá, thì có nhiều thế lực đầu cơ và chủ động tấn công đồng nội tệ.
Việt Nam cần làm gì để có thể giảm thiểu những tác động từ chiến tranh thương mại, thưa ông?
Biện pháp phòng thủ không thể thiếu trong bối cảnh chiến tranh thương mại chính là đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ nhiều nước, dẫn đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapo, Malaysia và ghi nhận sự tăng vọt trong năm 2017 sau hai năm trì trệ.
Chính phủ cần kiểm soát mức trần về nợ công, khắc phục thâm hụt tài khóa - là vấn đề cố hữu của Việt Nam. (Năm 2016, nợ công Việt Nam tăng, đạt 64% GDP, gần mức trần 65%. Nợ nước ngoài của Việt Nam cao hơn hầu hết các nước ASEAN, ngoại trừ Malaysia).
Hiện thị trường Việt Nam thiếu hẳn những trụ cột của thị trường tài chính, có thể giúp giảm nợ nước ngoài và tăng sức chống đỡ trước những cơn sốc từ bên ngoài.
Thị trường trái phiếu Việt Nam hiện có quy mô tương đương 23% GDP, nhưng chủ yếu là trái phiếu chính phủ, còn trái phiếu doanh nghiệp gần như bằng 0. Kỳ vọng, trong trung hạn, Việt Nam sẽ thúc đẩy quy mô thị trường trái phiếu thêm 10 - 20%, trong đó cân bằng giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.
Gần đây, nhiều người có đề cập đến chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm. Theo ông, điều này liệu có tái diễn với Việt Nam, tức xảy ra trong năm 2019?
Việc lặp lại khủng hoảng kinh tế 10 năm, nếu có, chỉ là sự ngẫu nhiên. Tôi sử dụng phương pháp biện chứng, dựa trên lạm phát và lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ (thường dùng kỳ hạn 10 năm) cho thấy phần lớn khủng hoảng diễn ra khi lợi tức trái phiếu chính phủ lên tới 10 - 15%/năm. Điều này hiện chưa diễn ra.
Hiện tại, lãi suất trái phiếu Mỹ đang tăng và năm sau có thể sẽ thấy rõ việc tăng này sẽ gây hiệu ứng domino làm chi phí tài chính ở các thị trường khác tăng theo. Chúng ta cũng cần chuẩn bị tinh thần cho việc này.
Tuy nhiên, tôi tin rằng Việt Nam sẽ không nằm trong ‘tâm chấn” của cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo. Có những dấu hiệu dễ nhận biết khủng hoảng là lạm phát cao, tăng trưởng tín dụng ngoài kiểm soát và tài khoản vãng lai âm.
Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu tốt, nền công nghiệp du lịch tốt, tài khoản vãng lai, cán cân thương mại dương. Việt Nam đang có vị thế không tệ.
Lãi suất liên ngân hàng thời gian qua đang tăng, điều này liệu có gây nên rủi ro nào đối với thị trường chứng khoán Việt Nam hay không?
Tại Indonesia và Philippines, khi tăng lãi suất từ 1 - 1,25%/năm đã có ảnh hưởng nhiều tới thị trường chứng khoán.
Nhưng ở Việt Nam, điều quan trọng là hệ số đòn bẩy trên thị trường chứng khoán không nhiều, các công ty chứng khoán vừa qua đã chủ động giảm margin và bản thân các nhà đầu tư cũng không muốn mạo hiểm ở thời điểm hiện tại.
Do vậy, tôi cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa ảnh hưởng nhiều.