Việt Nam vẫn là “miền đất hứa” của doanh nghiệp bảo hiểm

(ĐTCK) Bất chấp những thách thức ngắn hạn, tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ngành bảo hiểm Việt Nam vẫn được đánh giá cao, bởi tỷ lệ thâm nhập ngành thấp, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và khoảng cách đáng kể về bảo hiểm sức khỏe.
Tỷ lệ người dân Việt Nam tham gia bảo hiểm vẫn còn rất thấp

Nhiều thay đổi lớn

Tại Hội nghị Định phí bảo hiểm Việt Nam 2024 (Vietnam Actuarial Conference 2024 - VAC 2024) tổ chức mới đây, ông Huỳnh Thanh Phong, Tổng giám đốc Tập đoàn FWD khẳng định, Đông Nam Á vẫn là một nơi tuyệt vời để xây dựng các công ty bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là Việt Nam - nơi ngành bảo hiểm đang có một tương lai thú vị ở phía trước.

Tổng giám đốc Tập đoàn FWD cũng nhấn mạnh đến những nỗ lực ứng dụng công nghệ mà các công ty bảo hiểm đã và đang thực hiện nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và thích nghi với bối cảnh thị trường đang thay đổi. Đồng thời, ông cũng chỉ ra vai trò then chốt của các chuyên gia định phí trong việc phát triển, thiết kế sản phẩm, quản lý rủi ro và đảm bảo vận hành hiệu quả trong các doanh nghiệp bảo hiểm.

VAC 2024 diễn ra trong bối cảnh ngành bảo hiểm Việt Nam đang đứng trước nhiều thay đổi lớn, từ những điều chỉnh về luật định, thay đổi về tài chính, đến bài toán niềm tin của người tiêu dùng. Với chủ đề “Một A/E khác - Khả năng thích ứng x Chuyên môn”, sự kiện nhấn mạnh vai trò của việc kết hợp chuyên môn định phí, tính toán bảo hiểm với khả năng thích ứng nhanh trước những biến động của thị trường và các cải tiến công nghệ.

Theo các chuyên gia, A/E (Actual/ Expected - chỉ số thực tế/kỳ vọng) không chỉ là thước đo hiệu quả tài chính, mà còn phản ánh khả năng thích nghi của doanh nghiệp trước những thay đổi nhanh chóng về nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng.

Đông Nam Á vẫn là nơi tuyệt vời để xây dựng các công ty bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là Việt Nam - nơi ngành bảo hiểm đang có một tương lai thú vị ở phía trước

Ông Huỳnh Thanh Phong, Tổng giám đốc Tập đoàn FWD

Tại Hội nghị Actuary Việt Nam các năm trước đó, nhiều ý kiến đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác cơ sở dữ liệu cũng như xu hướng của sản phẩm bảo hiểm trong tương lai, để có thể chăm sóc và bảo vệ khách hàng toàn diện hơn. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có nhiều thay đổi, ngành bảo hiểm nhân thọ cần có những điều chỉnh phù hợp để đáp ứng linh hoạt nhu cầu thay đổi của khách hàng.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực bảo hiểm vẫn tiếp tục là chủ đề được quan tâm. Đại diện từ Tập đoàn FWD đã chia sẻ cách AI được sử dụng để hỗ trợ và cải thiện quy trình toàn diện, bao gồm quy trình định phí, quy trình phát triển sản phẩm, quy trình tư vấn và chăm sóc khách hàng, quy trình bồi thường, quy trình kiểm tra sai phạm cũng như quy trình đào tạo và huấn luyện đội ngũ. Tất cả những hoạt động kể trên nhằm mục đích không ngừng nâng cao hiệu quả vận hành và mang lại trải nghiệm tối ưu cho khách hàng.

Với chiến lược dẫn đầu về công nghệ, FWD tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong của mình về công nghệ tại khu vực châu Á. Tại Việt Nam, FWD đã trở thành doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ loại bỏ hoàn toàn giấy tờ và tiền mặt trong giao dịch, phát hành 100% hợp đồng bảo hiểm điện tử và số hóa mọi quy trình. Ngoài FWD, trên thị trường cũng có một số công ty như Generali, Manulife… thực hiện các quy trình không giấy tờ.

Tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, việc số hóa toàn bộ quy trình là mong muốn của tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và việc cải tổ này có thể nằm trong tầm tay các doanh nghiệp. Tuy vậy, trên thực tế, không phải khách hàng nào cũng đồng ý, nhiều khách hàng ở thành phố vẫn yêu cầu phải cấp hợp đồng giấy nên một số công ty vẫn phải áp dụng quy trình song song…

Cần cách tiếp cận bền vững hơn

Sau cuộc khủng hoảng truyền thông lớn nhất trong lịch sử ngành bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành đã có được bài học kinh nghiệm sâu sắc và nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ, thay đổi để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm chất lượng hơn. Tập trung vào nhu cầu của khách hàng thì niềm tin và sự ủng hộ của khách hàng sẽ trở lại, thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định hơn.

Tuy vậy, để thị trường tiếp tục phát triển lành mạnh, minh bạch và chuyên nghiệp hơn, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; bảo đảm việc quản lý đại lý được thực hiện chặt chẽ, ngăn ngừa, phát hiện sớm các hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm, cá nhân thuộc đại lý bảo hiểm…

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng truyền thông bảo hiểm đã cho thấy một “lỗ hổng” lớn của ngành bảo hiểm nhân thọ, đó là mải mê chạy theo doanh số, mà “bỏ quên” việc nâng cao chất lượng của đội ngũ tư vấn viên/đại lý cũng như truyền thông, nâng cao nhận thức cho công chúng về bảo hiểm. Đối với ngành bảo hiểm còn non trẻ như ở Việt Nam, bên cạnh việc phát triển kinh doanh, các doanh nghiệp bảo hiểm cần đầu tư nhiều hơn nữa cho các chương trình truyền thông nhận thức (theo cách nói ở các thị trường phát triển là “giáo dục kiến thức/nhận thức”) về các giá trị của bảo hiểm nhân thọ trên diện rộng và cho các đối tượng, từ người dân (khách hàng) tới đội ngũ tư vấn bảo hiểm.

Chính vì thế, ngành bảo hiểm nói chung cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng cần hướng đến xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam có kiến thức tài chính vững chắc, có khả năng ra quyết định, dựa trên thông tin được cung cấp để mang lại lợi ích không chỉ cho cá nhân, mà cho toàn xã hội.

Số liệu từ các cơ quan chức năng cho thấy, ở các nước phát triển, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ tới 80 - 90% dân số. Trong khi đó, tại Việt Nam, đến cuối năm 2023, chỉ có hơn 12 triệu hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, xấp xỉ 10 triệu người tham gia, tương đương chưa đầy 10% - một tỷ lệ còn rất thấp.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của tổ chức tái bảo hiểm Peak Re, có ba yếu tố chính tác động đến quyết định tham gia bảo hiểm là khả năng tiếp cận, khả năng chi trả và khả năng nhận thức. Tại các thị trường mới nổi, người dân cho biết, họ còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các giải pháp bảo hiểm; đồng thời, chi phí tham gia bảo hiểm cũng được cho là nằm ngoài tầm với của số đông. Ngoài ra, nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích của các giải pháp bảo vệ rủi ro và an toàn tài chính trong những thời điểm khó khăn cũng là một nguyên nhân khiến tỷ lệ thiếu hụt bảo vệ ở khu vực này duy trì ở mức cao.

Như vậy, để khai thác tiềm năng, dư địa lớn của thị trường bảo hiểm, các doanh nghiệp cần chiến lược tiếp cận khách hàng dài hơi hơn, trong đó có việc nâng cao nhận thức cho công chúng - đối tượng khách hàng tiềm năng - về bảo hiểm.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục