Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư FDI nổi bật trong ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc cấp cao Khối Khách Hàng Doanh Nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam đang phù hợp với các nền kinh tế kỹ thuật số, kinh tế xanh.
Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư FDI nổi bật trong ASEAN

Dưới góc nhìn của một người am hiểu về xu hướng tại thị trường Đông Nam Á, ông đánh giá thế nào về vị trí, vai trò của kinh tế Việt Nam trong ASEAN?

Nền kinh tế Việt Nam giữ vị trí then chốt trong khu vực ASEAN. Tăng trưởng bình quân 6%/năm trong 20 năm qua, GDP của Việt Nam đã đạt 10,2 nghìn tỷ đồng (tương đương 430 tỷ USD) vào năm 2023, tiệm cận các nước lớn còn lại trong ASEAN như Thái Lan, Singapore, Philippines và Malaysia.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam không có gì đáng ngạc nhiên khi quốc gia này có những lợi thế chính so với phần còn lại của ASEAN.

Cụ thể, Việt Nam nằm gần Trung Quốc và có đường bờ biển dài với hơn 290 cảng biển. Dân số hơn 100 triệu dân, đa số đang trong độ tuổi lao động chính. Tầng lớp thu nhập trung bình đang gia tăng nhanh chóng cũng đang tạo ra nhu cầu/tiêu dùng nội địa mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, tình hình chính trị ổn định với chính sách thân thiện đối với đầu tư và thương mại nước ngoài. UOB nhận thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong mạng lưới chuỗi cung ứng của châu Á và chúng tôi mong muốn tận dụng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam để khai thác các cơ hội rộng lớn về kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng tại đây.

Việc UOB bơm thêm 3.000 tỷ đồng vào ngân hàng con tại Việt Nam vào cuối năm 2023 là minh chứng cho cam kết của chúng tôi đối với tương lai của Việt Nam.

Mặc dù 2023 là một năm đầy thách thức nhưng khi nhìn vào FDI, Việt Nam có dòng vốn FDI giải ngân kỷ lục ở mức 23,2 tỷ USD vào năm 2023 từ mức 22,4 tỷ USD vào năm 2022, theo ông lý do là gì và đánh giá thế nào về môi trường đầu tư ở Việt Nam?

Dòng vốn FDI kỷ lục trong bối cảnh những thách thức toàn cầu nhấn mạnh khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tư và đối tác thương mại. Một số yếu tố góp phần vào xu hướng tích cực này, phản ánh môi trường đầu tư thuận lợi.

Dịch chuyển chuỗi cung ứng: Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do Covid gây ra và căng thẳng địa chính trị đã khiến các công ty đa dạng hóa cơ sở sản xuất khỏi cường quốc sản xuất truyền thống như Trung Quốc. 50% số người được hỏi trong khảo sát của EuroCharm bày tỏ ý định tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Điều kiện chính trị ổn định, lực lượng lao động lành nghề và chi phí lao động cạnh tranh khiến Việt Nam trở thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn.

Chính sách và cải cách của Chính phủ: Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm đơn giản hóa các quy định kinh doanh và cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy một môi trường thân thiện với nhà đầu tư. Đáng chú ý, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) dành cho các dự án sản xuất lớn (10% trong 15 năm) cũng góp phần tạo nên sự hấp dẫn.

Cơ hội ngành: Sự tập trung vào sản xuất công nghệ cao và đa dạng hóa xuất khẩu đã thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2023, xuất khẩu điện tử đạt 57,3 tỷ USD (theo GSO, 2024), cho thấy sức mạnh của ngành. Ngành dệt may phát triển mạnh và lĩnh vực máy móc đang phát triển làm nổi bật sức hấp dẫn của Việt Nam trong các lĩnh vực sinh lợi.

Phát triển cơ sở hạ tầng: Đầu tư đáng kể của Chính phủ vào năm 2023, giúp hoàn thành các dự án lớn, bao gồm 475 km đường cao tốc mới, tăng cường kết nối và giải quyết các điểm nghẽn trong kinh doanh.

Khả năng phục hồi kinh tế: Triển vọng kinh tế tích cực của Việt Nam bất chấp suy thoái toàn cầu vào năm 2023 là một dấu hiệu rõ ràng về khả năng phục hồi của đất nước. Các biện pháp hỗ trợ chính sách và sự phục hồi của hoạt động thương mại bên ngoài sẽ góp phần hơn nữa giúp đất nước vượt qua các thách thức (Theo Báo cáo triển vọng toàn cầu của UOB trong quý 2 năm 2024).

Được biết, UOB đã thành lập trung tâm tư vấn FDI chuyên biệt tại Việt Nam từ năm 2013. Ông có thể chia sẻ về mô hình hoạt động và những thành tựu mà trung tâm đã đạt được sau 10 năm hoạt động?

Sáng kiến về Trung tâm Tư vấn FDI chuyên biệt của UOB được triển khai vào năm 2011 ở cấp tập đoàn, sau đó đã mở rộng sang Việt Nam vào năm 2013, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nắm bắt các cơ hội đầu tư trong khu vực. Trung tâm hoạt động như một nền tảng toàn diện hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt chung về các thị trường nước ngoài cũng như bối cảnh pháp lý đồng thời cung cấp những hiểu biết quan trọng mang tính địa phương. Với 10 trung tâm tư vấn FDI trên khắp châu Á, UOB tận dụng mạng lưới khu vực rộng khắp và kiến thức sâu rộng về địa phương để cung cấp các giải pháp kinh doanh tích hợp.

Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư nổi bật trong ASEAN, đứng thứ ba về dòng vốn FDI sau Singapore và Indonesia. Phối hợp với các cơ quan xúc tiến FDI tại Việt Nam, Trung tâm Tư vấn FDI của UOB tại Việt Nam đã tạo điều kiện cho hơn 300 công ty đầu tư vào Việt Nam, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Trong thời gian đó, ông đánh giá thế nào về chất lượng và số lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam? Danh sách ngành thu hút FDI nhiều nhất thay đổi như thế nào, thưa ông?

Kể từ khi thành lập, Trung tâm Tư vấn FDI của chúng tôi đã chứng kiến sự chuyển dịch đáng chú ý về cơ cấu đầu tư tại Việt Nam, chuyển đổi từ các ngành sử dụng nhiều lao động sang các lĩnh vực công nghệ, truyền thông và dịch vụ. Điều này phản ánh bối cảnh đang phát triển của nền kinh tế Việt Nam, tập trung vào sản xuất chip công nghệ cao, thị trường kỹ thuật số và du lịch.

Vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam

Vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam

Ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài đáng kể nhất, trong đó Việt Nam đóng vai trò là cơ sở sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao. Nhìn về tương lai, Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành trung tâm hàng đầu cho các ngành công nghiệp công nghệ cao và giá trị cao, được thúc đẩy bởi sự chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kỹ thuật số và áp lực biến đổi khí hậu toàn cầu.

Khi ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, Việt Nam sẵn sàng thu hút dòng vốn chất lượng, phù hợp với mục tiêu phát triển của mình, củng cố vị thế là một quốc gia chủ chốt trong nền kinh tế toàn cầu.

UOB đã ký nhiều Biên bản ghi nhớ với các bộ, ngành của Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về chính sách thu hút FDI của Chính phủ Việt Nam?

UOB đã ký Biên bản ghi nhớ đầu tiên với Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam vào tháng 4 năm 2015. Kể từ đó đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ hơn 300 công ty đầu tư vào Việt Nam, đóng góp một khoản đầu tư ước tính 6,6 tỷ USD và tạo điều kiện để tạo ra hơn 57.800 việc làm tại Việt Nam. Trong cùng thời gian, chúng tôi đã cung cấp dịch vụ ngân hàng cho hơn 1.800 công ty có vốn sở hữu nước ngoài tại Việt Nam.

Các chính sách thu hút FDI của Chính phủ Việt Nam đã góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi và phát triển quan hệ đối tác với các tổ chức tài chính như UOB. Dưới đây là đánh giá về các chính sách này.

Môi trường pháp lý năng động: Cam kết của Việt Nam về cải cách pháp lý được thể hiện rõ qua quỹ đạo đi lên trong bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh. Báo cáo Môi trường Kinh doanh năm 2023 của Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam ở vị trí thứ 70, phản ánh tiến bộ trong việc tinh giản các quy định về kinh doanh.

Cơ quan xúc tiến đầu tư hiệu quả: Các cơ quan xúc tiến đầu tư, đặc biệt là Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), đã đóng vai trò nòng cốt trong việc thu hút FDI. Tính đến ngày 20/12/2023, FDI vào Việt Nam đạt 36,61 tỷ USD, với mức giải ngân đạt kỷ lục 23,18 tỷ USD vào năm 2023, đánh dấu mức tăng 32,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này nhấn mạnh tính hiệu quả của các cơ quan này trong việc chuyển sự quan tâm của nhà đầu tư thành các khoản đầu tư đáng kể.

Tầm nhìn dài hạn: Các mục tiêu kinh tế đầy tham vọng của chính phủ, bao gồm GDP bình quân đầu người khoảng 5.000 USD vào năm 2025, thể hiện tầm nhìn dài hạn. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 7,1% trong hai năm tới, thể hiện cam kết bền vững của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế mạnh mẽ.

Kinh tế số và kinh tế xanh là xu hướng của thế giới. Dòng vốn FDI vào Việt Nam đã bắt kịp xu hướng này, thưa ông?

Dòng vốn FDI vào Việt Nam đang phù hợp với xu hướng toàn cầu, đặc biệt là trong các nền kinh tế kỹ thuật số và kinh tế xanh. Sự thay đổi chiến lược của Chính phủ Việt Nam là mình chứng rõ ràng: các chính sách thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch đã tăng 40% kể từ năm 2020 và các báo cáo cho thấy lượng vốn FDI hướng vào các dự án năng lượng tái tạo đã tăng đáng kể. Các công ty công nghệ lớn thiết lập sự hiện diện tại Việt Nam càng thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với nền kinh tế kỹ thuật số.

Mặc dù có tiến bộ đáng kể, nhưng tỷ lệ FDI hiện tại trong lĩnh vực kỹ thuật số và lĩnh vực xanh có thể không phản ánh đầy đủ tầm quan trọng toàn cầu của chúng. Để tăng cường điều này, việc đơn giản hóa các quy định và thiết lập khung pháp lý minh bạch sẽ khuyến khích đầu tư hơn nữa vào các lĩnh vực mang tính chuyển đổi này.

Chiến lược của UOB đang đi theo xu hướng toàn cầu về tính bền vững, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và loại bỏ than nhiệt vào năm 2040. Việc ngân hàng tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, sản xuất xe điện, phát triển cơ sở hạ tầng xanh và tài trợ thương mại bền vững thể hiện cách tiếp cận chủ động để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Với việc sắp ra mắt các chương trình xanh sắp tới tại Việt Nam, UOB sẵn sàng đóng góp đáng kể vào hành trình phát triển bền vững của đất nước, phù hợp với chương trình ESG của chính phủ và thúc đẩy các sáng kiến tài chính xanh.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục