Việt Nam và Pháp hợp tác để cùng nhau trở nên mạnh mẽ hơn

0:00 / 0:00
0:00
Pháp và Việt Nam chia sẻ nhiều nguyên tắc và giá trị, sẽ cùng nhau trở nên mạnh mẽ hơn để đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn phía trước.
Ông Nicolas Warnery, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Ông Nicolas Warnery, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam

Đẩy mạnh hợp tác thương mại

Năm 2023, Cộng hòa Pháp và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Đây là cơ hội tốt để nhìn lại và đánh giá những gì hai nước đã đạt được trong lĩnh vực thương mại và đầu tư trong những thập kỷ qua, đồng thời thảo luận các biện pháp nhằm phát triển hơn nữa hợp tác kinh tế.

Pháp là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên hỗ trợ quá trình cải cách và mở cửa của Việt Nam vào những năm 1980. Pháp cũng nằm trong số các nhà cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức của Việt Nam. Thương mại song phương giữa hai nước đã liên tục tăng trưởng, đạt gần 7 tỷ euro (7,45 tỷ USD) vào năm 2021 và có thể lên tới 8 tỷ euro (8,5 tỷ USD) vào năm 2022. Nhiều sản phẩm bán ở Pháp được gia công tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thương mại song phương giữa Việt Nam và Pháp vẫn còn khá mất cân bằng. Năm 2021, thâm hụt thương mại của Pháp với Việt Nam ổn định ở mức 4,3 tỷ euro (4,57 tỷ USD), nhưng có thể tăng lên hơn 5 tỷ euro (5,32 tỷ USD) vào năm 2022. Xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam đã đạt 1,2 tỷ euro (1,27 tỷ USD) vào năm 2021 và ổn định vào năm 2022. Ngược lại, hàng nhập khẩu của Pháp từ Việt Nam rất năng động: đạt 5,5 tỷ euro (5,85 tỷ USD) vào năm 2021 và có thể lên tới 7 tỷ euro (7,45 tỷ USD) vào năm 2022.

Nhìn về tương lai, tôi tin rằng, nhiều biện pháp có thể được thực hiện nhằm tăng cường và tái cân bằng thương mại của chúng ta. Có thể thấy, người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu thực sự đối với các sản phẩm của Pháp và ngược lại.

Pháp là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Việc thực thi EVFTA giúp hai nền kinh tế của chúng ta hội nhập sâu hơn. Để phù hợp với các cam kết của Việt Nam đối với EVFTA, việc tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp và dược phẩm của châu Âu và Pháp, vốn rất phổ biến ở Việt Nam, cần được nới lỏng và sắp xếp hợp lý hơn nữa, phù hợp với các quy định của EVFTA. Đây không chỉ là vấn đề kinh doanh, mà còn mang lại lợi ích to lớn cho người tiêu dùng và bệnh nhân Việt Nam.

Về mặt này, Business France (cơ quan quốc gia hỗ trợ xuất khẩu và phát triển quốc tế của các doanh nghiệp Pháp cũng như xúc tiến và thu hút đầu tư quốc tế vào Pháp) hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Pháp để giúp họ tìm kiếm cơ hội xuất khẩu tại Việt Nam trong các lĩnh vực như thiết bị công nghiệp, nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng hoặc các giải pháp công nghệ bao gồm fintech (công nghệ tài chính), medtech (công nghệ y tế) và edtech (công nghệ giáo dục).

Tăng cường đầu tư

Về đầu tư, Pháp là đối tác quan trọng tại Việt Nam, đứng thứ ba trong số các nước châu Âu đã đầu tư vào Việt Nam. Nhìn chung, Pháp là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 16 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đến nay là 3,6 tỷ USD. Đã có 35 trong tổng số 40 công ty của nhóm CAC-40 (nhóm 40 công ty được định giá cao nhất của Pháp trên sàn chứng khoán Paris) đã đặt chân vào Việt Nam.

Người Việt Nam có thể thấy các công ty này hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như các dự án cơ sở hạ tầng. Việc thực hiện những dự án này chưa bao giờ là dễ dàng, có thể bị trì hoãn, kéo dài và thường bị ảnh hưởng, nhưng chúng tôi tự hào về những gì các dự án này đang đạt được và tin rằng, chúng sẽ hỗ trợ nhiều cho người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều doanh nhân Pháp đã thành lập các công ty rất thành công tại Việt Nam, điển hình như Vergers du Mekong, Annam Gourmet, Aden Services và Saint-Honoré. Đó là những bằng chứng về sức hấp dẫn của Việt Nam.

Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, nhiều công ty Pháp cũng bắt đầu coi Việt Nam là cơ sở để thiết kế sản phẩm mới hoặc tiến hành các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Những doanh nghiệp khác cũng thành lập các văn phòng để hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh số hóa và khai thác nguồn nhân lực công nghệ thông tin tài năng. Tôi tin rằng, đó là những xu hướng sẽ tiếp tục phát triển. Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đang theo sát những xu hướng này để hỗ trợ tốt hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Pháp đổi mới trong một môi trường không ngừng phát triển.

Một số công ty Việt Nam cũng đã đầu tư vào Pháp. Trong số những công ty mới nhất thành lập công ty con ở Pháp, có những cái tên quen thuộc như Vietnam Airlines, FPT Software, Viettel và VinFast. Tôi tin rằng, đây là một khía cạnh khác của mối quan hệ mà trong đó, mọi thứ có thể tiến xa hơn nữa. Pháp tự hào có một thị trường lớn, năng động và có liên kết đặc biệt với các thị trường khác, như châu Phi. Hệ sinh thái đổi mới của Pháp (nhân tài, thuế, năng lực tổng thể) cũng được các công ty công nghệ đánh giá cao. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các công ty Việt Nam hội nhập quốc tế bằng cách thành lập các nhà máy công nghiệp và trung tâm R&D trên lãnh thổ của chúng tôi. Trong những tháng tới, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam có kế hoạch đến thăm nhiều tập đoàn Việt Nam hơn để thảo luận về những cơ hội này và xem làm thế nào để chúng tôi có thể hỗ trợ các tập đoàn này tốt hơn.

Hai nước chúng ta đã phát triển quan hệ đối tác lâu dài trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cơ sở hạ tầng, giao thông - vận tải, năng lượng và không gian. Trong lĩnh vực giao thông bền vững, Dự án tuyến tàu điện ngầm số 3 tại Hà Nội (được tài trợ phần lớn bởi viện trợ phát triển công cộng của Pháp và do một số nhóm người Pháp thực hiện) là dự án hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng, phần trên cao của dự án này sẽ mở cửa cho công chúng tham quan vào năm 2023, nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Tuy nhiên, một số rào cản hành chính vẫn chưa được giải quyết để mong muốn này trở thành hiện thực. Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đang làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam để hiện thực hóa mong muốn này.

Trong vài năm qua, Pháp và Việt Nam đã mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác song phương trong các lĩnh vực y tế, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, kinh tế số, giáo dục và nghiên cứu, cũng như quốc phòng và an ninh. Những lĩnh vực đó là tương lai của chúng ta. Đầu tư vào những lĩnh vực này một lần nữa là bằng chứng mạnh mẽ về sự tin tưởng lẫn nhau ngày càng tăng giữa hai nước. Thông qua các liên hệ và tiếp xúc hàng ngày của chúng tôi với các lãnh đạo cơ quan chức năng Việt Nam và bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các cuộc điện đàm và các chuyến thăm cấp cao giữa các nhà lãnh đạo của hai nước, chúng tôi hy vọng sẽ củng cố hơn nữa sự tin cậy này để mở đường cho mối quan hệ ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.

Hai nước chúng ta có những tham vọng quan trọng trong những năm tới. Pháp và Việt Nam chia sẻ những nguyên tắc và giá trị nhất định và sẽ cùng nhau trở nên mạnh mẽ hơn để đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn phía trước: khủng hoảng quốc tế, các cuộc tấn công chống lại chủ nghĩa đa phương, biến đổi khí hậu, chuyển đổi hệ thống nông nghiệp để trở nên bền vững và lành mạnh hơn và các dịch bệnh mới. Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đang hợp tác với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam để tìm ra giải pháp chung cho những vấn đề quan trọng đối với tương lai của chúng ta và của cả hành tinh.

Nicolas Warnery
Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam/baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục