Việt Nam và Hà Lan còn nhiều tiềm năng đẩy mạnh hợp tác đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar trao đổi về triển vọng hợp tác đầu tư và thương mại giữa hai nền kinh tế , cũng như kỳ vọng từ chuyến thăm này.
Ông Kees van Baar, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Ông Kees van Baar, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam

Theo ông, chuyến thăm này có ý nghĩa thế nào đối với quan hệ hai nước, đặc biệt là về thương mại và đầu tư?

Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh dấu mối quan hệ tốt đẹp giữa Hà Lan và Việt Nam, trong đó hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ song phương vào năm 2023. Hiện Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam.

Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại thương, Đầu tư và Hợp tác phát triển Hà Lan, bà Liesje Schreinemacher, đã đến thăm Việt Nam cùng với 44 doanh nghiệp. Trong khuôn khổ chuyến thăm, đại diện các cơ quan và doanh nghiệp hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận có tổng trị giá 65 triệu euro (tương đương 68,4 triệu USD). Trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Hà Lan, chúng tôi kỳ vọng hai nước sẽ tích cực tăng cường hợp tác kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nước và hậu cần (logistics).

Hà Lan hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam với 409 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 13,7 tỷ USD. Đại sứ có cho rằng, số vốn đầu tư này có khả năng tăng lên trong thời gian tới hay không và cần làm gì để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư?

Theo tôi, có khả năng tăng lên. Hợp tác đầu tư có nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa. Để khai thác toàn bộ tiềm năng của mối quan hệ kinh tế giữa hai nước, điều quan trọng là phải kết nối nhiều doanh nghiệp hơn từ cả hai quốc gia.

Quan hệ kinh tế hai nước có thể được hưởng lợi từ việc cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư tại Việt Nam. Tuần trước, trong chuyến thăm của bà Liesje Schreinemacher tới Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam đã trao tặng “Sách màu cam” cho Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, trong đó nêu bật những đề xuất của các công ty Hà Lan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, với mong muốn có thể cải thiện hơn nữa. Tôi tin rằng, với khung pháp lý phù hợp, quan hệ kinh tế của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới.

Việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) kể từ tháng 8/2020 đã mang lại nhiều cơ hội mở rộng hợp tác cho doanh nghiệp hai nước. Hiệu quả của Hiệp định đối với quan hệ thương mại Hà Lan - Việt Nam như thế nào, thưa Đại sứ?

Thương mại giữa EU và Việt Nam tăng cao hơn kể từ khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020. Riêng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu đã tăng trưởng đáng kể. Với 60% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường châu Âu vào EU thông qua cảng Rotterdam, Hà Lan đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho sự phát triển hơn nữa của thương mại EU - Việt Nam.

Là trung tâm hậu cần chính và là cửa ngõ vào châu Âu, chúng tôi cũng quan tâm đến việc hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực hậu cần tại Việt Nam. Để hàng xuất khẩu của Việt Nam được vận chuyển đi khắp thế giới, điều quan trọng là phải phát triển kết cấu hạ tầng hậu cần xanh và thông minh.

Việt Nam và Hà Lan đã và đang đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực phát triển cảng biển. Đại sứ có thể nói rõ hơn về khía cạnh này? Làm thế nào để Việt Nam phát triển cảng biển một cách hiệu quả?

Hà Lan có chuyên môn và kinh nghiệm xuất sắc trong lĩnh vực phát triển cảng và hậu cần với một số công ty đã có thành tích hoạt động tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Với sự gia tăng thương mại giữa Việt Nam và châu Âu, nguy cơ tắc nghẽn cảng ngày càng tăng. Trong khi đó, việc phát triển các cảng mới rất tốn kém và mất thời gian. Để sử dụng hiệu quả hơn các cảng hiện có, chúng tôi nhận thấy nhiều cơ hội, chẳng hạn phát triển hơn nữa giao thông vận tải đường thủy nội địa, số hóa và cải thiện hoạt động của cảng.

Các công ty và chuyên gia của Hà Lan rất mong được hỗ trợ Việt Nam phát triển cảng và thậm chí cả phát triển sân bay với quy mô lớn hơn nữa.

Hà Lan cũng đã cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện Quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế tuần hoàn với việc sử dụng phổ biến năng lượng tái tạo. Cam kết này đã được hiện thực hóa như thế nào? Hà Lan có thể chia sẻ kinh nghiệm gì với Việt Nam, thưa Đại sứ?

Chúng tôi tự hào rằng, Quy hoạch tổng thể ĐBSCL đã được thiết kế với sự giúp đỡ của các chuyên gia Hà Lan và chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam tiếp tục thực hiện. Đã có một số dự án cụ thể với sự tham gia của các công ty và chuyên gia Hà Lan.

Danh mục dự án hiện tại ở ĐBSCL đã lên tới hơn 50 triệu euro (khoảng 52,6 triệu USD) chỉ tập trung vào biến đổi khí hậu, nước và nông nghiệp. Ngoài ra, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Hà Lan đang đạt được dấu ấn lớn hơn, chẳng hạn năng lượng gió ngoài khơi và các giải pháp xử lý chất thải thành năng lượng.

Tuy nhiên, cũng có một số thách thức phía trước. Ví dụ, trong khía cạnh phân phối năng lượng tái tạo trong trường hợp sản xuất thừa, Việt Nam vẫn thiếu khung pháp lý và khả năng các công ty chia sẻ tài nguyên vẫn khá khó khăn. Hà Lan có thể chia sẻ công nghệ và các phương pháp tốt nhất vì lợi ích của nền kinh tế và của cả môi trường nữa.

Thanh Tùng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục