Việt Nam trong trật tự tài chính thế giới mới

(ĐTCK) Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo ra trật tự mới của nền kinh tế thế giới. Các quyết sách về tiền tệ của những quốc gia này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tác của họ, trong đó có Việt Nam.
Tỷ giá VND/USD ngoài những tác động từ yếu tố nội tại của nền kinh tế, còn đến từ nhiều nhân tố bên ngoài

Sự trỗi dậy của các nền kinh tế châu Á

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh của Anh (CEBR) phát hành cuối năm 2017 cho biết, châu Á đang dần khẳng định vị trí của mình và trong năm 2018, Ấn Độ sẽ đứng thứ năm trong số các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, qua mặt Pháp và Anh và đến năm 2027, nền kinh tế này sẽ vượt Đức để đứng hàng thứ 3 tính về quy mô.

Đến năm 2032, ba trong số bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đến từ châu Á, đó là Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Đồng thời, Hàn Quốc và Indonesia sẽ có tên trong Top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu tính tổng sản phẩm nội địa (GDP) theo USD thì đến năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt lên trên Hoa Kỳ, theo báo cáo của CEBR.

CEBR cho biết, năm 2000 trở về trước, các quốc gia vẫn thường được gọi là "những nước phát triển" chiếm 76% quy mô kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, con số này sẽ giảm xuống 44% vào năm 2032.

Trung Quốc hiện chiếm hơn 1/6 quy mô kinh tế toàn cầu, nhưng dấu ấn của quốc gia này trong các danh mục đầu tư quốc tế vẫn rất nhỏ. Thế nhưng, thị trường này trở nên mở cửa hơn khi Chủ tịch Tập Cận Bình nới lỏng các quy tắc về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc cũng dần khẳng định vị trí của mình trên thị trường tài chính toàn cầu. Kể từ năm 2015, đồng NDT bất ngờ bị mất giá khi Bắc Kinh tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và làm cho xuất khẩu của Trung Quốc cạnh tranh hơn.

Giữa năm 2015, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng có những tác động lan tỏa trên toàn cầu, làm rung chuyển các tài sản có giá trị trong nhiều tuần. Điều này đã buộc nhiều nhà đầu tư phải quan tâm hơn tới sức ảnh hưởng từ thị trường gần 1,4 tỷ dân này.

Đến ngày 1/10/2016, đồng NDT đã chính thức gia nhập vào rổ tiền tệ quốc tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng với USD của Mỹ, euro của EU, yen Nhật và bảng Anh. Đây là những loại tiền tệ các nước có thể nhận được thông qua các khoản vay của IMF. Kể từ năm 1999, khi euro được IMF chấp nhận đưa vào rổ tiền tệ của quỹ này, thì đây là lần đầu tiên một đồng tiền mới được bổ sung vào quỹ dự trữ của IMF.

Sức mạnh của Trung Quốc ngày càng mở rộng với thị phần lớn trong thương mại toàn cầu và đồng NDT đã được quản lý để trở thành điểm neo cho các loại tiền tệ khác khắp châu Á. Việc vừa là nước xuất khẩu, vừa là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới đồng nghĩa với việc những thay đổi chính sách của Chính phủ Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến giá cả mọi hàng hóa, từ trái cây cho đến bitcoin. Giao dịch trên thị trường hàng hóa của Trung Quốc ngày càng có sức ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới nước này.

Tác động đến Việt Nam và sự chuẩn bị

Việc các nền kinh tế châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ đang lên ngôi khiến vai trò của chính sách tiền tệ của những nước này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Tỷ giá VND/USD ngoài những tác động từ yếu tố nội tại của nền kinh tế, còn đến từ những nhân tố bên ngoài, mà cụ thể là trạng thái tỷ giá của 8 đồng tiền trong rổ tiền tệ làm cơ sở tham chiếu cho VND, đặc biệt là NDT của Trung Quốc. Bởi Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 94 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 22% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và được dự báo sẽ đạt mốc 100 tỷ USD trong năm 2018. Do đó, sự biến động của NDT sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của VND, đặc biệt khi Việt Nam và Trung Quốc cùng xuất khẩu nhiều mặt hàng tương đồng sang các thị trường lớn như Mỹ và EU.

Nếu Trung Quốc theo đuổi chính sách đồng NDT yếu thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ kém cạnh tranh hơn so với Trung Quốc. Trong năm 2017, NDT đã tăng khoảng 5,8% so với USD, mức tăng cao nhất trong gần 9 năm qua.

Với diễn biến này, hàng hóa được mua bằng NDT sẽ đắt đỏ hơn. Nhưng ở chiều ngược lại, cơ hội lại mở ra nhiều hơn với hàng hóa xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc nếu được thanh toán bằng đồng NDT, nhờ có được lợi thế tỷ giá.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thanh toán bằng đồng NDT chưa thật sự phổ biến trong thương mại Việt Nam - Trung Quốc, hợp đồng thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc qua đường chính ngạch đang được ấn định bằng USD, trừ các dự án tài trợ bằng vốn ODA của Trung Quốc có yêu cầu thanh toán bằng NDT. Do vậy, việc đồng NDT tăng giá so với VND sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc.

Như vậy, có thể thấy rằng, diễn biến tỷ giá giữa VND và USD cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài, đặc biệt là động thái điều hành của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC). Đây được xem là một trong những biến số lớn chi phối sự biến động của tỷ giá VND và USD trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, thế giới đã chứng kiến những diễn biến khác và Việt Nam kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều từ sự thay đổi này. Đó là việc các tập đoàn, công ty đa quốc gia đang dần dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, hướng về các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2016 và tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Cùng với đó, vốn FDI giải ngân đạt 17,5 tỷ USD, tăng cao nhất từ trước đến nay.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực của Việt Nam trong năm 2017, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo thu hút sự quan tâm lớn nhất với 15,87 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư là 8,37 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lũy kế đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư 186,1 tỷ USD vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 58,4% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, FDI đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo một phần là do Việt Nam có nguồn lao động dồi dào và giá nhân công rẻ hơn so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến - chế tạo cũng là lĩnh vực Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm, ưu tiên thu hút đầu tư, nhằm đạt mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2020.

Xu hướng chuyển dịch mới này đã đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, không chỉ về mặt phát triển các ngành công nghệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà còn có lợi về mặt lãi suất lẫn tỷ giá.

Ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Tiền tệ, Ngân hàng SCB nhận định, vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam nhiều sẽ giúp đồng VND mạnh hơn, tỷ giá sẽ ổn định hơn, đồng thời tạo điều kiện giúp giảm lãi suất đồng nội tệ xuống mức tương đồng với các nước trong khu vực, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước, cũng như tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa được sản xuất từ Việt Nam.

Hiện nay, mức lãi suất huy động của các nước trong khu vực đang dao động trong khoảng từ 2 - 4%/năm, trong khi mức này ở Việt Nam là 5 - 7%/năm, phần nào làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Với trật tự tài chính thế giới mới đang dần được thiết lập, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự hiểu biết đầy đủ, cũng như có thay đổi từ trong nội tại về công nghệ, quản trị doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội này.

Nhuệ Mẫn
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục