Việt Nam tích cực đóng góp vào công việc chung của thế giới

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đã đảm nhận và thực hiện thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Đại sứ Đặng Đình Quý (hàng đầu, bên trái) trong một phiên thảo luận tại Liên hợp quốc Đại sứ Đặng Đình Quý (hàng đầu, bên trái) trong một phiên thảo luận tại Liên hợp quốc

Trao đổi với Báo Đầu tư, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc cho biết, rất nhiều sáng kiến của Việt Nam đã được đề xuất và hiện thực hóa trong nhiệm kỳ này, đồng thời uy tín và hình ảnh của đất nước đã được nâng lên rõ rệt.

Xin Đại sứ cho biết những đóng góp của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế sau 2 năm làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc?

Trong 2 năm qua, tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã chủ động, tích cực đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, tích cực tham gia tìm giải pháp cho tất cả các vấn đề trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an ở tất cả các khu vực, cũng như các vấn đề quan trọng như: chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, an ninh biển, biến đổi khí hậu, ứng phó với đại dịch Covid-19.

Chúng ta cũng đã nỗ lực thúc đẩy đồng thuận trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để gia tăng hợp tác, đối thoại và giảm căng thẳng, đối đầu, nhằm tìm ra các giải pháp công bằng, hợp lý, ứng phó với các nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.

Trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tháng 1/2020 và 4/2021, Việt Nam đã chủ trì, điều hành hoạt động của Hội đồng Bảo an và xử lý các vấn đề phát sinh một cách thỏa đáng, hiệu quả, góp phần thúc đẩy công việc chung một cách suôn sẻ. Trong đó, có việc chủ trì hơn 60 cuộc họp chính thức và tham vấn kín của Hội đồng Bảo an, thúc đẩy thương lượng, chủ trì thông qua các quyết định quan trọng của Hội đồng.

Nổi bật là 2 nghị quyết về “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân” và “Gia hạn cơ chế các tòa án còn tồn đọng”; 3 tuyên bố Chủ tịch về “Thượng tôn Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh thế giới”, “Vai trò của các tổ chức khu vực trong thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin” và “Xử lý hậu quả bom mìn trong xung đột”.

Bên cạnh việc luôn chú trọng tham vấn với các bên liên quan, Việt Nam cũng giữ vững cam kết trong việc minh bạch hóa thông tin và thúc đẩy sự tham gia của các nước thành viên Liên hợp quốc vào công việc chung của Hội đồng Bảo an.

Trong và sau khi đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, uy tín của Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt. Đại sứ có thể nói rõ hơn về điều này?

Uy tín là thứ khó lượng hóa, nhưng có thể thấy được thông qua số phiếu các nước bầu cho Việt Nam. Bên cạnh việc đạt được số phiếu kỷ lục, 192 phiếu/193 nước, khi chúng ta vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong 2 năm qua, ứng cử viên của Việt Nam tái cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế đã trúng cử với số phiếu đứng thứ 4/11 trong Nhóm châu Á - Thái Bình Dương; vào các cơ quan khác như Liên minh Bưu chính Viễn thông, Hội đồng Thống đốc Cơ quan Nguyên tử quốc tế cũng trúng cử với số phiếu cao.

Uy tín cũng thể hiện qua mức độ các nước hưởng ứng và ủng hộ các sáng kiến mà Việt Nam đưa ra. Năm 2020, sáng kiến của ta về việc Liên hợp quốc lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh đã được hơn 120 nước đồng bảo trợ và Đại hội đồng thông qua bằng đồng thuận. Năm 2021, sáng kiến thành lập Nhóm bạn bè của Công ước Liên hợp quốc về luật biển mà Việt Nam, Đức đưa ra và vận động cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn, nhanh chóng trở thành nhóm có số thành viên đông nhất trong các nhóm bạn bè tại Liên hợp quốc.

Tất nhiên, số lượng phiếu bầu cho ta và mức độ hưởng ứng các sáng kiến của ta có thể bắt nguồn từ nhiều nhân tố. Nhưng nếu Việt Nam không phải là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nếu không làm tốt vai trò của mình, thì khó có thể đạt được số phiếu và mức độ hưởng ứng cao như vậy.

Những ý nghĩa và bài học được rút ra của Việt Nam sau khi đảm nhận cương vị này là gì, thưa Đại sứ?

Vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 là bước đi cụ thể nhằm tiếp tục triển khai chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc” của Đảng ta.

Việc đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần thứ hai thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương dựa trên luật pháp quốc tế, với Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm.

Việc đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần thứ hai thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương dựa trên luật pháp quốc tế, với Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm.

Thông qua tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã tiếp tục đẩy mạnh hội nhập toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trong hệ thống quản trị toàn cầu khi Hội đồng Bảo an là cơ quan có trách nhiệm hàng đầu của Liên hợp quốc về hòa bình, an ninh quốc tế, có ảnh hưởng lớn và sâu rộng trong đời sống quốc tế.

Việc tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã góp phần nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị quốc tế, trong các vấn đề, các cơ chế quan trọng, có tầm chiến lược đối với lợi ích Việt Nam, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể; đồng thời, làm sâu sắc thêm quan hệ song phương với các nước, các đối tác, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế/khu vực, tăng cường hiệu quả hợp tác, trong đó có quan hệ Đối tác toàn diện giữa ASEAN và Liên hợp quốc; thể hiện bản lĩnh, năng lực xử lý khéo léo, thỏa đáng các phức tạp nảy sinh.

Một trong những bài học lớn nhất được rút ra chính là việc quán triệt chủ trương, đường lối, chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng bản lĩnh, năng lực xử lý khéo léo các phức tạp nảy sinh, cách tiếp cận mang tính xây dựng. Đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là vai trò chủ đạo của Bộ Ngoại giao - cơ quan chủ trì hoạt động đối ngoại, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, cần có cơ chế phân công, phân cấp ra quyết định hiệu quả, phù hợp; cơ chế báo cáo, chỉ đạo được triển khai tốt, kịp thời và hiệu quả.

Bài học nữa là phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối ngoại đa phương với đối ngoại song phương, tranh thủ đa phương để làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với các nước, đối tác quan trọng, các tổ chức quốc tế, Liên hợp quốc. Chúng ta đã tận dụng tốt vai trò “kép” của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để củng cố quan hệ ASEAN - Hội đồng Bảo an, cũng như phát huy tiếng nói của ASEAN tại Hội đồng Bảo an và rộng hơn là Liên hợp quốc.

Đại sứ đánh giá thế nào về những thuận lợi, khó khăn của tình hình thế giới và hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong hai năm qua đặt ra cho Việt Nam trong quá trình đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc?

Tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội thế giới trong hai năm qua có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, xuất hiện những điểm nóng, bất ổn mới, phức tạp hơn. Các nước lớn gia tăng cạnh tranh chiến lược, căng thẳng, xung đột leo thang tại nhiều khu vực, trong khi các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, khủng bố, tội phạm có tổ chức… ngày càng nghiêm trọng, khó kiểm soát hơn. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 thách thức toàn cầu, chưa từng có tiền lệ và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống quốc tế.

Trong bối cảnh đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải điều chỉnh phương thức hoạt động để thích ứng, tiếp tục đảm trách khối lượng công việc lớn, bao quát tình hình ở tất cả các khu vực trên thế giới.

Việt Nam có thuận lợi khi vị thế ngày càng được nâng cao trong khu vực và trên trường quốc tế; có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thuộc tất cả các châu lục và có quan hệ tốt đẹp với tất cả nước lớn, trong đó có các Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tình hình quốc tế có nhiều phức tạp, song các nước đều thấy được sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế, đa phương, tăng cường vai trò của Liên hợp quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an - cơ quan có trách nhiệm hàng đầu theo Hiến chương trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Các nước cũng thấy được rằng, về nhiều vấn đề toàn cầu, không thể hành xử một cách đơn phương, mà cần cùng phối hợp, hành động tập thể. Các nước dù có nhiều khác biệt, song trong nhiều trường hợp, vẫn duy trì hợp tác vì những lợi ích chung.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với khó khăn, thách thức khi bối cảnh quốc tế và khu vực hết sức phức tạp, đòi hỏi khéo léo xử lý khi có vấn đề khác biệt giữa các thành viên, bảo đảm lập trường nguyên tắc và lợi ích của đất nước. Việt Nam cùng với các nước thành viên vừa phải giải quyết các vấn đề toàn cầu, vừa phải nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức to lớn khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Thanh Tùng thực hiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục