Cụ thể, doanh số bán hàng toàn cầu của đồ uống có cồn của khu vực châu Á Thái Bình Dương đạt 89.984 triệu lít vào năm 2016 và dự kiến đạt 99.279 triệu lít vào năm 2020, tăng trưởng 7,3%.
Trong đó, đứng đầu danh sách tiêu thụ đồ uống có cồn trên thế giới là Trung Quốc với 59.022 triệu lít. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 65.208 triệu lít vào năm 2020.
Tại Việt Nam, trong năm 2016 đã bán được 3.918 triệu lít đồ uống có cồn, bao gồm 3.822 triệu lít bia và 41 triệu lít rượu - xếp thứ 16 trên thế giới về mức độ tiêu thụ đồ uống có cồn trên thế giới.
Ông Richard Clemens, Giám đốc điều hành Hiệp hội Máy chế biến Thực phẩm và Đóng gói VDMA cho biết, dự kiến đến năm 2020, doanh số tiêu thụ đồ uống có cồn của Việt Nam sẽ tăng lên 4.973 triệu lít, tăng trưởng 29,6% trong kỳ tăng trưởng 2016-2020.
Triển lãm drinktec 2017 - Triển lãm về Máy móc và Công nghệ sản xuất Đồ uống và Thực phẩm dạng lỏng dự kiến sẽ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia. (Ảnh: Hồng Vân)
TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam cho rằng, hiện nay, nếu tính mức độ tiêu thụ bia theo đầu người thì Việt Nam chỉ đứng khoảng thứ 50 trên thế giới, nếu tính theo sản lượng sản xuất bia thì đứng thứ 13 trên thế giới, cùng vị trí với mức độ dân số của nước ta.
“Điều này có nghĩa là việc tiêu thụ, sản xuất đồ uống của ngành bia là bình thường”, ông Việt nhận định.
Giải thích về con số tiêu thụ bia lớn của nước ta trong năm qua, ông Việt cho biết, từ những năm 90 khi ngành đồ uống phát triển, Việt Nam đã hợp tác rất chặt chẽ với Đức. Bia Việt Nam được sản xuất theo công nghệ chủ yếu của Đức với trên 90% cũng là thiết bị của Cộng hòa liên bang Đức.